Sơn La xây dựng thương hiệu cây ăn quả chủ lực

Những năm qua, để thực hiện có hiệu quả việc phát triển cây ăn quả trên đất dốc, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các cấp ủy, chính quyền và ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chọn bộ giống tốt, thực hiện lai tạo, ghép cải tạo vườn tạp, hình thành các vùng trồng cây ăn quả có giá trị, nâng cao thu nhập.

Người dân xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã (Sơn La) thu hoạch nhãn.Ảnh: MINH TUẤN
Người dân xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã (Sơn La) thu hoạch nhãn.Ảnh: MINH TUẤN

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể vùng trồng các loại cây ăn quả chủ lực; mở rộng vùng trồng, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP); đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Sơn La với thị trường nội địa và quốc tế.

Hiện nay, tỉnh có 62.734 ha cây ăn quả, năng suất 401.257 tấn (tăng 4,05 lần so năm 2015). Riêng diện tích cây nhãn đạt 15.090 ha, gấp hơn ba lần vùng nhãn của tỉnh Hưng Yên. Từ chỗ không xuất khẩu được nông sản, năm 2018 giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh đạt 115 triệu USD, sang thị trường 12 nước Mỹ, Pháp, Australia, UAE… Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả phù hợp khí hậu, độ cao, như 15.090 ha nhãn, 12.090 ha xoài, cây sơn tra 11.470 ha, cây chanh leo 2.046 ha, cây mận 8.746 ha, thanh long 117 ha, chuối 4.553 ha, cây ăn quả có múi 3.638 ha, cây na 226 ha, cây bơ 1.053 ha…Một số loại như: Chanh leo tím và bơ ghép cho thu nhập 600 triệu đồng/ha; xoài ghép 500 triệu đồng/ha; na hoàng hậu ghép cho thu nhập một tỷ đồng/ha.

Tỉnh đã hoàn thành xây dựng thương hiệu cho 18 sản phẩm, như: Chè Shan tuyết Mộc Châu; nếp Mường Và; cá tầm Sơn La; cá sông Đà... Các loại hoa quả của Sơn La đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Toàn tỉnh hiện có hơn 85 nghìn hộ gia đình với gần 450 nghìn người (35% dân số toàn tỉnh) tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả.

* Tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2020 có 57 trong tổng số 89 xã được công nhận nông thôn mới (NTM). Các xã còn lại phấn đấu thực hiện đạt thêm ít nhất một tiêu chí. Các đơn vị đã đạt xã NTM thì giữ vững và nâng chất lượng 19 tiêu chí, tích cực xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu.

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa quy hoạch, điều chỉnh đề án xây dựng NTM phù hợp yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thực hiện chương trình mục tiêu mỗi xã một sản phẩm; trong đó gắn quy hoạch cấp xã với quy hoạch chung của huyện, tỉnh. Tỉnh huy động lồng ghép các nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế; tận dụng, nâng cấp các công trình hiện có và bảo tồn các công trình văn hóa. Bên cạnh đó, tỉnh vận động nhiều nguồn lực đầu tư cho NTM, nhất là nguồn lực ngoài nhà nước; triển khai chính sách khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tỉnh chú trọng phát triển sản xuất, phấn đấu nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, nỗ lực giảm nghèo gắn với thực hiện chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Quan tâm xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác, các hình thức liên kết hợp tác đối với những nông sản chủ lực của địa phương theo chuỗi từng ngành hàng, gắn với chế biến và tiêu thụ.

Tỉnh hiện có 45 trong tổng số 89 xã đạt chuẩn NTM, một đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có hai xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 38 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, bốn xã đạt từ năm - chín tiêu chí và không có xã nào dưới năm tiêu chí. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2018 đạt 33,5 triệu đồng/người.