Khai thác hiệu quả kinh tế vùng ven biển

(Tiếp theo và hết)(*)

Công nhân Công ty TNHH Khánh Sủng (huyện Trần Ðề, tỉnh Sóc Trăng) thu hoạch tôm nuôi công nghệ cao. Ảnh: QUANG HIẾU
Công nhân Công ty TNHH Khánh Sủng (huyện Trần Ðề, tỉnh Sóc Trăng) thu hoạch tôm nuôi công nghệ cao. Ảnh: QUANG HIẾU

BÀI 2: Phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản ven biển

Mặc dù nghề nuôi trồng thủy sản ven biển tại các địa phương đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, góp phần tăng thu nhập cho nông dân và thay đổi bộ mặt nông thôn, nhưng để nghề này phát triển bền vững, các địa phương phải giải quyết rất nhiều thách thức trong vấn đề quản lý quy hoạch, xử lý ô nhiễm môi trường, cung ứng nguồn giống và nâng cao năng lực chế biến sản phẩm.

Quản lý quy hoạch vùng nuôi

Nghề nuôi tôm ở Bến Tre đã có bước phát triển vượt bậc giúp phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với các xã ven biển. Tuy nhiên, việc quy hoạch, quản lý quy hoạch trong nuôi, trồng thủy sản đang là vấn đề cấp thiết. Tình trạng nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch mang đến nhiều hệ lụy như: phá vỡ quy hoạch, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh phát sinh, ảnh hưởng đến vùng ngọt hóa đang trồng cây ăn trái do nước mặn từ nuôi tôm thải ra...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết: Toàn tỉnh có khoảng 650 ha nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch với 2.377 hộ nuôi, tập trung ở các huyện Ba Tri, Bình Ðại và Thạnh Phú. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tổ chức nhiều mô hình chuyển đổi như nuôi tôm càng xanh toàn đực, lươn, cá chạch lấu... nhưng chưa được các hộ dân hưởng ứng do thời gian nuôi kéo dài, giá bán không ổn định, đầu ra tiêu thụ khó khăn. Việc quản lý nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch gặp nhiều khó khăn do các văn bản quản lý còn chồng chéo, chưa thống nhất giữa các bộ, ngành hoặc việc xử phạt chưa đủ mạnh, tính răn đe không cao.

Mâu thuẫn giữa người nuôi tôm và người trồng dừa, cỏ trong vùng ngọt hóa diễn ra trong nhiều năm có thể phát sinh thành điểm nóng. Gia đình bà Nguyễn Thị Gái, ngụ ấp Giồng Ao (xã An Hiệp, huyện Ba Tri) cho biết: "Mấy năm qua, gia đình đã chuyển đổi năm công đất từ trồng lúa sang trồng cỏ để nuôi bò và trồng dừa. Tuy nhiên, một số hộ chung quanh khoan giếng lấy nước mặn rồi đào ao nuôi tôm khiến nhiều hộ dân rất bức xúc. Khi người nuôi tôm xả nước mặn ra kênh thì những hộ chung quanh không thể sử dụng nước phục vụ sinh hoạt và ảnh hưởng lớn đến đồng cỏ, vườn dừa của người dân".

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương cho biết, hiện toàn huyện có khoảng 44,46 ha diện tích nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch với 280 hộ nuôi; trong đó, tập trung tại các xã Tân Xuân, An Hiệp, An Ðức, An Ngãi Tây, An Bình Tây. Theo thống kê, huyện có 531 giếng để phục vụ nuôi tôm (421 giếng trong vùng quy hoạch và 110 giếng của các hộ nuôi tôm trong vùng ngọt hóa). Thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan trám lấp 290 giếng, gồm 110 giếng trong vùng ngọt hóa, 180 giếng trong vùng nước mặn có quy hoạch nuôi tôm biển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho rằng: Ðể ngăn chặn tình trạng nuôi tôm ngoài quy hoạch, cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân ở các địa phương thực hiện nghiêm quy hoạch nuôi tôm biển. Ðồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để hạn chế việc nuôi tôm ngoài quy hoạch.

Huyện Tân Phú Ðông (Tiền Giang) hiện có hơn 1.000 hộ nuôi tôm công nghiệp và một số hộ nuôi tôm công nghệ cao. Tuy nhiên, diện tích nuôi tôm công nghiệp vẫn ít so với tổng diện tích nuôi tôm của toàn huyện, cho nên diện tích nuôi tôm quảng canh truyền thống vẫn chiếm ưu thế. Dù biết hiệu quả từ nuôi tôm công nghiệp cao hơn rất nhiều so với cách nuôi cũ, nhưng việc mở rộng diện tích này vẫn gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu tư nuôi tôm công nghiệp rất lớn.

