Nghệ An đẩy mạnh thu hút đầu tư

Nghệ An là trung tâm vùng Bắc Trung Bộ. Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn lao động dồi dào, cùng sự nỗ lực trong thu hút đầu tư của tỉnh và sự giúp đỡ của Trung ương, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An tham quan dây chuyền sản xuất tại nhà máy của Công ty Luxshare ICT. Ảnh: Thành Duy
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An tham quan dây chuyền sản xuất tại nhà máy của Công ty Luxshare ICT. Ảnh: Thành Duy

Nỗ lực thu hút đầu tư

Nghệ An giàu tiềm năng, lợi thế với diện tích lớn nhất cả nước, phía tây là vùng đất ba-dan màu mỡ, nguồn lao động dồi dào. Ðây là vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các thế hệ lãnh đạo tỉnh Nghệ An đều hết sức trăn trở, phải bằng mọi cách thu hút nhiều nhà đầu tư, sớm đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá như sinh thời Bác Hồ từng mong muốn. Hơn 10 năm qua, Nghệ An đã tổ chức thành công Hội nghị thường niên gặp gỡ các nhà đầu tư vào dịp đầu năm mới, thu hút hàng trăm doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn trong nước và quốc tế. Thời gian qua, hoạt động xúc tiến đầu tư tại Nghệ An có sự chuyển biến rõ nét. Tỉnh đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thông qua liên kết, hợp tác với các cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái-lan, Xin-ga-po,... Tỉnh nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, là tỉnh đầu tiên cả nước được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26 để thu hút mọi nguồn lực, xây dựng Nghệ An sớm trở thành tỉnh công nghiệp và là trung tâm vùng Bắc Trung Bộ...

Với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương cùng sự nỗ lực trong thu hút đầu tư, Nghệ An đã hình thành trung tâm lớn của cả nước về chế biến thực phẩm (nuôi bò sữa gắn với chế biến sữa, chế biến đường, hoa quả); chế biến lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng, xi-măng,... Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh có 573 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng và hàng trăm triệu USD, tăng cả về số lượng, quy mô và chất lượng dự án so với các giai đoạn trước đó; tăng tỷ trọng các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, các dự án tạo việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước. Nhiều DN, tập đoàn kinh tế trong nước và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu, uy tín đã đến khảo sát và đầu tư tại Nghệ An như: VSIP, WHA, TH, Vingroup, The Vissai, Hoa Sen, Massan, Mường Thanh, Thiên Minh Ðức, FLC,... Nhiều dự án trọng điểm được khởi công, hoàn thành đưa vào hoạt động như các nhà máy gỗ MDF, các nhà máy xi-măng; Tổng kho và cảng xăng dầu DKC, Nhà máy Hoa Sen Nghệ An; các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của nhà đầu tư nước ngoài (BSE, Emtech, Luxshare ICT,...). Tỉnh đã thu hút được các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp như VSIP Nghệ An (Xin-ga-po), Công ty cổ phần WHA Industrial Zone Nghệ An (Thái-lan), Hoàng Thịnh Ðạt,...

Chỉ tính riêng VSIP Nghệ An, sau 5 năm đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp ở Nghệ An, đã thu hút được 26 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư 258 triệu USD, trong đó có 11 DN FDI; dự kiến thu hút hơn 22 nghìn lao động. Hiện tại, có 11 DN đã đi vào hoạt động và sáu dự án đang triển khai xây dựng tại đây. Trong số DN FDI đầu tư vào VSIP Nghệ An có Công ty Luxshare ICT là đối tác của một tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới... Phó Tổng Giám đốc VSIP Nghệ An Teng Wei Hong cho biết: Hiện có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu đầu tư tại Nghệ An nên VSIP Nghệ An đã trình cấp có thẩm quyền mở rộng dự án nhằm đón đầu làn sóng đầu tư... Công ty cổ phần WHA Industrial Zone Nghệ An tuy mới đi vào hoạt động được ba năm, vừa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật tiểu giai đoạn 1 với hơn 143 ha tại khu kinh tế (KKT) Ðông Nam nhưng đã có nhiều nhà đầu tư của Nhật Bản, Hồng Công (Trung Quốc), Thái-lan đăng ký với số vốn hàng trăm triệu USD,...Tổng Giám đốc Công ty cổ phần WHA Industrial Zone Nghệ An Nguyễn Thị Bích Liên cho biết: Công ty WHA đầu tư hạ tầng khu công nghiệp ở KKT Ðông Nam đã cơ bản hoàn thành tiểu dự án giai đoạn 1 đúng tiến độ nhờ sự hỗ trợ giải quyết thấu đáo khó khăn từ cơ sở đến tỉnh, nhất là trong giải phóng mặt bằng, đất san lấp.

