Nhiều giải pháp thúc đẩy các khu kinh tế ở Quảng Bình

Khu kinh tế (KKT) Hòn La và KKT cửa khẩu quốc tế Cha Lo được xem là khu vực kinh tế động lực của tỉnh Quảng Bình gắn với hành lang kinh tế (HLKT) quốc lộ (QL) 12A nối Quảng Bình với vùng trung Lào và đông bắc Thái-lan. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hiệu quả hoạt động của các KKT còn hạn chế. Mới đây, Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành nghị quyết phát triển hai KKT với nhiều giải pháp mang tính đột phá để biến nơi đây thành đầu mối trung chuyển quốc tế.

Tàu vào nhận hàng ở cảng Hòn La.
Tàu vào nhận hàng ở cảng Hòn La.

Tỉnh Quảng Bình hiện có hai KKT và tám khu công nghiệp (KCN) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lập quy hoạch chi tiết xây dựng. Hệ thống các KKT, KCN có vị trí địa lý thuận lợi, thích ứng môi trường hợp tác, cạnh tranh bởi vừa phù hợp và gắn kết chặt chẽ với HLKT Ðông - Tây, vừa bảo đảm liên kết hợp tác với các KKT khác trong khu vực. Trong đó, Hòn La là KKT ven biển nằm trong vùng kinh tế trọng điểm nam Hà Tĩnh - bắc Quảng Bình, có cảng nước sâu, có đường bộ quốc gia đi qua. Cảng biển Hòn La có vị thế thuận lợi cho phát triển dịch vụ logistics, trung chuyển hàng hóa quốc tế thông qua HLKT Ðông - Tây QL 12A. KKT Cha Lo là đầu mối trung chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam với các nước Lào, Thái-lan, là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh - quốc phòng của quốc gia.

Vì thế, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều chính sách, tập trung nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, kêu gọi đầu tư vào hai KKT Hòn La và Cha Lo. Ðến nay, tỉnh đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng KKT Hòn La với diện tích 10 nghìn ha và đầu tư hơn 1.350 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng. Ðó là các công trình thiết yếu, như: KCN cảng biển Hòn La, KCN Hòn La II, hệ thống các đường trục kết nối trong KKT với các tuyến giao thông huyết mạch bên ngoài, nhà máy xử lý nước thải, đường nối KKT Hòn La với KCN xi-măng tập trung Tiến Hóa - Châu Hóa - Văn Hóa. KKT cửa khẩu Cha Lo được quy hoạch gần 55 nghìn ha và tỉnh đã đầu tư khoảng 450 tỷ đồng để xây dựng nhiều hạng mục hạ tầng quan trọng. Vì vậy, từ một cửa khẩu hẹp về diện tích, nghèo nàn về hạ tầng, đến nay, Cha Lo là một trong số ít cửa khẩu quốc tế trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào có lượng phương tiện và người qua lại liên tục tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu luôn nằm trong tốp đầu.

Theo Trưởng Ban quản lý KKT tỉnh Quảng Bình Phạm Văn Năm, giai đoạn 2008-2018, KKT Hòn La và KKT Cha Lo đã thu hút 75 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 44.985 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp trong KKT Hòn La đạt 13.823 tỷ đồng, chiếm 43,2% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo đạt 10,85 tỷ USD. Hàng hóa qua cảng Hòn La và cửa khẩu quốc tế Cha Lo đạt 23 triệu tấn. Thu ngân sách trong các KKT đạt bình quân 300 tỷ đồng/năm. Thu hút hơn 1.600 người làm việc trực tiếp trong các nhà máy và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương thông qua việc cung cấp các dịch vụ, như: bốc xếp hàng hóa, vận tải, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhà máy trong KKT.

Tuy nhiên, so với các địa phương khác trong cả nước, tốc độ phát triển của các KKT ở Quảng Bình thời gian qua vẫn chưa đạt yêu cầu; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong các KKT chậm hoàn thiện; việc thu hút đầu tư vào các KKT chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; thiếu các dự án quy mô lớn, dự án đầu tư nước ngoài; một số dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư nhưng triển khai chậm. Nguyên nhân là do Quảng Bình nằm cách xa các trung tâm kinh tế của đất nước; điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong khi lại phải thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho các KKT còn hạn chế. Cơ chế liên kết vùng nam Hà Tĩnh - bắc Quảng Bình chưa phát huy hiệu quả. Chính sách phát triển KKT của tỉnh chưa gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội chung. Việc thu hút đầu tư còn một số hạn chế.

Nhằm tháo gỡ những nút thắt, tạo động lực cho các KKT trên địa bàn phát triển, cuối tháng 7 vừa qua, Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành nghị quyết về đẩy mạnh phát triển KKT Hòn La, KKT Cha Lo gắn với HLKT QL 12A đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu của nghị quyết là xây dựng Hòn La thành KKT tổng hợp trong đó có KCN gắn với biển, các khu du lịch gắn với các sản phẩm du lịch độc đáo, kinh tế cảng, khu phi thuế quan gắn với cảng biển Hòn La và khu dân cư đô thị. Còn KKT Cha Lo sẽ được xây dựng một cách toàn diện, trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía tây của tỉnh, đầu mối trung chuyển quốc tế giữa Việt Nam với Lào, Mi-an-ma, Thái-lan qua cửa khẩu Cha Lo; phát triển giao lưu kinh tế và thương mại liên vùng theo trục kinh tế từ cửa khẩu Cha Lo qua QL 12A, qua cảng Hòn La, ra biển để đến với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trên cơ sở mục tiêu, định hướng cụ thể đó, tỉnh Quảng Bình triển khai kế hoạch thực hiện nghị quyết với nhiệm vụ cụ thể là tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào KKT Hòn La, KKT Cha Lo gắn với HLKT QL 12A. Cụ thể, trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Bình sẽ cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh để ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật trong KKT, gồm: Hệ thống giao thông, các khu tái định cư trong KKT Hòn La, đường giao thông nội bộ KKT Cha Lo, các cụm điểm thương mại, dịch vụ và khu dân cư đô thị dọc HLKT QL 12A, như: Khu trung chuyển hàng hóa, dịch vụ logistics khu vực Bãi Dinh, ngã ba Khe Ve, khu đô thị Hóa Tiến… Mặt khác, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, có các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, đề xuất Chính phủ miễn, giảm thuế ở mức hợp lý và có thời gian phù hợp đối với các ngành công nghiệp, dịch vụ ưu tiên. Trưởng ban quản lý KKT tỉnh Quảng Bình Phạm Văn Năm cho biết, trên cơ sở tranh thủ tối đa mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách, Ban quản lý KKT tỉnh Quảng Bình tích cực kêu gọi các nhà đầu tư kinh doanh lĩnh vực hạ tầng, trong đó, ưu tiên việc cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, giao thông để đấu nối đồng bộ với hạ tầng bên ngoài; đồng thời áp dụng các hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) nhằm từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật KKT, KCN theo hướng đồng bộ, bền vững. Tỉnh Quảng Bình cũng tập trung kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực để thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại để xây dựng KKT Hòn La, KKT Cha Lo gắn với HLKT QL 12A thành khu vực kinh tế động lực của tỉnh và là đầu mối trung chuyển quốc tế trong tương lai.