Sôi nổi các phong trào thi đua yêu nước

 

Giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) đã phát động và duy trì nhiều phong trào thi đua (PTTÐ) yêu nước sôi nổi, thiết thực.

Các kỹ sư Công ty Truyền tải điện 4 kiểm tra thông số vận hành thiết bị tại Trạm biến áp GIS 220kV Tao Đàn (TP Hồ Chí Minh).
Các kỹ sư Công ty Truyền tải điện 4 kiểm tra thông số vận hành thiết bị tại Trạm biến áp GIS 220kV Tao Đàn (TP Hồ Chí Minh).

Các PTTÐ của EVN gắn liền với các nhiệm vụ mà Ðảng, Chính phủ giao, đã huy động được sức mạnh đoàn kết của hơn 100 nghìn cán bộ, công nhân viên toàn Tập đoàn vượt qua khó khăn, thử thách.

Sôi nổi, hiệu quả các PTTÐ

Nhiều năm qua, EVN đã phát động và phối hợp tổ chức nhiều PTTÐ yêu nước sôi nổi với các hình thức phong phú, đa dạng. Gắn liền với chủ đề năm, có các PTTÐ nổi bật, mang lại hiệu quả thiết thực như: "Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng", "Thực hiện Chương trình tiết kiệm điện", "Tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán lẻ đến hộ nông thôn", "Lao động giỏi, Lao động sáng tạo", "Trạm biến áp kiểu mẫu", "Ðường dây kiểu mẫu", "Cải tạo và nâng cấp lưới truyền tải", "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất", "Ðẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm cấp bách và công trình đồng bộ nguồn điện"… Ðặc biệt, PTTÐ nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến và cải tiến kỹ thuật phát triển mạnh trong Tập đoàn và các đơn vị là những điểm sáng mới, phù hợp xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Một số nghiên cứu khoa học tiêu biểu đã được áp dụng rộng rãi, đạt hiệu quả kinh tế lớn như: Nghiên cứu thiết kế cửa nhận nước ở Nhà máy Thủy điện Sơn La; vệ sinh các thiết bị cách điện lưới phân phối (22-35-10 kV) đang mang điện bằng nước áp lực cao; giám sát dầu online tại trạm biến áp 500 kV; sửa chữa lưới điện không cần cắt điện... đã tiết kiệm cho Tập đoàn hàng trăm tỷ đồng. Các đơn vị thành viên EVN đã tổ chức, phát động nhiều PTTÐ theo chuyên đề giải quyết nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đột xuất của Tập đoàn. Các PTTÐ nước rút, PTTÐ liên kết trên các công trình trọng điểm nhằm mục tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt tiến độ các công trình, được người lao động tích cực, hăng hái tham gia, trở thành động lực quan trọng đóng góp vào thành công của các công trình, điển hình là Thủy điện Lai Châu đóng điện ba tổ máy và khánh thành sớm một năm so tiến độ.

Hưởng ứng PTTÐ "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" và "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", Tập đoàn đã tập trung chỉ đạo các đơn vị đầu tư lưới điện khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa qua các dự án vay vốn ưu đãi từ các tổ chức quốc tế trên địa bàn hơn 50 tỉnh và từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp điện cho các hộ dân chưa có điện ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa với tổng vốn đầu tư hơn 30 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, các tổng công ty điện lực đã chủ động thu xếp các nguồn vốn đầu tư cấp điện cho hơn 19.700 hộ dân chưa có điện tại địa bàn khó khăn thuộc các tỉnh Sơn La, Thái Nguyên, Quảng Nam... Tháng 7-2018, Tập đoàn đã đưa điện lưới đến hai xã cuối cùng chưa có điện trên cả nước (xã Ch’ơm và Tr’Hy huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam).

Công tác đầu tư đã góp phần cấp điện lưới cho hơn 300 xã và gần 350 nghìn hộ dân nông thôn chưa có điện. Chương trình hỗ trợ của Tập đoàn tại ba huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ của tỉnh Lai Châu đã mang lại hiệu quả trực tiếp cho người dân, đạt tỷ lệ hộ thoát nghèo cao (chiếm gần 50% số hộ thoát nghèo của toàn tỉnh Lai Châu). Tập đoàn cũng đã hỗ trợ xây dựng Nhà văn hóa đa năng tại đảo Ðá Lớn C (Trường Sa), công trình phòng tránh thiên tai miền trung; hỗ trợ trang bị mới thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn...

