Hướng đi mới từ trồng rừng gỗ lớn

Nhằm nâng cao giá trị kinh tế của rừng trồng, chống biến đổi khí hậu và giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, ba năm gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đã vận động, khuyến khích người dân chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Cách làm này bước đầu tạo được chuyển biến trong sản xuất nghề rừng, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Khu rừng trồng cây huỵnh của người dân xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch.
Khu rừng trồng cây huỵnh của người dân xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch.

Trước khi Quảng Bình có chủ trương chuyển đổi việc trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, nhiều người dân trong tỉnh đã mạnh dạn trồng rừng bằng các loại cây gỗ bản địa mang lại hiệu quả cao. Ông Ðinh Xuân Niệm ở xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa có khu rừng diện tích hơn 5 ha, trồng hơn 2.000 cây lim, 500 cây sưa, 500 cây vàng tim và 5.000 cây dó trầm cùng nhiều cây gỗ quý hiếm khác. Riêng gỗ lim, hiện ông Niệm là người duy nhất ở Quảng Bình sở hữu một cánh rừng lim rộng lớn. Ba năm nay, gia đình ông có thêm nguồn thu từ việc thu sản phẩm phụ của khu rừng, trong đó có nấm lim - sản phẩm dược liệu quý hiếm - mang lại hàng chục triệu đồng mỗi năm. Cũng như ông Niệm, hơn 20 năm trước, ông Ngô Văn Lý ở xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch lên đồi hoang phát cây dại, trồng rừng bằng giống cây dẻ và huỵnh. Năm tháng đi qua, rừng dẻ của ông thành khu rừng sinh thái mang lại giá trị rất lớn bên tuyến đường Hồ Chí Minh. Anh Ngô Thế Anh, con trai ông Lý cho biết, bây giờ nhiều người đến mua gỗ huỵnh trong khu rừng của gia đình để về làm nhà hoặc đóng tàu thuyền. Hiện nay, mỗi năm gia đình anh xuất khoảng 100 nghìn cây giống huỵnh và sưa giống cho người trồng rừng ở các tỉnh.

Ông Nguyễn Anh Ðức ở xã Văn Thủy, huyện Lệ Thủy là một trong những người đến với nghề trồng rừng sớm nhất và có diện tích rừng lớn nhất. Thế nhưng gần đây, ông đã có suy nghĩ khác khi đánh giá lại hiệu quả của nghề rừng. Ông Ðức cho rằng, ở miền tây Lệ Thủy, do gỗ rừng trồng đường kính còn nhỏ chỉ có thể bán để làm dăm gỗ cho nên giá trị khoảng 45 đến 50 triệu đồng/ha.

Mức thu nhập này chỉ mới giúp người dân sống được với nghề trồng rừng chứ chưa thể làm giàu. Vì vậy, phải tìm cách nâng giá trị cây rừng để tương xứng với công sức, vốn đầu tư và tiềm năng của vùng đất. "Ðược cán bộ kiểm lâm tuyên truyền về trồng rừng gỗ lớn và từ kinh nghiệm trồng rừng của mình, tôi quyết định sẽ kéo dài thời gian khai thác để đường kính cây lớn hơn, bán giá cao hơn" - ông Ðức nói. Không chỉ ông Ðức mà nhiều người trồng rừng ở Lệ Thủy đều có chung nhận xét, trồng rừng mà thu hoạch sớm theo kiểu "ăn non" thì mới mang lại nguồn thu trước mắt chứ chưa tính đến lợi ích lâu dài. Ðó là chưa nói tới việc nhiều doanh nghiệp thu mua thường xuyên ép giá người trồng rừng với lý do giá gỗ dăm xuống thấp.

Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây. Riêng với loại cây trồng phổ biến là keo lai, đến năm thứ 5, do vẫn còn là rừng trồng gỗ nhỏ cho nên giá trị đạt khoảng 40 triệu đồng/ha. Thế nhưng, khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây sau 10 năm trồng mới khai thác, thì bán theo giá gỗ nguyên liệu, gỗ chế biến với giá trị từ 150 đến 180 triệu đồng/ha. Ðối với rừng trồng gỗ lớn là các loài giống cây rừng bản địa, như: lim, dổi, sưa, dó trầm... hiệu quả mang lại còn cao hơn nhiều.

