Nâng cao giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Việt Nam xuất khẩu thịt lợn, lợn choai đông lạnh và thịt gà sang các nước ước đạt khoảng từ 210 triệu đến 250 triệu USD/năm. Kết quả này còn khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh. Vậy làm thế nào để nâng cao giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi (SPCN) trong thời gian tới đang là thách thức đặt ra cho các ngành chức năng.

Dây chuyền chế biến thịt gà tại Công ty Koyu & Unitek (Ðồng Nai). Ảnh: Anh Tùng
Dây chuyền chế biến thịt gà tại Công ty Koyu & Unitek (Ðồng Nai). Ảnh: Anh Tùng

Vẫn còn nhiều hạn chế

Thứ trưởng NN và PTNT Phùng Ðức Tiến cho biết, thời gian qua, đàn bò và gia cầm nhìn chung phát triển tốt do thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán ở mức có lợi cho người chăn nuôi. Tổng số bò tăng khoảng 2,4%, gia cầm tăng khoảng 10% so với cùng thời điểm năm 2018. Mặc dù tăng trưởng tốt, tuy nhiên giá trị sản phẩm làm ra lại chưa đạt như mong muốn. Lý giải vấn đề này, theo các chuyên gia, tiêu chuẩn khó nhất đối với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam là SPCN phải xuất phát từ vùng hoặc cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB), trong khi số DN đáp ứng được yêu cầu này lại quá ít. Nguy cơ dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhận thức của người dân về áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) còn hạn chế. Công tác vệ sinh môi trường chưa kiểm soát được hoàn toàn, bị động trong công tác phòng, chống dịch, nhất là dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc-xin phòng bệnh, dịch cúm gia cầm. Trong khi đó, sự giao lưu mua bán và nhu cầu vận chuyển động vật, sản phẩm động vật giữa các địa phương ngày càng tăng, luôn có nguy cơ lây lan dịch bệnh. Theo Cục Thú y, từ tháng 2 đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, số lợn buộc phải tiêu hủy là khoảng năm triệu con. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, cả nước có 17 ổ dịch cúm gia cầm tại 14 tỉnh, thành phố, tiêu hủy khoảng 29 nghìn con gia cầm nhiễm bệnh. Các khâu trong sản xuất còn thiếu tính liên kết, chưa gắn sản xuất với giết mổ, chế biến với thị trường. Số lượng các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn nhiều hơn các cơ sở giết mổ công nghiệp. Phần lớn các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không có hệ thống cấp đông, bảo quản lạnh, trong khi các nước có nhu cầu nhập khẩu đều yêu cầu phải có chuỗi sản xuất khép kín đến sản phẩm cuối cùng, bảo đảm ATDB, ATTP. Trình độ quản lý trang trại chăn nuôi còn yếu vì thiếu cơ sở đào tạo. Công tác thông tin thị trường, dự báo còn hạn chế, do vậy luôn bị động trong sản xuất, nhất là thông tin giữa nguồn cung và cầu. Chăn nuôi nông hộ nhiều cho nên việc áp dụng công nghệ cao, tiên tiến chưa đạt như yêu cầu đề ra. Tình trạng hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm (GSGC) nhỏ lẻ đan xen với cơ sở chăn nuôi tập trung dẫn đến việc chưa hình thành được vành đai ATDB cho các cơ sở này, do đó áp dụng chăn nuôi ATDB gặp khó khăn hoặc không thực hiện được. Việc xây dựng vùng, cơ sở ATDB ở Việt Nam còn lúng túng do thiếu kinh phí, một số địa phương chưa chú trọng công tác này. Chi phí sản xuất còn lớn hơn các nước trong khu vực và trên thế giới, cho nên khó cạnh tranh với sản phẩm của các nước. Việc tiêu thụ sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian đẩy giá bán lên cao, mặt khác người sản xuất còn bị tư thương ép giá.

