Nhiều dự án lớn thúc đẩy vốn FDI phục hồi

Lần đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng trưởng dương trong quý I - 2021. Đây chính là thành quả của quá trình phòng, chống dịch bệnh thành công và phản ánh niềm tin, kỳ vọng mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào triển vọng kinh tế Việt Nam.

Ðiểm danh dự án công nghệ cao

Ngày cuối cùng của quý I - 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam của nhà đầu tư Hồng Kông (Trung Quốc) - Công ty Jinko Solar Hồng Kông - quy mô gần 500 triệu USD. Ðây là một trong những nhà sản xuất tấm quang năng (pin năng lượng mặt trời) lớn và tiên tiến nhất trên thế giới, nắm giữ hơn 12% thị trường toàn cầu. Ðể chọn địa điểm đầu tư tiếp tục mở rộng sản xuất, Jinko Solar Hồng Kông đã đến Việt Nam hai lần để khảo sát và quyết định lựa chọn KCN Sông Khoai, Quảng Ninh. Trong ba tháng đầu năm còn có những dự án "khủng" đổ vào Việt Nam như: Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II của nhà đầu tư Xin-ga-po, tổng vốn đăng ký hơn 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An; Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II của nhà đầu tư Nhật Bản, tổng vốn đăng ký hơn 1,31 tỷ USD với mục tiêu xây dựng nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ. Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có Dự án LG Display Hải Phòng của nhà đầu tư Hàn Quốc điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD và Dự án Nhà máy Fukang Technology của Xin-ga-po, vốn đầu tư đăng ký
293 triệu USD với mục tiêu sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại Bắc Giang.

Cục ÐTNN (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) cho biết, các doanh nghiệp (DN) FDI tiếp tục phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt sau tác động của đại dịch Covid-19. Vốn đầu tư thực hiện của các dự án ÐTNN tăng 6,5% so cùng kỳ. Ðối với các nhà ÐTNN đang hoạt động tại Việt Nam, sự phục hồi thể hiện rõ ở đóng góp lớn trong tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu ba tháng đầu năm. Cụ thể, kim ngạch xuất, nhập khẩu của khu vực ÐTNN tiếp tục tăng và xuất siêu gần 8,8 tỷ USD (kể cả dầu thô), bù đắp phần nhập siêu gần 6,7 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cả nước xuất siêu hơn 2 tỷ USD.

Vụ trưởng Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phạm Ðình Thúy nhận định, vốn FDI đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhất là trong quý I - 2021. Ðến nay, các DN FDI đã đầu tư vào 19 trong tổng số 21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 230 tỷ USD, chiếm 58,5% tổng vốn đầu tư và đây là động lực chính của tăng trưởng. Bên cạnh đó, vốn FDI vào kinh doanh bất động sản chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư; sản xuất, phân phối điện chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư… Tổng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng 18,5% so cùng kỳ năm 2020 sau khi giảm liên tục trong hai tháng đầu năm. Quy mô bình quân của các dự án cấp mới và các dự án điều chỉnh vốn đều tăng mạnh so cùng kỳ đã làm tăng vốn đăng ký mới thêm 30,6% và vốn điều chỉnh tăng 97,4%. Riêng hoạt động góp vốn mua cổ phần của nhà ÐTNN vẫn giảm so cùng kỳ.

Nghiên cứu chính sách ưu đãi đặc biệt

Theo Cục ÐTNN, sự chuyển tiếp giữa Luật Ðầu tư 2014 và Luật Ðầu tư 2020 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) đã ảnh hưởng tới tình hình cấp mới và điều chỉnh các dự án ÐTNN tại Việt Nam. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia và tại Việt Nam cũng làm ảnh hưởng tới việc đi lại cùng với việc ra quyết định đầu tư mới, mở rộng dự án của các nhà đầu tư. Vì vậy, số dự án cấp mới, điều chỉnh vốn, góp vốn mua cổ phần của nhà ÐTNN vẫn tiếp tục giảm so cùng kỳ, song mức độ giảm đã được cải thiện.

Ðiểm tích cực là làn sóng công nghệ cao vào Việt Nam đã xuất hiện với hàng loạt dự án đã đi vào hoạt động của Samsung, Foxconn, Luxshare, Intel… bên cạnh hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới ở Việt Nam gần đây. Cùng với việc lập tổ công tác đón "đại bàng", Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 10/2021/QÐ-TTg về tiêu chí xác định DN công nghệ cao, thay thế cho tiêu chí hiện hành được thực hiện từ năm 2015. Thay đổi quan trọng nhất đối với DN công nghệ cao là doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm. Ðồng thời quy định tỷ lệ tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của DN trên giá trị của tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào hằng năm của DN có vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 0,5%; DN không thuộc trường hợp nêu trên, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 1%; DN còn lại phải đạt ít nhất 2%... Như vậy, quy định về tiêu chí xác định DN công nghệ cao được điều chỉnh theo hướng khả thi hơn, chia thành ba nhóm thay vì hai nhóm nhằm tăng tính khả thi và tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho DN.

Ðể triển khai thực hiện các định hướng chiến lược đề ra tại Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ÐTNN đến năm 2030, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đang lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan về dự thảo quyết định của Chính phủ về các chính sách ưu đãi đặc biệt. Dự kiến cơ chế này sẽ dành cho các dự án trung tâm đổi mới sáng tạo, bao gồm cả Trung tâm Ðổi mới sáng tạo quốc gia, các dự án R&D, dự án quy mô lớn hơn 30 nghìn tỷ đồng, giải ngân 10 nghìn tỷ đồng trong vòng ba năm...

Tổng vốn ĐTNN vào Việt Nam trong quý I - 2021 đạt gần 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó có 234 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7,2 tỷ USD, giảm 69,1% về số dự án và tăng 30,6% về số vốn đăng ký; có 161 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2,1 tỷ USD, tăng 97,4%; có 734 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị góp vốn gần 805,3 triệu USD, giảm 58,8%. Vốn FDI thực hiện ước tính đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5%.

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài