Nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp nhà nước

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp (DN) liên quan về dự thảo nghị định của Chính phủ quy định công bố thông tin của DN nhà nước (DNNN) thay thế Nghị định số 81/2015/NĐ-CP về vấn đề này.

Sau gần 5 năm thực hiện Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, số lượng DN thực hiện công bố thông tin theo quy định đã tăng lên, từ mức 241 trong số 620 DNNN công bố thông tin vào năm 2016 lên đến 333 trong số 526 DN vào cuối năm 2019, đạt tỷ lệ hơn 63%. Các nội dung phải công bố gồm: Chiến lược phát triển DN, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển 5 năm và hằng năm; báo cáo sản xuất, kinh doanh hằng năm và ba năm gần nhất; báo cáo tài chính; báo cáo kết quả sắp xếp, đổi mới DN; báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức; báo cáo tiền lương, tiền thưởng, báo cáo thông tin bất thường. Tuy nhiên, việc công bố thông tin ở một số DN còn mang tính hình thức và chậm so với yêu cầu. Nhiều DNNN vẫn chưa công bố thông tin định kỳ, nhất là DN địa phương hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, khai thác công trình thủy lợi. Thực trạng này khiến bức tranh tổng thể về khu vực DNNN còn thiếu công khai, thậm chí vẫn có nhiều điểm mờ. Chính sự thiếu minh bạch trong quá trình hoạt động của DN cùng với sự buông lỏng công tác giám sát, quản lý tại DN cũng như trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại một số DN, tập đoàn kinh tế lớn những năm gần đây, gây ảnh hưởng đến niềm tin của dư luận xã hội vào DNNN. 

Do đó, việc ban hành quy định mới tại thời điểm này không chỉ nhằm tạo khung pháp lý chung, thống nhất về việc công bố thông tin của DNNN để khắc phục những hạn chế nêu trên mà còn đáp ứng yêu cầu quản trị hiện đại và thực hiện cam kết quốc tế theo yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết và thực thi. Điểm mới đáng chú ý là dự thảo nghị định còn hướng đến xây dựng, cập nhật, quản lý và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về DNNN. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động quản lý và giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, của xã hội đối với DNNN và tuân thủ các quy định tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây cũng là kênh thông tin quan trọng để các nhà đầu tư tiếp cận tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác với DNNN.

Để nghị định sớm được ban hành và đi vào cuộc sống, cần chuẩn hóa các mẫu biểu và quy định rõ nội dung thông tin cần công bố công khai của DNNN, xác lập quy trình công bố thông tin qua mạng điện tử của DN. Đồng thời phải làm rõ quyền và trách nhiệm của DN, của đại diện chủ sở hữu và có cơ chế giám sát để bảo đảm tính đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch của thông tin được công bố.