Làm gì để có sản phẩm chất lượng cao?

Theo Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Ðông, Nhà nước cần tập trung đầu tư kinh phí cho việc quy hoạch vùng chăn nuôi lợn, GSGC, hỗ trợ từ Trung ương tới địa phương để thực hiện các chương trình quốc gia về phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật (lở mồm long móng, cúm gia cầm, dịch tai xanh trên đàn lợn...) theo yêu cầu của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Cố gắng xây dựng thêm các vùng chăn nuôi bảo đảm ATDB, ATTP, góp phần thúc đẩy xuất khẩu SPCN sang thị trường các nước khác theo quy định của OIE. Chia sẻ thêm về vấn đề này, theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng, thực tế cho thấy việc tổ chức sản xuất chăn nuôi theo mô hình chuỗi liên kết thật sự đã mang lại hiệu quả đối với người chăn nuôi, có thể chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ðây là hình thức tổ chức phổ biến hiện nay trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Bảo đảm các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với nhau, cũng như việc điều tiết cung - cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc SPCN.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi các nước phát triển chủ yếu chăn nuôi trang trại, nông trại quy mô lớn, thì chăn nuôi nhỏ lẻ ở Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn, do vậy cần phân khúc ra hai nhóm để có định hướng, giải pháp phù hợp. Với chăn nuôi nông hộ, nên chuyển dần sang áp dụng chăn nuôi ATSH, nuôi các giống lợn đặc sản bản địa trên cơ sở phát huy ưu thế lai, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp và quản lý theo chuỗi. Riêng chăn nuôi công nghiệp, cần nâng cao năng suất, chất lượng đàn nái, quy trình chăm sóc để hạ giá thành sản phẩm. Cố gắng tạo mối quan hệ với các đối tác trên thế giới trong đầu tư khoa học - công nghệ để tăng giá trị SPCN. Chia phân khúc khi xác định thị trường mục tiêu cho sản xuất và kinh doanh sản phẩm GSGC tránh sự cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập. Ðầu tư nhiều hơn vào các nhà máy sản xuất và chế biến thịt GSGC an toàn theo tiêu chuẩn 3F: FEED - FARM - FOOD (thức ăn chăn nuôi - trang trại - thực phẩm). Các bộ, ngành liên quan cần thường xuyên trao đổi thông tin, đẩy mạnh công tác xúc tiến thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, các DN nên hướng đến sản xuất các sản phẩm đã qua chế biến. Muốn vậy phải đầu tư đồng bộ, có kho lạnh trữ hàng, dây chuyền sản xuất hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ðồng thời tái cơ cấu tiếp giai đoạn ở các khâu con giống, kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt coi trọng yếu tố môi trường.

Ðể có nhiều SPCN chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, xuất khẩu được nhiều hơn và nâng cao giá trị gia tăng, thời gian tới chúng ta cần có quy hoạch cụ thể, chính sách phù hợp thực tế hơn, quy trình chăn nuôi chuẩn. Tiếp tục phát triển quy mô đàn lợn ngoại, GSGC theo hướng trang trại, công nghiệp, áp dụng chăn nuôi ATSH, VietGAHP và ATDB ở nơi có điều kiện về đất đai, kiểm soát dịch bệnh và môi trường; duy trì ở quy mô nhất định hình thức chăn nuôi lợn lai, lợn đặc sản phù hợp điều kiện chăn nuôi của nông hộ và một số vùng, đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu. Tăng cường liên kết với các đối tác mở rộng hơn nữa thị trường truyền thống cho thịt lợn sữa và lợn choai đông lạnh. Tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn, có chứng nhận chất lượng. Ðồng thời, cần đầu tư nghiên cứu sâu nhằm gắn sản xuất với nhu cầu và yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu. Tiếp tục mở rộng và xuất sản phẩm gia cầm sang các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Phi-li-pin, xuất lợn sang Trung Quốc...