Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

NDO -

NDĐT - Sáng 28-5, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp Sở Công thương Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội tổ chức “Hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020”.

Hội nghị kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020, sáng 28-5, tại Hà Nội.
Hội nghị kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020, sáng 28-5, tại Hà Nội.

Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp công nghiệp chủ lực, sản xuất hàng tiêu dùng, vườn ươm, khởi nghiệp sáng tạo, thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm, du lịch, bảo hiểm, ngân hàng, doanh nghiệp của các hội, hiệp hội, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội.

Tác động của đại dịch Covid-19 đang có ảnh hưởng ngày càng sâu rộng tới toàn nên kinh tế thế giới, gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trong đó có Việt Nam. Nguồn nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ, xuất khẩu của các doanh nghiệp bị hạn chế, đặc biệt tại các thị trường lớn đã làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng công nghiệp, thương mại, du lịch của TP Hà Nội và cả nước. Trong tháng 4-2020, thị trường hàng hóa xuất khẩu với các nước đối tác lớn của Việt Nam đều bị sụt giảm so với tháng trước.

Trong bối cảnh đó, “Hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020” là một trong những hoạt động nhằm khôi phục phát triển kinh tế trong gian đoạn bình thường mới của Bộ Công thương và TP Hà Nội, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng nội địa. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, các địa phương và các cơ quan, tổ chức xúc tiên thương mại của nước ngoài tại Việt Nam gặp gỡ, kết nối tiêu thụ hàng Việt trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đều gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Thị trường xuất khẩu bị cắt giảm, những đơn hàng cũ, đơn hàng mới đều bị chấm dứt, thị trường nội địa cũng bị sụt giảm hơn 90%. Hiện nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt hơn, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường. Để thúc đẩy các hoạt động về thương mại nội khối, xúc tiến các hoạt động và kêu gọi đầu tư mới đầu tư vào Việt Nam thì việc tổ chức kết nối các hoạt động giao thương giải quyết doanh thu, hàng tồn kho cho các doanh nghiệp từ quý 1 năm 2020 là việc rất cần thiết.

Theo ông Anh, để vượt qua được những khó khăn trong giai đoạn hiện nay thì bản thân các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam phải có sản phẩm tốt có giá cả cạnh tranh, dịch vụ sau bán hàng tốt hơn… Để đưa vào các hệ thống phân phối một cách bài bản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ và đồng hành để các chính sách hỗ trợ kịp thời đến với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, dịch bệnh Covid-19 kéo dài nhiều tháng qua và vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia mà Việt Nam đang xuất khẩu lượng hàng hóa lớn, trong lúc này, thị trường nội địa là nơi có thể giúp doanh nghiệp đứng vững trong khó khăn. Vì vậy, thời điểm này rất cần tạo ra mối kiến liên kết giữa các doanh nghiệp, các địa phương để giúp nhau tiêu thụ sản phẩm.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp còn được nghe một số tổ chức quốc tế định hướng, hỗ trợ thông tin thị trường mới, thị trường có khả năng giúp doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ…