Chính sách & cuộc sống

Lao động nữ và Hiệp định EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Theo tính toán của các cơ quan chức năng, EVFTA sẽ tạo ra khoảng 150 nghìn việc làm ở nước ta mỗi năm, tập trung vào các ngành dệt may, da giày, nội thất, thủ công mỹ nghệ... Đây là những ngành thị trường lao động Việt Nam có thế mạnh. 

Hiện nay, Liên hiệp châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15 nghìn tỷ USD, chiếm 22% GDP toàn cầu. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá trị lao động nữ (LĐN) tại Việt Nam vốn dĩ được đánh giá là chủ lực trong các ngành nghề đòi hỏi sự khéo léo thì nay lại càng nâng tầm khi EVFTA được thông qua. Các ngành hàng may mặc, thủy sản, thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vốn đang được ưa chuộng tại thị trường EU sẽ càng có lợi thế hơn. Điều này có nghĩa LĐN sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn. EVFTA đòi hỏi nhiều điều kiện phụ về yêu cầu chỉ số con người. Theo đó, chỉ số hạnh phúc của lao động sẽ là vấn đề tiên quyết xác định sự tồn tại mà doanh nghiệp (DN) hướng đến ở sân chơi lớn như EVFTA. Không chỉ tạo việc làm cho người lao động (NLĐ), các DN phải chuẩn bị tâm thế sòng phẳng, minh bạch hơn trong cách ứng xử với NLĐ. Nếu DN o ép NLĐ, không có những chính sách tốt đối với NLĐ, ép LĐN làm việc tăng ca quá giờ, thu nhập không tương xứng với sức lao động bỏ ra, đồng nghĩa với việc giảm mức độ hài lòng của NLĐ đối với công việc. Bên cạnh đó, LĐN không được đào tạo nghề và tái đào tạo nhằm phục vụ công việc, dễ dẫn đến tạo áp lực trong môi trường làm việc, sẽ là một điểm vi phạm các thỏa thuận của EVFTA đã được ký. Nếu NLĐ phản ánh điều này và được EVFTA ghi nhận, thì hệ quả sẽ là việc giảm hoặc cắt mức hỗ trợ thuế đối với hàng nhập từ Việt Nam.   
 
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề đào tạo lao động là cốt lõi trong thực hiện các hợp đồng, hiệp ước thương mại tự do. EVFTA cũng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đòi hỏi trình độ lao động rất cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất các mặt hàng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, miễn trừ, giảm thuế trong tương lai. Thực tế cho thấy, với trình độ lao động thấp ở Việt Nam hiện nay, nhiều mặt hàng “made in Việt Nam” không đủ tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn của EVFTA để có thể tận dụng các lợi thế của hiệp định.

Một bộ phận lớn NLĐ đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (trong đó LĐN chiếm 65 - 80%) chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp. NLĐ chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, không có khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm làm việc, dẫn tới ý thức kỷ luật lao động kém, ý thức trách nhiệm xã hội chưa cao. Theo một nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), phụ nữ ít có cơ hội tham gia thị trường lao động và có nhiều nguy cơ thất nghiệp hơn nam giới ở hầu khắp mọi nơi trên thế giới. Trong khi đó, tại Việt Nam, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của cả nước mới đạt hơn 23%. Đây là rào cản lớn đối với lao động Việt Nam khi EVFTA đòi hỏi các tiêu chuẩn sản phẩm phải được nâng lên một tầm cao mới. Do vậy, không thể tránh khỏi thực trạng, một bộ phận NLĐ dễ bị máy móc thay thế.

Để giúp NLĐ nói chung, LĐN nói riêng chủ động đón đầu cơ hội việc làm khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giải pháp bền vững hơn đang được các cơ quan chức năng triển khai là đổi mới, nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo nghề. NLĐ cần phải được đào tạo và tái đào tạo liên tục nhằm đáp ứng quá trình gia nhập EVFTA. Hiện nay, nước ta đang có khoảng 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp làm công tác tuyển sinh, đào tạo nghề cho khoảng hai triệu lượt người. Đây là cơ sở góp phần bổ sung lực lượng lớn lao động qua đào tạo. Tuy nhiên, thực tế, các trường nghề đào tạo công nhân chỉ ở mức tay nghề thấp, chưa có nhiều cơ sở dạy nghề cung cấp công nhân lành nghề thuộc hạng cao cấp. Do vậy, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý... cần phải cùng nhau bàn thảo, nhìn nhận những ngành nghề có thể đáp ứng nhu cầu lao động tức thời và những ngành nào đòi hỏi nhu cầu bậc cao nhằm đưa ra một lộ trình hợp lý. Cơ quan quản lý tại Việt Nam như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam cần phải có các kế hoạch chủ động để hướng dẫn DN bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, nhất là LĐN. Mặt khác, NLĐ cần nhận thức rõ những thuận lợi và nguy cơ của chính mình để nỗ lực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, trang bị các kỹ năng mềm, nhằm chủ động thích ứng với thay đổi không ngừng của thị trường lao động…