Sớm gỡ vướng cho các dự án PPP ở TP Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh là nơi thu hút rất nhiều dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), phần lớn là ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giao thông, vận tải… Tuy nhiên, do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện và thường xuyên thay đổi cho nên nhiều dự án rơi vào tình cảnh khó khăn, không bảo đảm được kế hoạch thực hiện cũng như hiệu quả đầu tư…

Công nhân thi công cống ngăn thủy triều Bến Nghé thuộc Dự án “ Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1”.
Công nhân thi công cống ngăn thủy triều Bến Nghé thuộc Dự án “ Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1”.

Nhiều công trình ngưng thi công, chậm tiến độ

Cuối năm 2017, dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý (cầu mới) được khởi công xây dựng theo hình thức BOT, với tổng mức đầu tư gần 668 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan (phương án thu phí không phù hợp, vướng mặt bằng chưa giải tỏa được…) cho nên dự án đã ngưng thi công từ cuối năm 2018 sau khi hoàn thành khoảng 70% khối lượng công trình. Trên cơ sở ý kiến của chủ đầu tư, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã đề xuất UBND thành phố ngừng thực hiện dự án này theo hình thức BOT, chuyển sang hình thức đầu tư công. Tuy vậy, do việc chấm dứt hợp đồng BOT này phải bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan, lại chưa có tiền lệ, vì vậy đến nay vẫn chưa xong. Giám đốc Ban Quản lý dự án Ðầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Lương Minh Phúc cho biết: Ban phối hợp các sở, ngành liên quan rà soát dự án, lập thủ tục kết thúc dự án BOT và chuyển sang thủ tục đầu tư công theo quy định để trình UBND thành phố giải quyết cho dự án được tiếp tục thực hiện UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương dừng hợp đồng BOT để chuyển qua dùng vốn ngân sách.

Tương tự, Dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1" cũng vướng mặt bằng chưa giải tỏa được, cho nên chưa thể hoàn thành theo tiến độ mong muốn. Dự án này được thực hiện theo hình thức BT với vốn đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng; góp phần giải quyết vấn đề ngập do triều cường ở các quận 1, 4, 7, 8, các huyện Bình Chánh, Nhà Bè với diện tích ảnh hưởng khoảng 570 km2. Theo nhà đầu tư dự án (Công ty cổ phần Ðầu tư xây dựng Trung Nam), hiện khối lượng công trình đã đạt khoảng 78%; phần lớn các cống ngăn triều đã hoàn thành hệ thống cống chính, chỉ còn chờ lắp van ngăn triều. Cùng cảnh ngộ, khởi công vào cuối năm 2017 nhưng đến tháng 11-2019, Dự án vành đai 2, đoạn từ đường Phạm Văn Ðồng đến cầu vượt Gò Dưa (quận Thủ Ðức) dài 2,75 km phải tạm ngừng thi công vì gặp khó khăn về mặt bằng thi công và thực hiện phụ lục hợp đồng (nhà đầu tư chưa được giao đất để thanh toán chi phí đầu tư). Ðây là dự án thực hiện theo hình thức BT, do Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú - Bắc Ái đầu tư xây dựng với nguồn vốn khoảng 2.100 tỷ đồng. Dự án mới đạt hơn 40% khối lượng xây lắp và cũng chưa xác định được thời điểm tái khởi động việc thi công…

Chờ hướng dẫn từ cấp trên

Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư (KH-ÐT) TP Hồ Chí Minh, Sở hiện đang theo dõi và quản lý 22 dự án PPP đã ký kết hợp đồng, đang triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư 64.244 tỷ đồng. Trong đó, có 11 dự án đã hoàn thành công tác xây dựng hoặc đang trong giai đoạn thực hiện hợp đồng, 11 dự án chưa hoàn thành việc thi công xây dựng. Sở cũng đang theo dõi 166 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến 324.770 tỷ đồng. Cùng với đó, Sở đang phối hợp các đơn vị liên quan kêu gọi đầu tư 293 dự án theo hình thức PPP ở nhiều lĩnh vực với tổng mức đầu tư dự kiến 910.426 tỷ đồng. Từ tháng 3-2017, việc triển khai hoạt động thu hút đầu tư theo hình thức PPP (chủ yếu là hình thức BT) đều phải tạm dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, do chờ Chính phủ ban hành nghị định về quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT. Ðến ngày 15-8-2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2019/NÐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-2019), nhưng từ đó tới nay thành phố chưa có dự án PPP mới nào được ký kết hợp đồng.

Theo Sở KH-ÐT thành phố, hiện tại, việc triển khai thực hiện một dự án PPP được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan và rất phức tạp (khoảng 15 luật, nghị định và 28 thông tư liên quan). Hơn nữa, các quy định pháp luật về PPP chưa nhất quán, đôi khi chưa rõ ràng, gây ảnh hưởng quá trình thực hiện thủ tục đầu tư. Ðơn cử, một số dự án PPP đã được ký kết hợp đồng và triển khai thi công xây dựng nhưng vì nhiều yếu tố khách quan cho nên không thể tiếp tục thực hiện, phải chuyển sang hình thức đầu tư công. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định về nội dung này (chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công), nhất là thủ tục bố trí nguồn vốn ngân sách để thanh lý hợp đồng đã ký kết. Hoặc việc sử dụng tiền thu được từ việc đấu giá tài sản công để thanh toán cho hợp đồng BT cũng chưa rõ ràng, nhất quán trong quy định pháp luật. Luật Ðất đai cũng chưa quy định cụ thể thủ tục giao đất cho nhà đầu tư trúng thầu dự án PPP…

Bên cạnh đó, việc kêu gọi đầu tư PPP gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất để thanh toán cho các hợp đồng BT cũng như việc giao đất sạch cho nhà đầu tư theo đúng tiến độ do thành phố chưa bảo đảm được nguồn kinh phí thực hiện công tác đền bù, giải tỏa mặt bằng. Cùng với đó, thủ tục thực hiện dự án PPP rất phức tạp và mất nhiều thời gian, thông thường mất khoảng hai năm… Từ thực tế đó, Sở KH-ÐT kiến nghị: Bộ KH-ÐT sớm có hướng dẫn cụ thể về quy định hợp đồng BT được thanh toán bằng quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ thực hiện dự án khác. Bộ Tài chính sớm sửa đổi quy định về việc sử dụng tiền thu được từ việc đấu giá tài sản công để thanh toán cho hợp đồng BT, nguồn vốn hỗ trợ công tác chuẩn bị đầu tư…

Kiến nghị HÐND thành phố tạo điều kiện thuận lợi trong việc quyết định chủ trương đầu tư và xem xét bố trí kế hoạch vốn đầu tư công cho dự án PPP thuộc thẩm quyền. Cùng với đó, theo Giám đốc Ban Quản lý dự án Ðầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Lương Minh Phúc, HÐND thành phố cần ủng hộ chủ trương nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong việc chịu trách nhiệm và cam kết tiến độ cụ thể của công tác bàn giao mặt bằng phục vụ thi công và duy trì công tác giám sát đối với nội dung này. Phó Chủ tịch HÐND thành phố, Phan Thị Thắng cho rằng, PPP là hình thức đầu tư cần được tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện vì phù hợp với xu thế phát triển hiện nay cũng như tương lai là khuyến khích các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm dần gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, các ngành liên quan cần tích cực hơn nữa trong việc nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư dự án PPP.