Phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

5 năm qua, Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTÐ) Bắc Bộ đã có sự bứt phá đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng kết nối Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng kết nối Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Ðây là vùng đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ nét nhất, hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại nhất trong bốn Vùng KTTÐ của cả nước. Ðể Vùng KTTÐ Bắc Bộ phát triển nhanh và bền vững, tác động lan tỏa đến các vùng khác trong cả nước, thời gian tới, ngoài nỗ lực của các địa phương trong vùng, rất cần có những cơ chế, chính sách thông thoáng, thuận lợi để giải quyết hiệu quả những vấn đề mang tính liên kết vùng.

Bài 1: Hiệu quả từ cải thiện môi trường đầu tư

Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, trong những năm qua, các tỉnh, thành phố thuộc Vùng KTTÐ Bắc Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển. Nhờ đó, sức cạnh tranh của nền kinh tế ngày càng tăng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Môi trường đầu tư chuyển biến vượt bậc

Quyết định số 198/QÐ-TTg ngày 25-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng KTTÐ Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ: "Xây dựng Vùng KTTÐ Bắc Bộ trở thành một trong các vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, nòng cốt tiên phong trong thực hiện các đột phá chiến lược, thực hiện tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Trước đòi hỏi của thực tiễn, các địa phương trong vùng đều xác định, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ để huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, giảm nguồn chi ngân sách là nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian qua.

Ðể hỗ trợ doanh nghiệp (DN) một cách thiết thực, hiệu quả, các địa phương thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) mạnh mẽ. Ðến nay, tỉnh Quảng Ninh rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận thành lập DN còn hai ngày làm việc; thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư là không quá 10 ngày; đối với dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư không quá ba ngày. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh không quá năm ngày; thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 45 ngày. Tại Hà Nội, tỷ lệ TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đạt 97,33%, tổng thời gian thẩm định thiết kế xây dựng liên quan đến cấp phép và cấp giấy phép xây dựng giảm 29 ngày. Thời gian giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm 10 ngày. Tại tỉnh Bắc Ninh, trung tâm hành chính công của tỉnh đã lập sơ đồ và số hóa quy trình giải quyết gần 1.700 TTHC theo tiêu chuẩn ISO 9001-2015. Các cơ quan, công sở có TTHC thực hiện tại trung tâm đều tuân thủ quy định "bốn tại chỗ" (gồm: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả), bảo đảm các TTHC được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện. Tỉnh Vĩnh Phúc rút ngắn thời gian thành lập DN từ ba ngày xuống còn 1,5 ngày làm việc, giảm từ 30 đến 35% thời gian TTHC đối với các dự án đầu tư công; giảm 30% thời gian giải quyết dự án đầu tư trực tiếp, 100% thủ tục của dự án FDI được giải quyết qua mạng in-tơ-nét, để tránh phát sinh tiêu cực…

Cùng với cải cách TTHC, chính quyền các địa phương đều chủ động thiết lập các kênh giao tiếp, lắng nghe ý kiến từ DN, tạo sự gần gũi, thân thiện giữa chính quyền với nhà đầu tư. Hằng tháng, lãnh đạo tỉnh, thành phố cùng các ngành liên quan và các quận, huyện tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các DN, thường xuyên đi kiểm tra thực địa các công trình, dự án, đôn đốc tiến độ và kịp thời tháo gỡ, giải quyết ngay những vướng mắc trong quá trình triển khai. Có thể kể đến mô hình "xúc tiến đầu tư tại chỗ" của tỉnh Quảng Ninh, mô hình "bác sĩ doanh nghiệp" của tỉnh Bắc Ninh, mang lại lợi ích thiết thực, rõ nét cho người dân và DN. Hầu hết các dự án, công trình trọng điểm đều cơ bản đạt yêu cầu về tiến độ. Hai năm trước, huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) triển khai nhiều dự án đầu tư lớn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, quy mô sử dụng đất lên tới 1.500 ha, yêu cầu thu hồi đất của gần 1.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Lúc đầu, công việc gặp muôn vàn khó khăn. Lãnh đạo thành phố cùng cấp ủy, chính quyền địa phương liên tục giao ban đôn đốc tiến độ; kiểm tra thực địa, giải quyết vướng mắc tại chỗ; tổ chức đối thoại trực tiếp với những người dân có kiến nghị để tìm tiếng nói chung… Sự vào cuộc ráo riết, với trách nhiệm cao của chính quyền các cấp đã đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, góp phần làm nên sự ra đời "thần tốc" của Nhà máy ô-tô Vinfast; tuyến cáp treo ba dây vượt biển Cát Hải - Phù Long của Tập đoàn Sun Group, mang tới cơ hội lớn trong phát triển kinh tế của huyện đảo đầy tiềm năng này. Cảm kích trước những động thái tích cực mà tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ DN, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bumjin Electronic (Hàn Quốc) Li-bum-xích (Lee Bum Sik) cho biết: "Chúng tôi đầu tư dự án Nhà máy sản xuất thiết bị âm thanh đặt tại KCN Ðông Mai, thị xã Quảng Yên. Nhờ sự hỗ trợ tích cực về mọi mặt từ UBND tỉnh Quảng Ninh, các sở, ngành, Ban Quản lý khu kinh tế…, mặc dù quá trình xây dựng nhà máy đúng vào khoảng thời gian diễn ra dịch Covid-19, song dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong thời gian nhanh nhất, tạo điều kiện cho dự án sớm đi vào hoạt động".

