Nỗ lực tìm giải pháp thu ngân sách nhà nước

Bài 2: Thay đổi tư duy và phương thức quản lý

Trước thực tế khó khăn của nền kinh tế, nhiệm vụ hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm nay khó có thể về đích như kỳ vọng. Chính vì vậy, trong những tháng còn lại của năm, để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ này, ngoài tinh thần quyết tâm cao nhất, không bi quan, nhụt chí, thì cần những giải pháp quyết liệt, trong đó, cần thay đổi cả về tư duy lẫn phương thức quản lý thu phù hợp tình hình.

Người dân và các doanh nghiệp làm thủ tục về thuế tại Chi cục Thuế TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).
Người dân và các doanh nghiệp làm thủ tục về thuế tại Chi cục Thuế TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).

Thay đổi tư duy đánh giá nguồn thu

Từ thực tế TP Hà Nội, có thể thấy, ngay từ ngày đầu chống dịch Covid-19, Hà Nội đã linh hoạt chuyển hướng trọng tâm thu, nỗ lực triển khai hàng loạt giải pháp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh (SX-KD), khôi phục tăng trưởng kinh tế, đồng thời kiểm soát chặt dịch bệnh, tạo cơ sở quan trọng nuôi dưỡng nguồn thu. Năm 2016, số thu nội địa (trừ dầu và tiền sử dụng đất) của TP Hà Nội chỉ đạt 136 nghìn tỷ đồng, bằng 84,7% so với TP Hồ Chí Minh (176 nghìn tỷ đồng), thì năm 2019, số thu nội địa của Hà Nội dần bắt kịp TP Hồ Chí Minh khi đạt 224 nghìn tỷ đồng, bằng 95,4% so với TP Hồ Chí Minh (243 nghìn tỷ đồng), rút ngắn khoảng cách về thu ngân sách. Tỷ trọng thu của hai thành phố trong tổng thu nội địa của cả nước cũng đã dần thay đổi khi năm 2016, TP Hồ Chí Minh chiếm 22,38% còn TP Hà Nội chỉ chiếm 18,95% nhưng đến năm 2019 thì TP Hồ Chí Minh chiếm 21,13%, còn Hà Nội đã tăng lên 20,15% tổng thu nội địa của cả nước.

Tập trung mở rộng cơ sở tính thuế, tăng nguồn lực cho SX-KD là cách TP Hà Nội đã chuẩn bị từ sớm, để trong những tình huống bất lợi đến từ nguyên nhân khách quan, TP Hà Nội vẫn đủ khả năng để xoay chuyển tình thế. UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Cục Thuế, Cục Hải quan và các sở, ngành, địa phương phát huy hết dư địa các khoản thu, tăng cường khai thác nguồn thu ngân sách từ đất, tiền thuê bãi giữ xe, các loại phí, lệ phí. Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Nguyễn Tiến Trường, từ trước đến nay, Hà Nội đã rất chú trọng việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành thuế, để đạt được số liệu thu NSNN sát thực nhất. Trong thời điểm hiện nay, cơ quan thuế thành phố thường xuyên rà soát, đánh giá lại toàn bộ thủ tục hành chính, các bước công việc trong quy trình quản lý thuế để kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp (DN), qua đó tăng thêm số thu ngân sách.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế tăng cường phối hợp các sở, ngành, địa phương trong thu hồi nợ thuế, rà soát các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng để khai thác, như thu từ đất đai nhằm bù đắp hụt thu từ các lĩnh vực khác. Ðến nay, bảy quận, huyện đã hoàn thành dự toán cả năm về khoản thu này. Thời gian tới, các địa phương tiếp tục tập trung hoàn thiện hạ tầng các khu đất đấu giá để tăng nguồn thu trong quý III. Dự kiến năm 2020, số thu từ đất của Hà Nội sẽ tăng khoảng 7.000 đến 10 nghìn tỷ đồng.

Ðánh giá về cách làm của Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng Nguyễn Văn Yên cho rằng, đó là một cách làm hay và đúng hướng, cần phải học tập. Lâm Ðồng cũng như một số địa phương có số thu bị giảm do dịch bệnh cũng cần chủ động tìm cách chuyển trọng tâm thu để san sẻ cho khu vực thương mại du lịch dễ bị tổn thương nặng nề do dịch bệnh. Ngay trong lĩnh vực nông nghiệp vốn là lĩnh vực hội tụ nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi thì cũng vẫn còn nhiều vấn đề có thể điều chỉnh được, có thể đóng góp tốt hơn cho thu NSNN.

Ðồng tình ý kiến này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Ðình Xứng cho rằng, qua "cú sốc" kinh tế toàn cầu do dịch bệnh gây ra, cũng đã đến lúc cần có một tầm nhìn mới về cơ sở thu NSNN. Trước đây, chúng ta trông cậy nhiều vào khối DN, đặc biệt là DNNN, các DN lớn thuộc khối ngân hàng, tài chính, công nghiệp, giao thông vận tải... thì nay cần nhận thức rõ hơn về vai trò của cộng đồng DN vừa và nhỏ, cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, và cả các đối tượng là gia đình nông dân SX-KD giỏi. "Vấn đề quan trọng chính là sự công bằng, minh bạch trong tính thuế, dù cho đối tượng đó là ai thì việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước đều phải công bằng", Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ðình Xứng nói.

Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa, năm 2015, Thanh Hóa có gần 200 nghìn hộ đạt tiêu chuẩn SX-KD giỏi, trong đó có 28 nghìn hộ đạt tiêu chuẩn cấp huyện, 2.600 hộ đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh. Năm 2019, toàn tỉnh có 210 nghìn hộ đạt tiêu chuẩn, trong đó có 25 nghìn hộ đạt tiêu chuẩn cấp huyện, gần 2.000 hộ đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh, 143 hộ đạt tiêu chuẩn quốc gia. So với các tiêu chuẩn cần đạt được, có nhiều nông hộ có thu nhập trên đầu người bình quân khá cao, thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ðình Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa thì dường như từ trước đến nay, vấn đề này chưa từng được đặt ra trong hoạt động của Hội Nông dân cũng như trong công tác quản lý thu của cơ quan chức năng.

Coi trọng nuôi dưỡng nguồn thu

Thực tế nhiều địa phương cho thấy, nếu không thay đổi được tư duy về nguồn thu, mở rộng cơ sở tính thuế, thì khi con tàu phát triển gặp phải trở ngại đột xuất, rất khó có căn cứ vững chắc cho phát triển kinh tế nói chung và cho thu ngân sách nói riêng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, nhiều năm qua, ngành thuế đã quan tâm nghiên cứu, mở rộng cơ sở tính thuế song song với việc chống xói mòn cơ sở thuế. Theo đó, có nhiều luật thuế cần được đầu tư hơn nữa nhằm thực hiện công bằng thuế, như luật về thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản. Ðây là điều rất cần thiết và cấp bách, có ý nghĩa trợ lực vững chắc cho công tác thu ngân sách. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn diện rộng hiện nay, cũng rất cần sự "trợ sức" của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với các cơ quan như hải quan, thuế.

Có thể thấy rõ điều này qua việc thực hiện dự toán thu NSNN năm 2020 trên địa bàn, Hà Nội vẫn còn có một số khoản thu gặp nhiều khó khăn, như số thu từ khu vực SX-KD và thu từ thuế, phí, lệ phí. Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất dự toán thu NSNN năm 2020 đã được giao, bên cạnh việc chủ động, tích cực triển khai các giải pháp tăng thu thì ngành thuế cần sự hỗ trợ chỉ đạo tối đa của thành phố, sự phối hợp của các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất - tiền thuê đất trả tiền một lần của các dự án... Theo đó, các quận, huyện, thị xã cần sớm tổ chức đấu giá, thông báo thu trước ngày 30-9; đồng thời nắm chắc dòng tiền của tổ chức, cá nhân trúng đấu giá để đôn đốc thu nộp ngân sách kịp thời. "Như vậy, vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp có tác động rất mạnh mẽ đối với công tác này trong giai đoạn hiện nay", Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Nguyễn Tiến Trường nói.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đang quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo thuận lợi cho người nộp thuế để không những đạt dự toán mà còn phải vượt dự toán với tỷ lệ thấp nhất là 5%. Trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19, giải pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công có tính chất quyết định, thúc đẩy tổng cầu, giải quyết công ăn việc làm, tạo thuận lợi cho các ngành nghề liên quan những dự án được triển khai. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, khẩn trương thực hiện thủ tục bán đấu giá nhà đất theo đúng quy định pháp luật, nhất là cần xem cải thiện môi trường SX-KD là giải pháp căn cơ nuôi dưỡng nguồn thu.

Trên bình diện cả nước, Bộ Tài chính lưu ý các bộ, ngành, địa phương các giải pháp về thuế phí, về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DN nhằm bảo đảm số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN theo dự toán năm nay. Theo Tổng cục Thuế, năm 2020, nguồn thu này có trị giá là 65 nghìn tỷ đồng, trong đó có 58 nghìn tỷ đồng thuộc ngân sách trung ương (tăng 11 nghìn tỷ đồng so dự toán năm 2019), chủ yếu là lợi nhuận còn lại (41.042 tỷ đồng). Thực tế thu lũy kế tám tháng đã thu được 41.745 tỷ đồng, đạt 72% dự toán và tăng 48% so cùng kỳ năm 2019. Nhận định về giải pháp này, Vụ trưởng Quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế) Nguyễn Văn Phụng cho biết, đây là hoạt động thu bình thường từ hoạt động đầu tư nhà nước, thực hiện theo quy định của Luật NSNN. Rõ ràng, các DNNN đã có nhận thức đúng về trách nhiệm của DNNN đối với đất nước khi khó khăn, thể hiện rõ sự lãnh đạo của tổ chức đảng trong DNNN, nêu cao tính tiền phong gương mẫu và hết sức cố gắng trong tổ chức, điều hành, phát triển SX-KD để có nguồn đóng góp cho NSNN. Bên cạnh đó, số ước thực hiện năm 2020 của khoản thu này có khả năng vượt từ 5 đến 10% dự toán, do đó, có thể khoản thu này ở một vài DN sẽ tạm thời chưa thu, giúp giải được bài toán cho đầu tư phát triển, tích lũy, nuôi dưỡng nguồn thu cho những năm kế tiếp.

Thu NSNN là hoạt động trung tâm của chính quyền nhà nước. Trong điều kiện nguồn thu bị thay đổi bất ngờ và nhanh chóng như năm nay, công tác thu NSNN đạt dự toán đề ra quả thực là nhiệm vụ rất gian nan cho ngành tài chính. Với nhiều khó khăn, thử thách hơn hẳn những năm đã qua, trong những tháng còn lại của năm 2020, chắc chắn ngành tài chính phải tìm nhiều giải pháp nhằm thích ứng với hoàn cảnh, dồn hết trí lực để chèo lái con tàu ngân sách. Hơn lúc nào hết, sự đoàn kết, nhất trí trong toàn bộ hệ thống chính trị chính là "mái chèo" đưa con tàu ngân sách về đích với kết quả thu cao nhất.

SÔNG TRÀ
 

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 22-9-2020.