"Quả ngọt" cải cách

Trong lúc hầu hết các quốc gia châu Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương tụt hạng, Việt Nam ghi được 3,5 điểm và tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh (NLCT) toàn cầu 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

"Quả ngọt" cải cách

Chỉ số NLCT toàn cầu của Việt Nam (GCI) đã vươn lên vị trí thứ 67 trong tổng số 141 nền kinh tế được xếp hạng. Ðáng mừng là với thành tích này, WEF ghi nhận Việt Nam là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu và nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có NLCT cao nhất thế giới.

Hơn nữa, đây là lần đầu Việt Nam có hai chỉ số thành phần đạt điểm tối đa (100 điểm), gồm tỷ lệ lạm phát ổn định nhất thế giới và mức độ xảy ra khủng bố thấp nhất thế giới. Trong số 12 trụ cột được đánh giá, Việt Nam chỉ có một trụ cột giảm điểm là sức khỏe, một trụ cột giữ nguyên điểm là ổn định vĩ mô, còn lại đều tăng điểm. Xét về thứ bậc, có ba trụ cột giảm bậc nhẹ là hạ tầng, sức khỏe và hệ thống tài chính, chín trụ cột còn lại đều tăng bậc.

Ðiều gì đã làm nên ấn tượng Việt Nam trong Báo cáo GCI 2019? Theo các nhà nghiên cứu, trước hết, đó là quyết tâm cải cách thể chế kinh tế với một trong những nội dung rất quan trọng là thay đổi tư duy trong bộ máy hành chính, tháo bỏ mọi rào cản, trở ngại đang kìm hãm sức sáng tạo của người dân và doanh nghiệp (DN). Liên tục từ năm 2014 đến nay, năm nào Chính phủ cũng ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao NLCT quốc gia. Trong đó đặt các mục tiêu cụ thể về cải thiện thứ hạng của Việt Nam trong các báo cáo xếp hạng quốc tế và giao đầu mối cho từng bộ, ban, ngành thực hiện cũng như kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai thực tế.

Thủ tướng cũng yêu cầu đưa nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao NLCT quốc gia trở thành tiêu chí thi đua của các địa phương. Kết quả là đã tạo được niềm tin trong xã hội về một Nhà nước kiến tạo với những nỗ lực cải cách nổi bật như cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; thay đổi phương thức quản lý Nhà nước trong hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm; đẩy mạnh Chính phủ điện tử và giao dịch không dùng tiền mặt; cải cách công tác thanh tra, kiểm tra DN; giảm chi phí của người dân và DN trong tuân thủ các thủ tục hành chính…

Bên cạnh đó, sự thăng hạng của Việt Nam cũng một phần nhờ nền kinh tế có khả năng tận dụng tốt các cơ hội từ chiến tranh thương mại để thu hút đầu tư và trở thành một trung tâm thương mại hấp dẫn hơn trong khu vực. Nắm bắt được lợi thế của tự do hóa thương mại, kết hợp tự do hóa bên ngoài cùng với tiến hành cải cách từ bên trong thông qua việc gỡ bỏ hàng loạt rào cản và giảm chi phí kinh doanh đã giúp Việt Nam biến thách thức thành cơ hội, tiếp tục vững vàng đi lên trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới ngày càng bất định.

Tuy nhiên, thăng hạng đã khó, giữ duy trì được đà cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng còn khó hơn. Nhìn lại quá trình kể từ khi WEF đưa Việt Nam vào báo cáo đánh giá mức độ cạnh tranh toàn cầu năm 2006, có thời điểm chúng ta tụt hạng liên tiếp ba năm liền do giảm cả điểm số và thứ hạng. Cũng có năm, Việt Nam tăng điểm nhưng vẫn tụt hạng do nỗ lực cải cách của chúng ta chưa thấm vào đâu so với sự vươn lên mạnh mẽ của các quốc gia khác. Ðiển hình là năm 2018, Việt Nam tăng nhẹ 0,2 điểm với ba cải cách được ghi nhận nhưng lại giảm ba bậc so với năm 2017, đứng ở vị trí 77 trong số 140.

Hiện nay, Việt Nam mới tiến đến vị trí thứ sáu trong các nước ASEAN, muốn lọt vào tốp ASEAN 4 như mục tiêu Chính phủ đặt ra còn phải trải qua chặng đường dài. Ðể tới đích, Chính phủ cần tiếp tục "giữ lửa" cải cách. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh; tập trung thực hiện cho được mục tiêu cắt giảm tỷ lệ nhóm hàng, mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh thanh toán điện tử và dịch vụ công trực tuyến mức 4, góp phần giảm chi phí cho người dân, DN và công khai, minh bạch, chống tham nhũng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trên tinh thần DN là trung tâm, cổ vũ cho sáng tạo...