Những chuyển biến tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư của các địa phương được cộng đồng DN trong và ngoài nước đánh giá cao. Kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 5-5 cho thấy, chỉ số PCI năm 2019 của bảy tỉnh, thành phố trong vùng đều tăng điểm so với năm 2018. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh xuất sắc giữ vị trí dẫn đầu; tỉnh Bắc Ninh tăng 11 bậc, xếp thứ tư; TP Hà Nội và TP Hải Phòng đều nằm trong tốp mười địa phương có chất lượng điều hành tốt. Tỉnh Vĩnh Phúc xếp thứ 17, có chỉ số gia nhập thị trường cao nhất trong 63 tỉnh, thành phố. Chỉ số PCI của tỉnh Hải Dương, tỉnh Hưng Yên tăng từ ba đến tám bậc so với năm 2018. Sáng 19-5, kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2019 được Chính phủ công bố, tiếp tục mang tin vui cho các địa phương trong vùng. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh đứng đầu cả nước trong cả hai bảng xếp hạng, TP Hà Nội đứng thứ hai về chỉ số PAR INDEX, TP Hải Phòng cùng đứng đầu xếp hạng chỉ số SIPAS và xếp thứ tư về chỉ số PAR INDEX.

Khơi thông các nguồn lực

Môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn đã khơi thông và huy động các nguồn lực lớn trong xã hội để phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tại Hà Nội, từ năm 2016 đến nay có hơn 107 nghìn DN mới, với số vốn đăng ký lên tới 1 triệu 340 nghìn tỷ đồng, gấp 1,36 lần so với giai đoạn 2011-2015. Tổng vốn đầu tư xã hội huy động được trong giai đoạn 2016-2019 đạt 1 triệu 308 nghìn tỷ đồng, tăng trung bình hơn 11%/năm. Trong đó, tỷ trọng vốn đầu tư khu vực nhà nước giảm dần, chiếm 39,3% tổng vốn đầu tư; đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước tăng tương ứng, đạt 51,1%. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của thành phố bốn năm qua đạt 23,702 tỷ USD, gấp 3,97 lần so giai đoạn 2011-2015, đưa Hà Nội dẫn đầu cả nước về lĩnh vực này trong hai năm gần đây. Tương tự, tổng vốn đầu tư xã hội của Hải Phòng giai đoạn này đạt 587 nghìn tỷ đồng, tăng gấp bốn lần so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó, vốn đầu tư xã hội hóa chiếm 92,4%, vốn ngân sách chỉ chiếm 7,6%. Năm 2019, tỉnh Bắc Ninh có 2.403 DN thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 22 nghìn 832 tỷ đồng. Số dự án FDI được cấp mới trong năm 2019 tại Hải Dương tăng hơn 35,5% số lượng dự án và tăng hơn 60% vốn đầu tư so với năm 2018, đạt 829,6 triệu USD. Cũng trong năm 2019, tỉnh Hưng Yên tiếp nhận 116 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 6.000 tỷ đồng và 378 triệu USD...