Những năm gần đây, nghề nuôi tôm nước lợ tại Long An gặp nhiều khó khăn như ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, thời tiết diễn biến bất thường,... Người nuôi chưa làm vệ sinh, xử lý ao, đầm đúng yêu cầu kỹ thuật; tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh còn xảy ra, chưa thể kiểm soát được. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An Phạm Phú Hùng cho biết: Ðể giúp người dân bốn huyện ven biển của tỉnh phát triển nghề nuôi tôm nước lợ bền vững, ổn định cuộc sống, Nhà nước cần hỗ trợ chính sách vốn ưu đãi cho bà con tái đầu tư sản xuất, đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tôm nước lợ, quy hoạch tổng thể vùng nuôi và đánh giá tổng thể tác động môi trường nuôi, nguồn nước mặt trên sông và các cửa sông. Hiện tại, người nuôi tôm nước lợ ở bốn huyện ven biển của Long An rất lo ngại nguồn nước mặt ô nhiễm cho nên hầu hết sử dụng nguồn nước ngầm để nuôi. Ngoài ra, bà con tận dụng nước bằng cách tái sử dụng nguồn nước trong ao nuôi chưa bị nhiễm bệnh.

Theo kỹ sư Nguyễn Hải Ðăng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại La San, để giúp người dân vùng ven biển phát triển ổn định nghề nuôi tôm nước lợ thì ngành nông nghiệp các địa phương cần phải phân loại nhóm nông dân nuôi tôm vùng ven biển theo ba tiêu chí: Thứ nhất là nhóm nông dân có trình độ khoa học kỹ thuật; thứ hai là nông dân có diện tích đất lớn; thứ ba là nông dân có vốn đầu tư. Trên cơ sở phân loại này sẽ áp dụng chính sách cho từng nhóm nông dân trong việc đầu tư phát triển. Còn cách đầu tư dàn trải như từ trước đến nay không đạt kết quả cao mà còn gây lãng phí nguồn vốn đầu tư.

Khai thác hiệu quả kinh tế vùng ven biển ảnh 1

Nông dân huyện Cần Ðước, tỉnh Long An thu hoạch tôm (ảnh nhỏ).

Chủ động giống và chế biến thủy sản

Nghề nuôi tôm biển tại tỉnh Bến Tre phát triển hơn 20 năm với sản lượng rất lớn, nhưng nghịch lý là cả đầu vào và đầu ra đều chưa đáp ứng nhu cầu. Cả tỉnh chỉ có 44 cơ sở sản xuất giống tôm biển với quy mô nhỏ, chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu nuôi. Người nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng chủ yếu mua tôm giống từ các tỉnh trong khu vực và miền trung...

Ông Lê Hoàng Dũng, ngụ xã Bình Thới (huyện Bình Ðại, tỉnh Bến Tre) nhận định: "Hiện nay có hàng trăm loại tôm giống khác nhau được quảng cáo rầm rộ với nhiều khuyến mãi tặng thêm 50% thậm chí 100% con giống để người dân lựa chọn. Tuy nhiên, các cơ sở bán tôm giống đều ở ngoài tỉnh, không kiểm soát được chất lượng, khi phát sinh dịch bệnh thì người nuôi tôm thiệt thòi nhất. Một số hộ nuôi mua tôm giống ở các công ty lớn, uy tín lâu năm nhưng do cơ sở nuôi giống ở tận miền trung dẫn đến tốn nhiều chi phí vận chuyển, giá tôm giống cao".

Tương tự, người nuôi tôm ở Tiền Giang cũng hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn tôm giống ở ngoài tỉnh, khó kiểm soát được dịch bệnh và chất lượng cho nên chưa tạo sự yên tâm cho người nuôi. Ngoài ra, mục tiêu tự sản xuất được nghêu giống tại chỗ của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Cho đến nay, nguồn giống nghêu tự nhiên tại các huyện Tân Phú Ðông và Gò Công Ðông ngày càng ít, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thả nuôi, buộc phải nhập thêm từ Bến Tre, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau. Trong khi đó, dự án sản xuất nghêu giống của ngành nông nghiệp tỉnh đã chuyển giao kỹ thuật cho nhiều cơ sở tại huyện Gò Công Ðông, nhưng các cơ sở này hiện không duy trì được hoạt động do giá thành nghêu giống ở đây cao hơn so với nghêu giống tự nhiên. Vùng nuôi nghêu của Tiền Giang đang bị đe dọa ô nhiễm từ các khu công nghiệp.

Sản xuất con giống đã yếu kém, việc chế biến tôm tại Bến Tre lại chưa phát triển. Toàn tỉnh có 13 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu với công suất thiết kế 150.000 tấn/năm nhưng chủ yếu là sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cá tra, nghêu mà chưa có nhà máy chế biến tôm. Gần như sản lượng tôm thu hoạch phải chở sang Sóc Trăng, Trà Vinh hay Bạc Liêu để chế biến. Người nuôi tôm chủ yếu bán cho thương lái rồi vận chuyển đến các nhà máy trong khu vực để tiêu thụ hoặc bán ra chợ nội địa, do đó giá tôm nguyên liệu thấp hơn một số vùng khác.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành thủy sản như sản xuất con giống, thức ăn và chế biến tôm. Hiện tại con tôm là một trong tám sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh đang được ngành nông nghiệp tập trung xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, bắt đầu từ quy hoạch vùng nuôi, xây dựng hệ thống thủy lợi, phát triển sản xuất con giống, thức ăn, chế biến giúp hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm để ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 24-6-2019.