Hơn 817 nghìn cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn

Ngày 23-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hội nghị “Sơ kết hai năm thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn”.

Tính đến năm 2020, tổng số các cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn của cả nước là hơn 817 nghìn; tăng 119 nghìn cơ sở so với năm 2017 (thời điểm trước khi có Nghị định số 52/2018/NĐ-CP). Tổng số lao động trong lĩnh vực này hơn 2,3 triệu lao động, tăng 300 nghìn so với năm 2017 (tăng 15%). Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề nông thôn hiện nay đạt 236.200 tỷ đồng, tăng 40 nghìn tỷ đồng (20,5%) so với năm 2017; trong đó các nhóm ngành nghề sản xuất đồ gốm sứ, mây tre đan, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ, điêu khắc có giá trị cao nhất. 

Trong thời gian tới, Bộ NN và PTNT sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng ngành nghề nông thôn, làng nghề hiện nay để hoàn thiện xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2021 - 2025 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các địa phương cần rà soát đất đai, chuyển đổi cây trồng để phát triển các vùng nguyên liệu tập trung ổn định; cần ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề theo Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình xúc tiến thương mại - du lịch của các địa phương và Chương trình mỗi xã một sản phẩm; phát triển du lịch làng nghề…