Nguồn lực đầu tư dồi dào là tiền đề quan trọng để các địa phương đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại. 5 năm trở lại đây, bằng các nguồn vốn, Hải Phòng đã xây dựng 45 cây cầu, tổng mức đầu tư hơn 30 nghìn tỷ đồng, trong đó có nhiều công trình lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng. Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, tháng 1-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định, "Hải Phòng là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước". Chỉ sau hai ngày Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình; tiếp đó làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh. Các địa phương tập trung bàn và thống nhất xây dựng năm cây cầu vượt sông để kết nối Hải Phòng với các địa phương liền kề với tổng kinh phí gần 5.000 tỷ đồng. Trong đó, Hải Phòng đầu tư xây dựng cầu và đường dẫn lên cầu, các địa phương chi trả kinh phí giải phóng mặt bằng và cải tạo các tuyến đường kết nối với cầu. Cuối năm 2019, chỉ sau hơn bảy tháng thi công, cầu sông Hóa kết nối huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) với huyện Thái Thụy (Thái Bình) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Giữa tháng 5-2020, thành phố tiếp tục khởi công xây dựng cầu Quang Thanh bắc qua sông Văn Úc, nối huyện An Lão (Hải Phòng) với huyện Thanh Hà (Hải Dương) và cầu Dinh bắc qua sông Kinh Thầy, nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Dự kiến, đầu năm 2021, Hải Phòng tiếp tục khởi công xây dựng cầu Lại Xuân và cầu Bến Rừng kết nối với tỉnh Quảng Ninh. TP Hà Nội trong những năm qua đã phối hợp các bộ, ngành đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Một số dự án kết nối các địa phương trong vùng đã hoàn thành như: các tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường Hà Nội - Hưng Yên (kết nối khu đô thị Ecopark với đường vành đai 3)… Thành phố đang triển khai đường vành đai 4, vành đai 5 kết nối với các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao đường vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu hoàn thành công trình vào tháng 10-2020.

Cho đến nay, Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư cho hạ tầng. 5 năm qua, riêng vốn đầu tư theo hình thức PPP cho các công trình giao thông đã đạt hơn 47 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước tham gia khoảng 9% để giải phóng mặt bằng, đầu tư công trình đối ứng. Ðiều này không chỉ thể hiện quyết tâm rất lớn của tỉnh, mà còn cho thấy sự gắn bó, tin tưởng ngày càng lớn giữa tỉnh đối với các nhà đầu tư. Từ năm 2018, Quảng Ninh chính thức đưa hai tuyến cao tốc do tư nhân triển khai vào khai thác với tổng chiều dài gần 100 km, trong đó, có cầu Bạch Ðằng trên tuyến Hải Phòng - Hạ Long được thi công bằng công nghệ mới nhất tại Việt Nam với tổng mức đầu tư gần 7.500 tỷ đồng; cao tốc Hạ Long - Vân Ðồn dài gần 60 km tổng vốn 12 nghìn tỷ đồng. Ðồng thời hoàn thiện Cảng hàng không tư nhân đầu tiên ở Việt Nam tại Vân Ðồn và Cảng tàu du lịch đầu tiên ở Việt Nam tại TP Hạ Long. Các tuyến đường tỉnh lộ ra cửa khẩu, biên giới và các khu kinh tế, khu công nghiệp cũng nhanh chóng được nâng cấp, hoàn thiện, tạo sự liên kết thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương với thị trường quốc tế.

Hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong vùng phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngoài ba địa bàn trọng điểm gồm: Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm năm tỉnh, thành phố có số thu ngân sách lớn nhất nước, các địa phương còn lại cũng có nhiều bứt phá, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so bình quân cả nước. Tỉnh Bắc Ninh tuy có diện tích nhỏ nhất nước, nhưng tổng sản phẩm (GRDP) năm 2019 đạt 157.300 tỷ đồng, đứng thứ bảy toàn quốc, thu nhập bình quân đầu người đạt 6.163 USD, gấp 2,23 lần so với bình quân cả nước và đứng thứ hai cả nước. Tỉnh Vĩnh Phúc khi mới tái lập (năm 1997) thu ngân sách chỉ đạt 100 tỷ đồng, thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người, cả tỉnh chỉ có duy nhất một khu công nghiệp. Nhờ lấy phát triển công nghiệp làm động lực phát triển, đến nay thu ngân sách đạt 35 nghìn tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 119,3 triệu đồng/năm. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hưng Yên đạt 9,72%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: Công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 62,15%; thương mại - dịch vụ 29,41%; nông nghiệp 8,44%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 74,57 triệu đồng/năm. Quy mô kinh tế của tỉnh Hải Dương năm 2019 tăng 1,6 lần so với năm 2015, GRDP đạt 127.871 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 74,4 triệu đồng. Từ năm 2017, cả bảy tỉnh, thành phố trong vùng đều có điều tiết ngân sách về trung ương. Kinh tế phát triển không chỉ giúp các địa phương đóng góp tích cực cho ngân sách cả nước, mà còn bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Cho đến nay, Vùng KTTÐ Bắc Bộ là vùng dẫn đầu cả nước về số xã, số huyện nông thôn mới, là vùng có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước, vượt mục tiêu đề ra theo Quyết định số 198/QÐ-TTg.

(Còn nữa)