Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng "Búa liềm vàng"

Sức mạnh tổng hợp trong xây dựng nông thôn mới

Huyện Thoại Sơn (An Giang) có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), thu nhập bình quân hơn 47 triệu đồng/người/năm, tăng gấp ba lần so năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,10%. Thực tế ở huyện cho thấy, yếu tố quan trọng để thực hiện xây dựng NTM là phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa của xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn.
Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa của xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn.

Đến Thoại Sơn, chúng tôi cảm nhận sự phấn khởi của người dân trước kết quả xây dựng NTM. Anh Lê Phước An, ở ấp Nam Huề, xã Bình Thành chia sẻ khi dẫn chúng tôi thăm vườn nhà: Ðược cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và các đảng viên của ấp động viên, hướng dẫn, mời tham gia các lớp tập huấn, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi 4,5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cam, quýt áp dụng công nghệ phun tưới tự động. Nhờ đó, hơn hai năm qua, vườn cây của tôi phát triển rất tốt. Vụ này, chỉ tính riêng cam, sản lượng ước khoảng bảy tấn/0,10 ha, trừ chi phí, mỗi 0,10 ha tôi lãi hơn 100 triệu đồng.

Mô hình kinh tế của anh Lê Phước An cũng là cách làm được nhiều hộ dân ở huyện Thoại Sơn thực hiện. Nằm ở phía đông nam tứ giác Long Xuyên, ngoài những ngọn núi Ba Thê, núi Sập, núi Chọi, địa hình còn lại của huyện khá bằng phẳng, với diện tích đất canh tác 40.967 ha (chiếm 87% diện tích đất tự nhiên), trong đó chủ yếu là đất trồng lúa ba vụ. Toàn huyện có 44.700 hộ với hơn 182.280 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề nông. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðỗ Văn Sang, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện trước đây tuy có bước tiến, song tỷ trọng ngành nông nghiệp còn cao. Sản xuất nông nghiệp phần lớn quy mô nhỏ, giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế chưa cao, thiếu ổn định. Việc thu hút đầu tư và nguồn lực đầu tư vào nông thôn còn hạn chế. Năm 2011, khi triển khai xây dựng NTM, phần lớn các xã đều khó khăn, xuất phát điểm thấp, có sáu xã đạt năm đến bảy tiêu chí, tám xã đạt dưới năm tiêu chí.

Làm thế nào để phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương trong xây dựng NTM là trăn trở của các đồng chí lãnh đạo các cấp và là vấn đề được bàn sâu trong nhiều cuộc họp của Ban Thường vụ Huyện ủy. Phát huy vai trò chủ thể, tính chủ động, tích cực của người dân chính là nền tảng động lực trong thực hiện xây dựng NTM ở huyện. Xác định rõ mục tiêu, Huyện ủy Thoại Sơn đã ra nghị quyết chuyên đề, trong đó nhấn mạnh trọng tâm là đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy và cả hệ thống chính trị. Ðồng chí Nguyễn Thành Ðô, Bí thư Huyện ủy cho biết, Huyện ủy phân công rõ ràng trách nhiệm, địa bàn phụ trách đối với từng đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành trong việc cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở xác định nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện chỉ đạo xây dựng NTM; yêu cầu cao đối với người đứng đầu về trách nhiệm kiểm tra, giám sát, cũng như tăng cường hoạt động đối thoại ở cơ sở, tích cực chủ động đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp.

Vĩnh Phú là một trong hai xã NTM đầu tiên (năm 2015) của huyện Thoại Sơn và nằm trong tốp đầu xã NTM của tỉnh An Giang, đang tập trung thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao. Qua trò chuyện với người dân, chúng tôi nhận thấy trách nhiệm cộng đồng trong xây dựng NTM. Bí thư Chi bộ xóm Trung Phú 3 Thạch Văn Thành cho biết: Chuyển đổi cách thức làm ăn, thay đổi sang giống cây, con có giá trị kinh tế cao là một khâu khó trong xây dựng NTM, vì tập quán đã ăn sâu trong nhận thức của người nông dân, điều kiện hạ tầng cơ sở hạn chế và khâu liên kết sản xuất vẫn là khái niệm mà người dân chưa hiểu rõ. Thế nên, sau khi Ðảng ủy xã có nghị quyết, Chi bộ xây dựng kế hoạch phân công, giao nhiệm vụ cho từng đảng viên phụ trách khu dân cư, nhóm gia đình, tổ liên gia, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban công tác Mặt trận làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong toàn thôn. Với tinh thần đảng viên nêu gương đi đầu, Bí thư Chi bộ và cấp ủy xóm đã vào cuộc tích cực, đưa Chi bộ xóm Trung Phú 3 sớm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, cùng cả xã thực hiện toàn diện các chỉ tiêu NTM nâng cao theo chủ trương của tỉnh và huyện. Năm 2018, bình quân thu nhập trên địa bàn xã đạt hơn 48,5 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,66%.

Theo đồng chí Huỳnh Ngọc Bé, Bí thư Ðảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú, nhằm đạt mục tiêu thu nhập bình quân 55 triệu đồng/người trong năm nay, từ đầu năm, Ðảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái. Cùng với đó, xã mở 25 lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng dân dụng, cơ khí, may công nghiệp,… cho 600 lao động; giới thiệu việc làm mới cho 500 lao động theo ngành nghề đào tạo và xuất khẩu lao động.

Ðến nay, cả 14 xã của huyện Thoại Sơn đều đạt chuẩn NTM (sớm hơn kế hoạch một năm), thu nhập bình quân đầu người đạt 47,425 triệu đồng/người/năm, tăng gấp ba lần so năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 còn 3,10%. Mới đây, Thoại Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM. Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Phạm Minh Tâm chia sẻ niềm vui với chúng tôi: Ðiều quan trọng là chính quyền các cấp phải luôn tích cực định hướng, hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thông qua việc ban hành và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách.

Cùng với đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, còn phải thật sự coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát,… trên cơ sở phân công, phân nhiệm rõ ràng. Cán bộ lãnh đạo, quản lý dành nhiều thời gian xuống cơ sở nắm bắt tình hình, đôn đốc, hướng dẫn địa phương thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia của người dân và doanh nghiệp.