Những đột phá mới cho nền kinh tế Quảng Trị

Vượt qua khó khăn, thách thức của thiên tai và dịch bệnh, tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực trong năm 2020. Năm 2021, cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, tỉnh Quảng Trị có những đột phá táo bạo, nhất là vào ngày 25-1, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý bổ sung Dự án Trung tâm điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Hải Lăng   vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, một tin vui đầu năm cho tỉnh Quảng Trị.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng (thứ hai từ trái qua) kiểm tra việc thực hiện các dự án tại Khu công nghiệp đông nam Quảng Trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng (thứ hai từ trái qua) kiểm tra việc thực hiện các dự án tại Khu công nghiệp đông nam Quảng Trị.

 Lần đầu tiên thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 3.600 tỷ đồng

Đồng chí Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Tuy nhiên, đây là năm xảy ra nhiều thiên tai, dịch bệnh phức tạp, khó lường, đặc biệt là Covid-19 và lũ lụt lịch sử đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Trị vừa tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ lớn, trọng tâm, đồng thời chủ động xây dựng các kịch bản và giải pháp phù hợp để thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa ứng phó dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, xã hội. Khi lũ lụt lịch sử xảy ra, tỉnh đã thực hiện kịp thời công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra và chủ động khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Những đột phá mới cho nền kinh tế Quảng Trị -0
 Đường giao thông ven biển Cửa Việt vào trung tâm Khu kinh tế đông nam Quảng Trị.

Với sự vào cuộc chủ động, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của các tầng lớp nhân dân, sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương, chia sẻ của các tổ chức và cá nhân trong, ngoài nước và cộng đồng doanh nghiệp; cùng với sự ổn định về chính trị, xã hội được tiếp tục giữ vững là điều kiện, động lực để tỉnh Quảng Trị từng bước vượt qua khó khăn, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới và đạt được những kết quả khả quan. Nhờ vậy mức tăng trưởng của năm 2020 đạt 3,51% so với năm 2019; có 16 trên tổng số 25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kết quả đó dù là thấp nhất trong 10 năm trở lại đây của Quảng Trị nhưng vẫn là tỉnh có mức tăng trưởng đứng thứ 23 của cả nước và đứng thứ 4 trong 14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung. Tiêu biểu lần đầu tiên thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 3.655 tỷ đồng/3.400 tỷ đồng, vượt 131% chỉ tiêu T.Ư giao (trong đó thu nội địa đạt 3.209 tỷ đồng.)

Trên cơ sở kết quả đạt được như vậy, mục tiêu phát triển của năm 2021 của tỉnh Quảng Trị là tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng… Theo đó, năm 2021, tỉnh tập trung hoàn thành 23 chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội, trong đó có những chỉ tiêu được UBND tỉnh đề ra cao hơn kế hoạch của Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND tỉnh như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP hơn 7% thay vì đạt từ 6,5 đến 7%; thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 3.600 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra là 3.450 tỷ đồng. Đây là những mục tiêu thể hiện quyết tâm rất lớn của tỉnh Quảng Trị trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2021-2026. Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu ngay trong những ngày đầu năm 2021, các cấp, ngành, địa phương tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao để triển khai thực hiện, tạo chuyển biến ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ.

Những đột phá mới cho nền kinh tế Quảng Trị -0
 Cảng hàng không Quảng Trị tại huyện Gio Linh là công trình trọng điểm cần khởi công sớm.

 Quyết tâm trở thành trung tâm năng lượng của khu vực  

Đồng chí Võ Văn Hưng cho biết, bám sát nội dung và vận dụng linh hoạt các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII (2015-2020), Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Quảng Trị luôn khao khát, quyết tâm trở thành trung tâm năng lượng của khu vực và cả nước, biến khó khăn thành lợi thế, trong đó ưu tiên phát triển điện khí, điện gió và điện mặt trời. Tỉnh luôn chủ động mời gọi các tập đoàn kinh tế lớn, nhà đầu tư hiệu quả để đầu tư vào Khu kinh tế đông nam Quảng Trị và trên địa bàn.