Thi đua - động lực quan trọng

Tập đoàn đã bảo đảm vận hành hệ thống điện và thị trường điện an toàn, ổn định, kinh tế, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. Dự kiến đến cuối năm 2020, tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam đạt 59.210 MW, trong đó công suất nguồn điện do Công ty mẹ Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam và các tổng công ty phát điện sở hữu, chi phối là 29.970 MW (chiếm 50,6% tổng công suất nguồn toàn hệ thống). Tính chung giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng điện thương phẩm bình quân đạt 9,0%/năm. Sản lượng điện thương phẩm bình quân trên đầu người của Việt Nam đến năm 2020 dự kiến đạt 2.250 kW giờ/người, gấp gần 1,44 lần so năm 2015.

Ðầu tư phát triển nguồn và hệ thống lưới điện cơ bản bám sát tiến độ. Về nguồn điện: Tập đoàn đã đưa vào vận hành 11 dự án với tổng công suất 6.093 MW, bằng xấp xỉ 100% khối lượng được giao, trong đó nhiều dự án vượt tiến độ. Khởi công năm dự án nguồn điện với tổng công suất 2.380 MW. Tập đoàn đã hoàn thành đưa vào vận hành các dự án nguồn điện mặt trời với tổng công suất 240 MWp; hỗ trợ và phối hợp các nhà đầu tư đưa vào vận hành gần 100 nhà máy điện gió, mặt trời với tổng công suất hơn 5.000 MW để bổ sung nguồn cấp điện quốc gia. Về lưới điện: EVN đã hoàn thành đóng điện 1.120 công trình từ 110-500 kV; bảo đảm đấu nối, truyền tải công suất phát các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải hệ thống, trong đó đã khởi công nhiều công trình quan trọng. Tổng vốn đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2016 - 2020 là 550.852 tỷ đồng, gấp 1,17 lần so giai đoạn 2011-2015. Năm 2018, EVN được Fitch Ratings (Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế) đánh giá và xếp hạng tín nhiệm quốc tế mức BB triển vọng, là mức tích cực.

Công tác dịch vụ khách hàng chuyển biến vượt bậc. Ðến cuối năm 2019, EVN đã cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia và tại 63/63 tỉnh, thành phố. Tổng số khách hàng mua điện trực tiếp từ EVN là 28,03 triệu khách hàng, tăng gần 20% so năm 2015. Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam có bước đột phá, vươn lên đứng thứ 27 trong số 190 quốc gia, nền kinh tế thế giới và thứ 4 ASEAN, vượt trước hai năm so mục tiêu của Chính phủ. Giai đoạn 2016-2019, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam cải thiện 81 bậc, là chỉ số có mức độ cải thiện nhiều nhất và là một trong ba chỉ số có thứ hạng tốt nhất trong 10 chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam.

EVN đã hoàn thành chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo, hầu hết các hộ dân nông thôn có điện, góp phần xây dựng nông thôn mới và bảo đảm quốc phòng - an ninh đất nước. Trong giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn đã đầu tư cấp điện cho hơn 51 nghìn hộ dân chưa có điện tại địa bàn khó khăn, vùng biên giới, đồng thời tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và bán điện trực tiếp cho 90.160 hộ dân tại 35 xã. Ðến cuối năm 2019, 100% số xã trên cả nước có điện và 99,52% số hộ dân (trong đó 99,25% số hộ dân nông thôn) được sử dụng điện. Tập đoàn đã tiếp nhận và bán điện trực tiếp tại 11 trong tổng số 12 huyện đảo trên cả nước, đặc biệt đã cấp điện và quản lý vận hành cho huyện đảo Trường Sa, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tập đoàn đã xây dựng đề án và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí, góp phần quan trọng giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn có lãi, nâng cao năng lực tài chính, bảo toàn và phát triển vốn, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nhà nước, giá trị nộp ngân sách tăng qua các năm, một số chỉ tiêu hoàn thành vượt mức trước một đến hai năm so với kế hoạch 5 năm Chính phủ giao.

Phát huy những kết quả đã đạt được, EVN tiếp tục đoàn kết, phấn đấu đẩy mạnh các PTTÐ yêu nước giai đoạn 2020 - 2025 để xây dựng thành tập đoàn kinh tế mạnh, SXKD hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn; phát triển có trình độ công nghệ, quản trị hiện đại, chuyên môn hóa cao; góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Bài và ảnh: Bảo Trân

Doanh thu toàn EVN tăng bình quân 12,8%/năm; tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh hằng năm tương đương 7,5% chi phí định mức, riêng năm 2020 dự kiến tiết kiệm 10%. Ðến cuối năm 2019, tổng giá trị tài sản toàn Tập đoàn đạt 721.460 tỷ đồng (tăng 12,5% so năm 2015), trong đó vốn chủ sở hữu là 226.449 tỷ đồng (tăng 21,6%); Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 2,19 lần. Các nhiệm vụ về tối ưu hóa chi phí, chỉ tiêu về tài chính đều đạt và vượt kế hoạch