Tạo "làn sóng" đầu tư mới

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa, với sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, thêm nữa Nghệ An có nhiều chính sách tạo môi trường thông thoáng, việc thu hút đầu tư trên địa bàn đã có biến chuyển vượt bậc. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Quản lý KKT Ðông Nam cùng các địa phương, sở, ngành đều xác định đồng hành cùng DN. Lãnh đạo các cấp vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư qua việc đơn giản hóa các thủ tục, giải phóng mặt bằng nhanh gọn và giải quyết triệt để vướng mắc,... Ðây được xem là khâu đột phá, trọng tâm của tỉnh. Ðịnh kỳ, lãnh đạo tỉnh tổ chức giao ban, gặp mặt các nhà đầu tư để giải quyết khó khăn, kiến nghị, nhất là dự án trọng điểm, quy mô lớn; gắn giải quyết vấn đề tồn đọng với trách nhiệm cụ thể của từng sở, ngành và địa phương liên quan. UBND tỉnh thành lập Tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, thường xuyên hỗ trợ giải quyết khi có vấn đề phát sinh xảy ra.

Tuy vậy, nhìn nhận một cách cặn kẽ, công tác thu hút đầu tư thời gian qua ở Nghệ An vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tỉnh vẫn thiếu quỹ đất sạch; giá thuê đất tại các khu công nghiệp chưa thật sự có lợi thế so sánh với khu công nghiệp khác của các tỉnh trong khu vực nên suất vốn đầu tư cao so với mặt bằng chung làm hạn chế thu hút, mời gọi đầu tư. Một số thủ tục hành chính còn rườm rà, kéo dài, làm tăng chi phí thời gian. Nhiều dự án trọng điểm của tỉnh đang bị vướng các thủ tục nên tiến độ triển khai chậm, hoặc chưa triển khai được. Mặt khác, kết cấu hạ tầng trên địa bàn chưa hoàn thiện đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông (cảng biển nước sâu, đường cao tốc), hạ tầng kỹ thuật tại các khu, cụm công nghiệp và hệ thống logistics,... Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch Covid-19, tiến độ thực hiện nhiều dự án trên địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Ðức Trung cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp: Tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, như quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025); điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Ðông Nam đến năm 2040; rà soát, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn đến năm 2030,… nhằm định hướng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, đổi mới tư duy, quan điểm về xúc tiến và thu hút đầu tư, coi nhà đầu tư là đối tượng phục vụ (với tâm thế mình cần nhà đầu tư hơn họ cần mình). Ðồng thời, thiết lập và duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo tỉnh, các ngành với các nhà đầu tư. Lập tổ công tác liên ngành để thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài. Ðịnh kỳ hằng tháng kiểm tra, giám sát, họp bàn giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm để xử lý kịp thời, bảo đảm các dự án hoạt động hiệu quả nhằm tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại Nghệ An, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới với phương châm tỉnh luôn đồng hành cùng DN. Ðổi mới cơ chế, chính sách, ưu tiên thu hút đầu tư theo nguyên tắc ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, sạch, quản trị hiện đại, không đánh đổi tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Có cơ chế, chính sách riêng đối với các nhà đầu tư đã vào tỉnh và đang hoạt động hiệu quả. Ðẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư tại các khu công nghiệp đã có cơ sở hạ tầng, có mặt bằng thông qua việc xây dựng, điều chỉnh giá thuê đất phù hợp thực tiễn của địa phương, có tính cạnh tranh cao. Nguồn vốn ngân sách được coi là "vốn mồi" để khai thác nguồn vốn của các thành phần kinh tế, tập trung bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, có sức lan tỏa và tác động lớn tới phát triển kinh tế. Tiếp tục đổi mới chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chính sách thu hút nhân tài trên địa bàn tỉnh được coi là một trong những khâu đột phá, chiến lược lâu dài, tạo tiền đề thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.

"Với tiềm năng, thế mạnh mà Nghệ An đang có, cùng với chiến lược phát triển, các giải pháp phù hợp và sự đồng thuận, tinh thần chung sức, đồng lòng của Ðảng bộ, chính quyền, công chức, viên chức của tỉnh, tin rằng Nghệ An sẽ là địa điểm lý tưởng cho các nhà đầu tư". Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ðức Trung nhấn mạnh.