Ngày 25-1-2021, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý bổ sung Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Trong đó Quảng Trị sẽ xây dựng nhà máy điện độc lập tại xã Hải An và Hải Ba của huyện Hải Lăng trên tổng diện tích hơn 140 ha với quy mô 4.500 MW có tổng mức đầu tư 4,5 tỷ USD. Trước mắt đầu tư giai đoạn 1 của nhà máy có công suất 1.500 MW. Dự kiến, thời gian khởi công nhà máy vào đầu năm 2023, đến năm năm 2026-2027, sẽ được vận hành nhằm thay thế công suất bị thiếu hụt nguồn điện trong trường hợp các nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước không kịp vận hành trước năm 2030. Nhà máy hoàn thành sẽ cấp đấu nối lưới điện 500 KV từ sân phân phối nhà máy điện đến trạm biến áp 500 KV Quảng Trị. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ kéo theo một loạt các nhà máy, dịch vụ khác phát triển tại Khu kinh tế đông nam. Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng là dự án lớn nhất tỉnh Quảng Trị từ trước đến nay, khi đi vào hoạt động nhà máy sẽ đóng góp khoản ngân sách rất lớn cho địa phương. Tỉnh Quảng Trị hy vọng đây là một bước đột phá năng động, táo bạo, góp phần “thay áo mới” cho nền kinh tế của tỉnh giai đoạn tiếp theo.

Những đột phá mới cho nền kinh tế Quảng Trị -0
 Điện gió là thế mạnh được Quảng Trị phát triển ở huyện Hướng Hóa.

Cùng với điện khí, tỉnh quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió, điện mặt trời. Hiện đã có 31 dự án điện gió được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất hơn 1.177 MW, trong đó có 22 dự án điện gió với tổng công suất hơn 907 MW có thể vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021. UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư các dự án tập trung  nguồn lực, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; phối hợp chặt chẽ các ngành, địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án trạm biến áp 220KV Lao Bảo và đường dây 220kV Lao Bảo - Đông Hà hoàn thành trước tháng 6-2021; dự án nâng tiết diện đường dây 110KV Đông Hà - Lao Bảo hoàn thành sớm bảo đảm kế hoạch truyền tải điện. Với điện mặt trời đến này đã có ba dự án triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng với công suất gần 150 MW.  

Tuy nhiên, trước mắt tỉnh Quảng Trị xác định nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế vì địa phương có khoảng 70% dân số sống bằng nông nghiệp nên phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và trồng rừng có chứng chỉ FSC và chế biến gỗ xuất khẩu là sự lựa chọn số một. Quảng Trị có dư địa lớn để phát triển nông nghiệp trên cả ba vùng địa hình biển và ven biển; đồng bằng; trung du và miền núi. Tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hóa; phát triển các hình thức liên kết hợp tác gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị thương hiệu và thị trường. Hướng phát triển được tiến hành với phương thức Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân liên kết tổ chức sản xuất hợp lý. Chú trọng phát huy vai trò liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân, doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống, vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm, người nông dân sản xuất trên đất đai của mình.

Những đột phá mới cho nền kinh tế Quảng Trị -0
 Công nghiệp chế biến gỗ được tỉnh Quảng Trị xác định là điểm nhấn trong phát triển để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

 Không thể thiếu cảng hàng không và cảng biển

Đồng chí Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, để phát triển thuận lợi Quảng Trị đặc biệt chú ý đến hệ thống giao thông đồng bộ từ đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển với hệ thống hạ tầng logistics kèm theo. Những năm qua cơ sở hạ tầng giao thông khá đồng bộ, nhưng thực tế đã quá tải so với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, ngoài đường bộ, thì không thể thiếu cảng hàng không và cảng biển. Vừa rồi, Hội đồng thẩm định cấp bộ đã bỏ phiếu thống nhất 100% trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Quảng Trị để tỉnh kêu gọi đầu tư.

Cảng hàng không Quảng Trị quy mô thuộc sân bay dân dụng cấp 4C và quân sự cấp II, là dự án động lực quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi trong việc xúc tiến kêu gọi đầu tư và đầu tư cụ thể vào khu Kinh tế đông nam Quảng Trị; đồng thời góp phần bảo đảm an ninh-quốc phòng, kiểm soát các vùng biên giới, các đảo, quần đảo khu vực miền trung và Vịnh Bắc Bộ; phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trên Biển Đông. Hiện tỉnh đã chọn được nhà đầu tư, khi Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết, sẽ chuẩn bị khởi công ngay.

