Một số doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ vì đất vàng

NDO -

Sáng 24-11, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam (KTNN) phối hợp Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa (CPH) tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vai trò của KTNN”.

Ảnh: Thúy Hà.
Ảnh: Thúy Hà.

Phát biểu tại hội thảo, GS,TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng KTNN cho biết, công tác CPH giai đoạn 2016-2020 đã tập trung hơn vào việc xác định tiêu chí, danh mục phân loại DNNN cụ thể và tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, qua đó đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, việc cơ cấu lại DNNN và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) triển khai còn chậm, quá trình CPH còn có nhiều vấn đề tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Bên cạnh đó, có một số khó khăn, vướng mắc về thể chế chậm được giải quyết, nhất là các vấn đề liên quan đến xác định quyền sử dụng đất, tài sản vô hình…

Theo GS Đoàn Xuân Tiên, từ năm 2017 đến nay, KTNN đã thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN CPH giai đoạn 2016-2020 của 16 DN.

Kết quả kiểm toán cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế, làm ảnh hưởng đến giá trị phần vốn của nhà nước, nhất là những sai sót trong xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, hàng tồn kho, định giá tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán, chi phí trả trước dài hạn, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất… KTNN đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp tài sản tăng hơn 15.447 tỷ đồng.

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN Nguyễn Hồng Long cho biết, quá trình CPH đang chậm so với tiến độ đặt ra. Chín tháng năm 2020, chỉ phê duyệt phương án CPH7 đơn vị, công bố giá trị DN của hai tổng công ty phát điện tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam với giá trị DN hơn 46 nghìn tỷ đồng. Theo Danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN, giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành CPH 127 DN nhưng đến nay mới đạt 28% kế hoạch. Nhiều DN quy mô lớn như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, VNPT, Tập đoàn Than-Khoáng sản, Tổng công ty Lương thực miền bắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để tiến hành xác định giá trị DN.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh chỉ ra, nguyên nhân quan trọng khiến tiến trình CPH chậm trễ là do thủ tục xác định giá trị đất đai mất nhiều thời gian. Có một số DN CPH chỉ vì đất, trong đó có những mảnh là đất "vàng", đất "kim cương". Trong nhiều trường hợp, đất đai là “miếng mồi ngon” để nhà đầu tư tích cực tham gia quá trình CPH.

“Nhiều sai phạm gây thất thoát tài sản nhà nước từ khâu xác định giá trị đất khi CPH trong quá khứ khiến công tác này không thể xem nhẹ. Bên cạnh việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật, tăng cường vai trò của KTNN trong việc chống nguy cơ thất thoát đất công trong và sau quá trình cổ phần hóa DNNN là rất quan trọng”, TS Vũ Đình Ánh nói.

Hội thảo đã tập trung làm rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác CPH DNNN dẫn đến tình trạng “lợi ích nhóm”, suy giảm lòng tin, gây thất thoát, lãng phí, giảm năng lực phát triển DN, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội của quốc gia. Đồng thời, chỉ ra các điểm bất cập trong cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý hiện nay liên quan đến quá trình cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, nhất là các phương pháp xác định giá trị DNNN trước CPH liên quan đến quyền sử dụng đất, lợi thế thương mại, giá trị thương hiệu…