Từ năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình khuyến khích, vận động người dân chuyển sang trồng rừng gỗ lớn. Các địa phương trong tỉnh đã có chính sách hỗ trợ người dân thực hiện việc chuyển đổi này, trong đó, huyện Minh Hóa là địa phương đi đầu trong xu hướng mới. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa Ðinh Gia Tuyết cho biết, từ năm 2018 đến nay, huyện Minh Hóa hỗ trợ gần hai tỷ đồng cho người dân mua gần 500 nghìn cây keo lai nuôi cấy mô. Nhờ vậy, toàn huyện đã trồng được hơn 200 ha rừng gỗ lớn bằng giống cây keo mới và 16 ha rừng là các giống cây bản địa. Ngoài ra, huyện Minh Hóa chọn hai xã Hồng Hóa và Hóa Hợp để thực hiện mô hình điểm của dự án "Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh tại các tỉnh miền bắc và miền trung" với diện tích 27 ha bằng giống keo nuôi cấy mô. Ông Ðinh Minh Việm ở thôn Văn Hóa 1, xã Hồng Hóa là một trong 20 hộ thực hiện mô hình chia sẻ, ban đầu cũng còn ngại tham gia dự án bởi chu kỳ trồng rừng gỗ lớn kéo dài hơn 10 năm, gấp hai lần chu kỳ trồng rừng gỗ nhỏ, nhưng được sự hướng dẫn, giải thích về hiệu quả của rừng trồng gỗ lớn cho nên gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cách trồng rừng. Mới hơn một năm trồng và chăm sóc nhưng cây phát triển nhanh, có thể thành rừng gỗ lớn, dưới tán rừng gia đình còn chăn nuôi gia cầm để lấy ngắn nuôi dài.

Chi cục trưởng Kiểm lâm Quảng Bình Phạm Hồng Thái cho biết, địa phương có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế rừng, nhưng hiện nay, việc trồng rừng phần lớn là rừng gỗ nhỏ. Ðể nâng cao giá trị của rừng, tăng thu nhập cho người dân, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp các ngành, địa phương chuyển đổi cơ cấu sản phẩm gỗ rừng trồng từ thu hoạch gỗ non để làm gỗ dăm xuất khẩu sang khai thác gỗ lớn phục vụ chế biến tinh, sâu. Hiện các địa phương, đơn vị trong tỉnh đang thực hiện kế hoạch phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn giai đoạn 2016 - 2020 với diện tích 2.000 ha. Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh chuyển hóa rừng trồng cây mọc nhanh cung cấp nguyên liệu gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn; áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Ðồng thời cải tạo rừng tự nhiên là rừng sản xuất nghèo kiệt theo hướng đưa các loại cây mọc nhanh như giống keo nuôi cấy mô và cây bản địa sinh trưởng nhanh (huỵnh, lát hoa) vào trồng.

Theo đồng chí Phạm Hồng Thái, trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chí của Hội đồng quản trị rừng thế giới (chứng chỉ FSC) không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn có lợi ích to lớn về môi trường, hạn chế thiệt hại do gió bão gây ra. Vì thế, cùng với việc vận động, khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn một cách bài bản thì các địa phương trong tỉnh cần thực hiện hiệu quả các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp như: hỗ trợ đầu tư và tín dụng để khuyến khích các thành phần kinh tế trồng rừng gỗ lớn, đầu tư các cơ sở chế biến gỗ...; hỗ trợ để cấp chứng chỉ rừng bền vững đối với rừng gỗ lớn. Ðồng thời, cần tranh thủ sự giúp đỡ về tài chính, kỹ thuật của các dự án lâm nghiệp để xây dựng các mô hình quản lý rừng trồng bền vững đối với tổ chức, cá nhân nhằm tăng giá trị gỗ rừng trồng, góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân sống bằng nghề rừng.