Loại bỏ doanh nghiệp "ma", vốn ảo khỏi hệ thống dữ liệu quốc gia

Vụ việc nhà đầu tư dùng căn cước công dân giả để đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN) có vốn "khủng" hơn 144 nghìn tỷ đồng bị phát giác mới đây đã khiến dư luận lo ngại về nguy cơ tái xuất của các DN "ma", DN đăng ký vốn ảo. Những DN kiểu này có thể làm phương hại đến các bên tham gia thị trường và ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh, rất cần được các cơ quan quản lý có biện pháp ngăn chặn kịp thời, loại bỏ khỏi hệ thống.

Có hay không lỗ hổng về đăng ký kinh doanh?

Ðầu tháng 1-2020, Sở Kế hoạch và Ðầu tư (KH và ÐT) Hà Nội tiếp nhận hồ sơ đăng ký DN của nhóm cổ đông sáng lập Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (USC Interco). Theo thông tin trong hồ sơ, công ty đặt trụ sở tại địa chỉ số 10, ngõ 234, đường thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Ðức, Hà Nội; đăng ký 59 mã ngành, nghề kinh doanh thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, vốn điều lệ tới hơn 144 nghìn tỷ đồng. Vì số vốn đăng ký lớn chưa từng có trong hệ thống DN Việt Nam cho nên cán bộ đăng ký kinh doanh (ÐKKD) đã đề nghị người đại diện DN kiểm tra lại các con số và nhận được sự cam kết sẽ góp đủ vốn trong thời hạn 90 ngày theo quy định của Luật DN. Khi số liệu hồ sơ được cập nhật vào Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, Cục Quản lý ÐKKD (Bộ KH và ÐT) đã chỉ đạo cơ quan ÐKKD của TP Hà Nội kiểm tra thông tin về DN này. Sau đó, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã vào cuộc xác minh, phát hiện chủ DN USC Interco sử dụng căn cước công dân giả để đăng ký thành lập DN. Ngày 14-4, Phòng ÐKKD, Sở KH và ÐT Hà Nội thu hồi giấy ÐKKD đã cấp cho USC Interco.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Ðình Cung khẳng định:

Sau những lần sửa đổi, Luật DN đến nay đã có công cụ để ngăn chặn các hình thức vi phạm như trường hợp của Công ty USC Interco. Trước đây, nguyên tắc quản lý DN là cấp phép kinh doanh, khai báo vốn điều lệ nhưng hiện nay, người thành lập DN chỉ cần ÐKKD, đăng ký vốn điều lệ. Ðó là bước tiến bộ lớn trong tự do hóa kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển rất mạnh mẽ của DN như những năm vừa qua. Trong kinh tế thị trường và nếu hiểu kinh tế thị trường, nhà đầu tư bao giờ cũng cân đối giữa nợ và vốn chủ sở hữu bởi về mặt pháp lý, khai báo vốn lớn đồng nghĩa với việc phải chịu trách nhiệm lớn. Nguyên tắc trách nhiệm hữu hạn được coi là nguyên tắc vàng trong thúc đẩy đầu tư, bất kể người kinh doanh thất bại ở mức độ nào cũng chỉ phải chịu trách nhiệm giới hạn ở số tiền mà cổ đông đóng góp vào công ty, kể cả trường hợp bị phá sản. Do đó, nhà đầu tư khai báo số vốn chủ sở hữu quá lớn là một điều bất thường và sẽ bị đưa vào diện theo dõi ngay trên hệ thống quản lý ÐKKD. Ðáng chú ý, không chỉ có cơ quan quản lý thực hiện theo dõi mà cả xã hội đều có thể tham gia giám sát, phát hiện những DN bất thường ngay từ khi ÐKKD cho nên DN muốn làm gì phi pháp cũng không được. Nếu không góp đủ số vốn cam kết, DN phải đăng ký điều chỉnh giảm vốn điều lệ. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng; rút chứng nhận ÐKKD, thậm chí chuyển cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu lừa đảo… "Trước đây, trong hoạt động DN rộ lên hiện tượng thành lập DN "ma" để mua bán hóa đơn, gian lận thuế nhưng từ khi có quy định DN tự in hóa đơn, hiện tượng này đã chấm dứt. Ðây là cả một quá trình điều chỉnh nhằm thực hiện cải cách thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh nhưng vẫn bảo đảm năng lực giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Tôi cho rằng, Luật DN 2014 đã có đủ công cụ xử lý các vấn đề này, không có lỗ hổng để dung dưỡng các hành vi gian lận, vi phạm pháp luật", ông Nguyễn Ðình Cung nói.

Chuẩn hóa dữ liệu về DN

Thứ trưởng KH và ÐT, Trần Quốc Phương cho biết, về mặt thủ tục, hồ sơ ÐKKD của Công ty USC Interco hoàn toàn đúng quy định của pháp luật, cho nên không thể không cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN. Tuy nhiên, qua vụ việc này cũng cho thấy cần thiết phải phối hợp chặt chẽ công tác hậu kiểm, tránh trường hợp nhà đầu tư có thể do vô tình hoặc cố ý thực hiện chưa đúng quy định, ảnh hưởng đến việc theo dõi ÐKKD. Ðồng thời, tăng cường công tác giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức của người dân và DN khi ÐKKD; tăng cường công tác hướng dẫn của đơn vị ÐKKD. Vụ trưởng Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) Phạm Ðình Thúy cho biết: Trước sự bất thường của DN có vốn đăng ký tới 144 nghìn tỷ đồng, trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1-2020, cơ quan này vẫn thống kê đầy đủ các thông tin về thành lập DN. Tuy nhiên, cơ quan thống kê đã lưu ý, nếu không tính DN "siêu khủng" USC Interco, tổng số vốn đăng ký thành lập mới trong tháng 1-2020 chỉ có 123.200 tỷ đồng. "Ðây là bài học cho công tác quản lý ÐKKD theo hậu kiểm. Tình trạng khai báo không trung thực, thậm chí gian lận diễn ra ở tất cả các loại hình DN, ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề và địa bàn kinh doanh. Do đó, việc tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phải đi kèm với tăng cường hậu kiểm và xử lý thật nặng đối với hành vi gian lận", ông Phạm Ðình Thúy nói.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019, cả nước có khoảng 46.850 DN vẫn tồn tại trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia nhưng không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, cơ quan thuế không tìm thấy và không liên lạc được, tăng tới 43,4% so với năm 2018. Những DN này có thể đang hoạt động, đã chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan nhà nước hoặc đã ngừng hoạt động nhưng không đăng ký. Trong số liệu thống kê hằng tháng, Cục Quản lý ÐKKD đều cập nhật, chuẩn hóa số liệu để loại bỏ các DN "ma" ra khỏi hệ thống dữ liệu DN quốc gia. Mỗi năm, qua rà soát vẫn còn một số lượng lớn DN không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, cho thấy ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận DN chưa cao; hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập vẫn còn hạn chế. Hiện nay, tình trạng DN không hoạt động tại địa chỉ đăng ký xuất hiện nhiều ở các tỉnh, thành phố lớn hoặc có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Ðồng Nai,... Việc này dẫn đến một số hệ lụy như: DN bỏ trốn, mất tích, gây phương hại đến quyền lợi của người lao động; DN hoạt động phi chính thức dẫn đến thất thu thuế của Nhà nước; cạnh tranh bất bình đẳng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh,…