Một công trình quan trọng đang được tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện, đó là Dự án đầu tư xây dựng công trình đường ven biển Quảng Trị, đoạn từ ranh giới tỉnh Quảng Bình đến nam cầu Cửa Việt. UBND tỉnh Quảng Trị đã lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng công trình đường ven biển dài khoảng 40 km bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương để triển khai đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021-2025. Dự án nhằm khai thác tiềm năng phát triển dịch vụ-du lịch và đô thị ven biển Quảng Trị.

Cấp thiết nhất là Dự án đường tránh phía đông TP Đông Hà và nối dài đường Hùng Vương từ TP Đông Hà vào huyện Triệu Phong. Với dự án nối dài đường Hùng Vương đã đấu thầu trong năm 2020, chuẩn bị khởi công trong năm 2021. Dự án đường tránh phía đông, tỉnh cũng đang đốc thúc Chính phủ, các bộ, ngành cấp vốn sớm để sớm thi công. Tỉnh đã có công văn đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam di dời dây chuyền 1 của Nhà máy MDF VRG Quảng Trị từ khu công nghiệp nam Đông Hà nằm ở trung tâm thành phố ra khu công nghiệp Quán Ngang ở huyện Gio Linh để tạo không gian thông thoáng cho thành phố Đông Hà.

Những đột phá mới cho nền kinh tế Quảng Trị -0
 Trước mắt, nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế tỉnh Quảng Trị.

 Một trục đường chính nữa luôn được tỉnh quan tâm là Dự án đầu tư xây dựng quốc lộ 15D từ cảng Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay dài 92 km. Rất mừng là Chính phủ đã đồng ý đưa vào quy hoạch phát triển hệ thống giao thông đường bộ. Việc hình thành tuyến đường này có vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Khi tuyến đường được đầu tư xây dựng hoàn thành sẽ tạo thêm trục hành lang song song với Hành lang kinh tế đông tây (Quốc lộ 9) qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cũng như kết nối đường cao tốc Bắc-Nam và hai nhánh Đông - Tây đường Hồ chí Minh nhằm tăng cường việc giao thương hàng hóa khu vực Bắc Trung Bộ và ven biển miền trung với khu vực nam Lào, đông-bắc Thái-lan. Việc đầu tư xây dựng quốc lộ 15D được Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) rất quan tâm và đưa vào danh mục các dự án triển khai trong giai đoạn 2020-2022 tại biên bản ghi nhớ ngày 12-8-2019 giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ADB. 

Cũng với tầm nhìn giao thông đi trước một bước, tỉnh Quảng Trị sẽ xây mới trục đường trung tâm về biển dài 11,3 km có điểm bắt đầu từ ga Đông Hà về Cửa Việt giao với điểm đầu đường ven biển qua Khu kinh tế đông nam, quy mô hoàn thiện dự kiến đường trục chính đô thị, tốc độ 80 km/giờ…Với con đường này, về phía đông, sẽ đưa thành phố Đông Hà tiến gần hơn nữa với biển để kết nối, khai thác tiềm năng kinh tế biển; cũng như là trục quan trọng từ biển hướng lên phía tây, vào thành phố Đông Hà kết nối với Hành lang kinh tế đông-tây (Quốc lộ 9).   

Theo đồng chí Võ Văn Hưng, với việc hình thành Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, Cảng hàng không Quảng Trị sẽ kéo theo các dự án động lực như xây Cảng Mỹ Thủy để nhập khí; nhà đầu tư mỏ khí Kèn Bầu sẽ hợp tác đưa khí vào bờ hình thành cụm công nghiệp khí để xuất đến thị trường Asian qua đường cửa khẩu quốc tế La Lay, thúc đẩy hoàn thành sớm quốc lộ 15D; phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến đầu tư phát triển tại Quảng Trị.

Triển khai sớm các dự án nêu trên sẽ tạo cho Quảng Trị một hệ thống giao thông đồng bộ gồm đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển. Trên hết, Quảng Trị luôn mong muốn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của các bộ, ngành trung ương, Chính phủ để tỉnh sớm khởi công xây dựng các dự án, công trình trọng điểm này nhằm có cơ sở hạ tầng giao thông tốt, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, thúc đẩy Quảng Trị phát triển lên tầm cao mới.