Tăng diện tích cây vụ đông, phục vụ xuất khẩu

Vụ đông là vụ sản xuất có thời gian ngắn, ít chịu ảnh hưởng của thiên tai, lại đa  dạng các loại cây trồng và có giá trị thu nhập cao. Hiện nay, việc xuất khẩu nông sản sang một số thị trường thế giới khá thuận lợi do một số nước bị ảnh hưởng của bão,  lũ, dịch Covid-19 cho nên thiếu nguồn cung. Do đó, các địa phương phía bắc đang phấn đấu mở rộng diện tích gieo trồng để đáp ứng nhu cầu 
xuất khẩu. 

Thu hoạch ngô vụ đông ở trang trại TH, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An).
Thu hoạch ngô vụ đông ở trang trại TH, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An).

Năng suất, giá trị tăng

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, qua thống kê, từ năm 2015 đến năm 2019, các tỉnh phía bắc ổn định diện tích gieo trồng cây vụ đông khoảng hơn 380 nghìn ha nhưng giá trị liên tục tăng cao. Nếu như năm 2015, diện tích gieo trồng cây vụ đông khoảng 407 nghìn ha, giá trị hơn 22,3 nghìn tỷ đồng. Ðến năm 2019, diện tích dù giảm còn 387 nghìn ha nhưng giá trị đạt 31,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn 9 nghìn tỷ đồng so với năm 2015. Nguyên nhân dẫn tới giá trị từ sản xuất vụ đông liên tục tăng là do các địa phương đã chủ động đưa những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Nhóm cây dược liệu, rau ăn củ, ăn quả chất lượng cao, hoa, cây cảnh nhằm thay thế cây trồng có giá trị thấp. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã đẩy mạnh sản xuất trong nhà màng, nhà lưới gắn với sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, trồng rải vụ. Một số địa phương đã triển khai mô hình sản xuất cây vụ đông theo vùng và có liên kết, đầu ra ổn định, giúp nâng cao giá trị canh tác và thu nhập cho người dân.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Ðệ cho biết, vụ đông 2019, toàn tỉnh gieo trồng hơn 37 nghìn ha ngô, lạc, rau, củ, quả các loại… Qua sản xuất vụ đông đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất mang lại hiệu quả cao. Ðiển hình như mô hình trồng 120 ha dưa chuột, rau, củ, quả; hành tăm và rau cải xen ở các xã: Nghi Thuận, Nghi Lâm, Nghi Long (huyện Nghi Lộc) cho thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/ha; mô hình trồng rau, dưa chuột, bí xanh, khoai tây ở các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành… cho thu nhập từ 80 đến 120 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình trồng rau, hoa trong nhà lưới ở các xã: Mỹ Thành, Bảo Thành, Tân Thành (huyện Yên Thành) cho thu nhập cao từ 150 đến 200 triệu đồng/1.000 m2/vụ; hay mô hình trồng mướp hương trên đất hai lúa ở xã Quỳnh Giang (huyện Quỳnh Lưu) cho thu nhập 400 triệu đồng/ha…

Theo Sở NN và PTNT tỉnh Hải Dương, vụ đông 2019, các mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới mang lại thu nhập từ 600 triệu đồng đến 1,4 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, huyện Gia Lộc có mô hình trồng rau vụ đông với thu nhập từ 210 đến 360 triệu đồng/ha. Hay mô hình trồng súp lơ liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân với diện tích 585 ha ở các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, Bình Giang, Nam Sách, TP Chí Linh cho thu nhập từ 255 đến 310 triệu đồng/ha/vụ.

Mở rộng diện tích cây trồng có thị trường tiêu thụ tốt

Tại cuộc họp triển khai sản xuất vụ đông năm 2020 ở các tỉnh phía bắc vừa qua, Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian qua, một số nước bị ảnh hưởng do mưa, lũ, dịch Covid-19 cho nên khả năng thiếu nguồn cung lương thực, nhu cầu nhập khẩu cao. Chính vì vậy, các tỉnh miền bắc cần tận dụng thời cơ tăng diện tích trồng cây vụ đông để có sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, sản xuất vụ đông năm 2020 cũng có nhiều bất lợi, khả năng mùa đông đến sớm, mưa lớn ảnh hưởng đến diện tích mới gieo trồng; tình trạng thiếu lao động vào thời điểm gieo trồng và thu hoạch; ruộng manh mún, nhỏ lẻ gây khó khăn trong việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn…

Theo Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Ðệ, vụ đông năm 2020, tỉnh phấn đấu gieo trồng hơn 37,6 nghìn ha cây trồng các loại. Ðể bảo đảm sản xuất, Sở đang đề nghị các địa phương tính toán, xây dựng phương án sản xuất cụ thể tùy vào điều kiện thực tế; có phương án chủ động tiêu úng cho cây trồng để vừa giảm thiểu thiệt hại do thiên tai vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; nhân rộng các mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP và ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh mở rộng diện tích rau các loại, nhất là các cây rau mang lại giá trị cao; phát triển các sản phẩm nông sản lợi thế của từng địa phương gắn với thị trường tiêu thụ.

Nhằm bảo đảm vụ đông năm 2020 đạt kết quả tốt, các địa phương cần đa dạng hóa cây trồng, chú ý trồng rải vụ đối với rau màu nhằm giảm áp lực tiêu thụ; mở rộng diện tích các đối tượng trồng có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định như: Dưa chuột bao tử, ớt, bí xanh, bí ngô, cây dược liệu, các loại nấm ăn… Ðối với vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng tiểu khí hậu ôn đới thuận lợi cho việc trồng hoa, cần mở rộng nhóm hoa chất lượng cao (hoa ly, loa kèn, cẩm chướng…) nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Cùng với đó, các địa phương cần căn cứ vào điều kiện nguồn nước, đất đai, thị trường để chủ động bố trí thời vụ, diện tích với những loại cây trồng phù hợp. Các địa phương cần đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, hình thành những vùng sản xuất tập trung; chủ động xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm…

Vụ đông năm 2020 ở các tỉnh phía bắc, Bộ NN và PTNT đề ra mục tiêu phấn đấu gieo trồng từ 430 đến 450 nghìn ha (tăng khoảng 10 đến 20% diện tích so với vụ đông năm 2019). Sản lượng phấn đấu đạt từ 4,6 đến 4,9 triệu tấn (tăng 10% đến 15% so với vụ đông năm 2019) với giá trị đạt khoảng 34,2 đến 36,6 nghìn tỷ đồng.