Phát triển xuất khẩu hàng hóa nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc

NDO -

NDĐT - Chiều 13-9, Bộ Công thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị phát triển xuất khẩu hàng hóa nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Hai Bộ trưởng chia sẻ tại Hội nghị Phát triển xuất khẩu hàng hóa nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc.
Hai Bộ trưởng chia sẻ tại Hội nghị Phát triển xuất khẩu hàng hóa nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Báo cáo tại hội nghị ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết: Hiện nay, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, với dân số 1,4 tỷ người. Đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới về nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú.

Trong những năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường quan trọng đối với nông thủy sản của Việt Nam. Trung Quốc hiện đang là thị trường đứng thứ nhất về cao su, rau quả, gạo, sắn; đứng thứ hai về hạt điều; đứng thứ ba về thủy sản; đứng thứ tư về chè; đứng thứ 12 về cà-phê…, đồng thời vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác.

Theo ông Hải, với những lợi thế về địa lý, đa dạng sản phẩm của ta, cũng như cơ hội từ ưu đãi thuế quan, mở cửa thị trường khi Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (có hiệu lực từ năm 2010) thì xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới còn nhiều tiềm năng, dư địa tăng trưởng để phục vụ nhu cầu tiêu thụ rất lớn của thị trường này.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Trung Quốc hiện là đối tác lớn cả về kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu nông thủy sản của nước ta sang Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều vấn đề, cần định hướng, tìm cách giải quyết để bảo đảm có sự hài hòa trong quan hệ song phương.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức do tập quán kinh doanh của ta còn dựa trên những yếu tố chưa chuyên nghiệp.

“Hiện nay chúng ta vẫn chủ yếu dựa vào thương mại qua biên giới (tiểu ngạch), dựa vào các điểm cửa khẩu thông quan chứ chưa đưa hàng hóa vào sâu nội địa. Do đó, nông thủy sản chưa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật, chưa tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ bền vững…”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Đồng quan điểm với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng: Nếu không nhận dạng được những thay đổi từ thị trường Trung Quốc thì hiệu quả xuất khẩu sẽ thấp.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chia sẻ thêm, thời gian qua, phía bạn đã chuyển hình thức thương mại từ chỗ tổng hợp nhiều hình thức xuất nhập khẩu thành một hình thức duy nhất là xuất nhập khẩu chính ngạch (từ 1-6-2019). Đây là thay đổi chính đáng vì người dân ở đâu cũng có nhu cầu về chất lượng ngày càng cao của sản phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, phía bạn cũng có sự thay đổi cơ quan quản lý, các năm trước là nhiều cục vụ, năm nay chỉ dồn Tổng cục Hải quan. Nếu không nắm bắt, chuyển hóa kịp, ta sẽ lúng túng.

Tại hội nghị, sau khi nghe các tham luận của đại diện các đơn vị chuyên môn của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan quản lý của các địa phương đã tập trung thảo luận cụ thể hơn về thực trạng trong hoạt động xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, tiếp tục chia sẻ, cung cấp thông tin về các yêu cầu thị trường, đánh giá những tiềm năng, triển vọng, chỉ ra những vấn đề tồn tại, hạn chế, qua đó đề xuất kiến nghị các giải pháp cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường nước bạn.