Ðộng lực mới từ huyện vùng cao, biên giới Mường Khương

Huyện vùng cao, biên giới Mường Khương, tỉnh Lào Cai là một trong 56 huyện nghèo của cả nước. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ðảng bộ huyện đặt mục tiêu phấn đấu vượt qua diện nghèo, đến năm 2030 trở thành địa phương khá của tỉnh.

Sản phẩm “Dứa Mường Khương” được chế biến, đóng hộp tại Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương.
Sản phẩm “Dứa Mường Khương” được chế biến, đóng hộp tại Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương.

Ðể triển khai, Huyện ủy xác định bốn đề án lớn, trong đó trọng tâm là xóa nghèo bền vững; then chốt là nâng cao năng lực lãnh đạo tổ chức cơ sở đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên.

Tạo thế sâu rễ, bền gốc

Trước năm 2015, Mường Khương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm tới hơn 65%. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Huyện ủy Mường Khương đã chỉ đạo quyết liệt nhiệm vụ xóa nghèo và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện mỗi năm giảm bình quân 9%, được đánh giá là địa phương có tốc độ giảm nghèo cao nhất trong tỉnh.

Theo Bí thư Huyện ủy Giàng Quốc Hưng, qua hơn một năm triển khai với những kết quả tích cực đã khẳng định mục tiêu, giải pháp thoát nghèo bền vững mà Nghị quyết Ðảng bộ huyện Mường Khương nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra là đúng hướng. Nhưng thực tiễn triển khai cũng đặt ra vô vàn khó khăn, thách thức bởi xuất phát điểm là huyện nghèo, nguồn lực thiếu, lại luôn chịu ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh… Ðể vượt qua thách thức, đòi hỏi quyết tâm cao của cả Ðảng bộ mà vai trò quan trọng là năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, công tác xây dựng Ðảng có nhiều đổi mới, trọng tâm là hướng về cơ sở, tập trung khắc phục hạn chế, yếu kém trong xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ ở cơ sở, nơi trực tiếp triển khai nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống, đến với người dân.

Khi kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, Huyện ủy đánh giá: Với đặc điểm của một đảng bộ miền núi, biên giới, đông đồng bào dân tộc thiểu số, bên cạnh tinh thần đoàn kết, thống nhất cao thì ở một số cấp ủy, đơn vị ở cơ sở do tư tưởng cục bộ dòng họ, địa phương, hệ lụy là công tác quản lý, giám sát, rèn luyện cán bộ nhiều nơi còn bị xem nhẹ. Mặt khác, một số tổ chức cơ sở chưa kiên quyết trong công tác kỷ luật, thay thế cán bộ năng lực yếu kém. Tình trạng cán bộ, đảng viên ngại việc, trông chờ cấp trên, tác phong nền nếp làm việc thiếu chuyên nghiệp kéo dài...

Huyện ủy Mường Khương đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật Ðảng. Huyện ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát cán bộ. Trong đó có việc lắp đặt hệ thống ca-mê-ra tại toàn bộ trụ sở đảng ủy, UBND các xã, thị trấn. Qua đây, Huyện ủy thường xuyên theo dõi, kịp thời chấn chỉnh tác phong, thái độ trong tiếp xúc với nhân dân cũng như nền nếp làm việc của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt. Huyện ủy chỉ đạo Ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường theo dõi, nắm tình hình các tổ chức đảng trực thuộc, tập trung vào lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm, như: quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, tài chính, các dự án đầu tư công, xây dựng cơ bản, thực hiện chương trình mục tiêu và các chính sách an sinh xã hội, công tác tổ chức cán bộ... Hầu hết các tổ chức đảng được kiểm tra, nhắc nhở đều có chuyển biến tích cực.

Ðiển hình như lãnh đạo xã Thanh Bình, sau khi được Huyện ủy phê bình, chỉ rõ những yếu kém trong công tác quản lý, giám sát công trình đầu tư; quản lý đất đai, quản lý bảo vệ rừng... đã đề ra nhóm giải pháp bảo đảm khắc phục nhanh, triệt để. Ðảng ủy xã tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững, Chương trình 135… Ðến nay, xã đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao.

Huyện ủy triển khai Ðề án phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Ðảng, chính quyền của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Mường Khương, giai đoạn 2020 - 2025; trong đó xác định rõ MTTQ các cấp phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ tịch và phó chủ tịch HÐND, UBND các xã, thị trấn.

Tầm nhìn và những khâu đột phá

Ghi nhận từ huyện nghèo vùng biên Mường Khương là đảng bộ đã tập trung đổi mới theo hướng lãnh đạo thông qua các mục tiêu phát huy thế mạnh riêng có của huyện, phù hợp điều kiện phát triển. Là huyện nông - lâm nghiệp, với đặc điểm hơn 80% diện tích đồi núi, chủ yếu đá vôi, quanh năm thiếu nước nên việc phát triển mô hình cánh đồng sản xuất lớn về lương thực hay mở rộng diện tích trồng rừng lấy gỗ gặp nhiều khó khăn. Nhưng bù lại, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Mường Khương lại rất phù hợp với một số loại cây trồng đặc sản như dứa, quýt, chè, sa nhân, hồi… Nhiều năm qua, huyện xem đây là những loại cây "xóa nghèo", vận động nhân dân mở rộng diện tích. Kết quả là đã góp phần tăng thu nhập cho người dân. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người trong huyện mới đạt 15 triệu đồng, đến nay đạt hơn 34 triệu đồng.

Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện vẫn cao, nhiều nguy cơ tái nghèo. Nguyên nhân hạ tầng phục vụ sản xuất yếu kém; trong canh tác nhiều người dân chưa tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật an toàn; chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm... Vì vậy, để thoát nghèo bền vững, Huyện ủy xác định tiếp tục phát huy thế mạnh vùng cây trồng đặc sản nhưng kiên trì, quyết liệt với các giải pháp đi vào chiều sâu, tăng giá trị gia tăng bằng tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu hàng hóa và gắn sản xuất với công nghiệp chế biến.

Triển khai Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy chỉ đạo sát sao các ngành chức năng tập trung vào mục tiêu phối hợp xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến nông sản. Sau cây chuối của huyện được cấp giấy chứng nhận sản phẩm chung trong thương hiệu "Chuối Lào Cai" vào cuối năm 2019 thì sang năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm cho cây "Dứa Mường Khương". Cũng trong năm 2020, huyện phối hợp Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu khánh thành Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương. Nhà máy đi vào hoạt động góp phần thu mua ổn định hàng chục nghìn tấn nông sản gồm dứa, chuối, chè… và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động thường xuyên, thời vụ tại địa phương. Từ việc trồng phân tán, đến nay Mường Khương đã trở thành vùng sản xuất dứa nguyên liệu với diện tích hơn 775 ha. Sản phẩm từ cây "Dứa Mường Khương" đã có mặt tại các thị trường khó tính như EU, Nga, Mỹ…

Với hướng đi và tầm nhìn mới, tháng 1-2021, Huyện ủy xây dựng, triển khai Ðề án cơ cấu lại kinh tế nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, dồn sức cơ cấu lại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng khu vực.

Mường Khương đang hướng đến mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn mới phát triển. Với các giải pháp đột phá, Mường Khương nỗ lực hoàn thành mục tiêu vượt qua diện nghèo, trở thành huyện khá của tỉnh vào năm 2030 mà Nghị quyết Ðảng bộ huyện đặt ra.

Bài và ảnh: Quốc Hồng, Văn Toán