Nam Định tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao

Tỉnh Nam Định đã trở thành tỉnh nông thôn mới (NTM) vào tháng 7-2019, sớm hơn một năm rưỡi so mục tiêu đề ra. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, hơn 25% số xã, thị trấn và huyện Hải Hậu đạt chuẩn NTM nâng cao; có 10 mô hình NTM kiểu mẫu ở xã, thôn; đến năm 2025, có ít nhất năm huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và huyện Hải Hậu được công nhận huyện NTM kiểu mẫu.

Đóng gói sản phẩm gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Lâm sản Nam Định (Khu công nghiệp Hòa Xá, Nam Định). Ảnh: ANH AN
Đóng gói sản phẩm gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Lâm sản Nam Định (Khu công nghiệp Hòa Xá, Nam Định). Ảnh: ANH AN

Tỉnh đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nền nông nghiệp toàn diện gắn với các ngành công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn. Đồng thời xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tại nhiều địa phương; tạo mặt bằng sạch, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch theo hướng giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động công nghiệp, dịch vụ, làm tiền đề cho việc tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.

Cùng với đó, tỉnh tổ chức lại sản xuất nông nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ nông dân và các chủ trang trại thành lập hợp tác xã kiểu mới; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã và hộ sản xuất cá thể, hình thành các chuỗi khép kín từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản. Thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại làng nghề, khu chăn nuôi, cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn; cải tạo, nâng cấp khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung ở các xã, thị trấn; duy trì tốt phong trào toàn dân tham gia xây dựng nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp.

Từ năm 2011 đến tháng 6-2019, tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM của tỉnh Nam Định đạt gần 22 nghìn tỷ đồng (trong đó, ngân sách nhà nước hơn 26%, còn lại huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nguồn hợp pháp khác). Người dân góp, tự nguyện hiến hơn 3.100 ha đất nông nghiệp, đất thổ cư để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng và các công trình phúc lợi. Đến hết năm 2018 các địa phương trong tỉnh không còn nợ chi phí xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.

* Quảng Ngãi triển khai cấp điện qua dịch vụ công trực tuyến

Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã triển khai liên kết dịch vụ cấp điện vào website Trung tâm Hành chính công của tỉnh nhằm mở rộng kênh tương tác, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của khách hàng trong tỉnh, rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng. Người dân chỉ cần ở nhà với thiết bị có kết nối in-tơ-nét, có thể dễ dàng truy cập vào website Trung tâm Hành chính công của tỉnh cũng như website chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền trung (cskh.cpc.vn) đã được liên kết với nhau.

Hồ sơ trực tuyến hoàn thành, gửi đi, sau ít phút sẽ được nhân viên của điện lực chi nhánh liên lạc lại tư vấn. Khách hàng ở bất cứ đâu cũng truy cập được những thông tin liên quan như tiền điện, sản lượng điện hằng năm; có thể thay đổi nhu cầu sử dụng điện từ một hộ lên nhiều hộ (chỉ hơn hai ngày đã được lắp đặt xong công-tơ mới) mà không phải đến chi nhánh điện lực để đăng ký, đồng thời được nhân viên điện lực tư vấn thêm về cách dùng điện an toàn và các thủ tục đăng ký trả tiền điện online.

Được biết, Tổng công ty Điện lực miền trung có 19 dịch vụ điện được triển khai online trên website cskh.cpc.vn và ứng dụng trên điện thoại thông minh. Năm 2018, dịch vụ điện trực tuyến chiếm 28% trong tổng các dịch vụ mà Công ty Điện lực Quảng Ngãi tiếp nhận. Sáu tháng đầu năm 2019, con số này tăng lên tới 65%; trong đó nhiều nhất là các dịch vụ ghi nhận và xử lý mất điện; thay đổi, cập nhật thông tin; yêu cầu tra cứu thông tin, cấp điện mới, di dời công-tơ.