Lô vải thiều xuất sang Nhật Bản bằng đường biển đã cập bến

NDO -

Mặc dù bị chậm so với kế hoạch ban đầu gần mười ngày, lô vải thiều tươi Việt Nam đầu tiên xuất sang Nhật Bản bằng đường biển đã chính thức cập bến và vẫn giữ được mẫu mã tốt. 

Vải thiều Việt Nam trên kệ hàng siêu thị Nhật Bản.
Vải thiều Việt Nam trên kệ hàng siêu thị Nhật Bản.

Vải vẫn giữ được mẫu mã tốt sau 16 ngày vận chuyển

Container vải thiều tươi đi bằng đường biển lần này có trọng lượng bốn tấn, do Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam làm quy trình, thủ tục xuất khẩu từ ngày 18-6, xuất phát từ cảng Hải Phòng ngày 22-6.

Theo kế hoạch, tàu sẽ cập cảng Nhật Bản trong vòng bảy ngày, tuy nhiên vì lý do khách quan nên sáng 4-7 tàu mới tới nơi.

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho biết container vải thiều Việt Nam đầu tiên xuất khẩu vào Nhật Bản bằng đường biển đã hoàn tất thủ tục thông quan. Vải thiều được kiểm tra vẫn đạt tiêu chuẩn, giữ được màu sắc tươi ngon.

Cũng theo ông Hiếu, lô hàng vải thiều xuất khẩu Nhật Bản bằng đường biển gồm hai container thì hiện tại đã có một container được thông quan, mở hàng thành công. Container còn lại với khoảng gần bốn tấn đang chờ hoàn tất các thủ tục thông quan để doanh nghiệp đưa hàng vào thị trường tiêu thụ.

Theo kế hoạch ban đầu, lô hàng đầu tiên xuất khẩu theo đường biển chỉ có bảy ngày đi biển và hai ngày vận chuyển lưu kho; nhưng thực tế, chuyến hàng đã bị trễ thành 16 ngày.

“Chúng tôi rất nín thở, hồi hộp chờ đợi tín hiệu từ chuyến hàng này và quả vải sau 16 ngày màu sắc vẫn giữ được độ tươi ngon là thành công lớn, mở ra hướng xuất khẩu vải thiều tươi với số lượng lớn từ Việt Nam đi Nhật Bản trong những mùa tới”, ông Hiếu chia sẻ

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, giá cước vận chuyển vải thiều từ Việt Nam đi Nhật Bản theo đường hàng không hiện nay lên tới hơn 3 USD/kg, nhưng nếu đi đường biển thì giá thành chỉ vào khoảng 0,02 USD/kg.

Vải có thể tươi được ba tuần khi xử lý bằng hệ thống Methyl Bromide

Ông Nguyễn Mạnh Hiểu, Trưởng bộ môn Nghiên cứu bảo quản nông sản thực phẩm (Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch), cho biết: Từ thành quả các công trình nghiên cứu khoa học, trong hơn bảy năm nay, các nhà khoa học tại viện này đã nghiên cứu thành công chế phẩm hữu cơ sử dụng trong quy trình xử lý vải đi Mỹ, Australia, châu Âu, Singapore, Trung Quốc và bảo quản được 30 ngày.

Nhưng đối với thị trường Nhật Bản, họ yêu cầu xử lý quả vải bằng hệ thống khử khuẩn Methyl Bromide để diệt mầm bệnh, côn trùng theo yêu cầu kiểm dịch của Nhật Bản nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng quả vải.

Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật chế tạo thành công hệ thống xử lý Methyl Bromide kết hợp với điều chỉnh chế phẩm hữu cơ phù hợp với quy trình này có thể kéo dài thời gian bảo quản vải thiều trong ba tuần.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, ngay trong sáng 4-7, toàn bộ các shop và siêu thị của Nhật Bản đã lấy toàn bộ lô hàng bốn tấn vải thiều tươi của Việt Nam về để bán. Như vậy, đến nay Việt Nam đã xuất thành công sang Nhật Bản khoảng 50 tấn vải thiều từ hai vùng trồng vải chính là Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang).

Năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu sang Nhật Bản từ 80-100 tấn vải thiều, qua đó tạo tiền đề và bước đệm quan trọng cho vụ vải thiều năm 2021.

Trước đó, lô vải thiều tươi đầu tiên xuất khẩu bằng đường hàng không sang thị trường Nhật Bản đã tới Nhật Bản vào ngày 20-6 và bán hết ngay trong ngày 21-6, được người tiêu dùng và đối tác Nhật Bản đánh giá rất cao.

Ngoài việc đủ tiêu chuẩn, quy trình, công nghệ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, quả vải thiều của Việt Nam năm 2020 cũng được rất nhiều thị trường cao cấp khác như Singapore, Mỹ, Australia, EU,… nhập khẩu.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu thành công quả vải thiều sang Nhật Bản trong bối cảnh vô cùng khó khăn do dịch Covid-19  được coi là thành công lớn của mùa vải năm 2020; khi đến thời điểm hiện tại, cơ bản lượng vải thiều của hai vùng vải lớn là Bắc Giang và Hải Dương đã được tiêu thụ, chưa có hiện tượng thừa ế, ùn ứ như lo ngại lúc ban đầu.