Hàng không ồ ạt mở các đường bay “ngách”

NDO -

Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, các hãng hàng không trong nước đã ồ ạt mở nhiều đường bay “ngách” trong nội địa (nối các sân bay địa phương), nhằm kích cầu du lịch, tạo thuận lợi cho hành khách. Tuy nhiên, liệu các đường bay này có phải “liều thuốc” giúp hàng không duy trì “nhịp tim” hay sẽ khiến các hãng bị “đứt mạch”?

Các chuyến bay nội địa phục hồi tại Nhà ga T1 Nội Bài.
Các chuyến bay nội địa phục hồi tại Nhà ga T1 Nội Bài.

Dư địa còn nhiều

Cục trưởng Hàng không Việt Nam (HKVN) Đinh Việt Thắng cho biết, trong lĩnh vực hàng không, vận tải hàng không là lĩnh vực có mức độ rủi ro cao nhất, nhưng biên độ lợi nhuận thấp nhất. Dịch Covid-19 vừa qua đã đẩy nhiều hãng hàng không trên thế giới đến bước đường cùng, thậm chí có hãng tuổi đời hàng trăm năm cũng bị phá sản như Virgin Australia; Hãng hàng không Thái Lan Thai Airways, Avianca Holdings,...

Theo ông Thắng, khi Việt Nam bước đầu kiểm soát dịch, nới lỏng giãn cách xã hội, chỉ trong một thời gian ngắn, các hãng đã khôi phục nhanh chóng và đều triển khai rầm rộ dịch vụ của mình. So với các quốc gia khác, Việt Nam có khả năng phục hồi sớm hơn bởi lý do thị trường nước ta đang giai đoạn phát triển.

“Dư địa ngành hàng không của chúng ta còn rất nhiều. Nếu tính trung bình người Việt Nam mỗi năm đi hai lần bằng máy bay thì hàng không đã có thể đón lượng khách hơn 180 nghìn lượt. Nói như vậy để thấy dư địa thị trường hàng không Việt tiềm năng rất lớn,” ông Thắng nói.

Khi chưa có dịch, Cục HKVN dự báo thị trường hàng không tiếp tục tăng hai con số đến hết năm 2025. Sau khi xảy ra dịch Covid-19 và kiểm soát được dịch, dự đoán thị trường nội địa sẽ phục hồi khoảng giữa năm 2021, còn thị trường quốc tế sẽ vào tầm cuối 2021.

Theo phân tích của chuyên gia hàng không Trịnh Như Long, trước đây, xu thế chung của các hãng hàng không là khai các đường bay theo mô hình “Hub-and-spoke” (mô hình trục bánh xe - nan hoa). Theo đó, các chuyến bay trên máy bay nhỏ từ thành phố ít đi lại sẽ đưa hành hành khách đến “trục bánh xe” ở những thành phố lớn và vận chuyển họ tới điểm đến cuối cùng.

Đường bay của các hãng thường có điểm đi/đến là các sân bay chính như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc… Nhưng hiện nay, các hãng đã đẩy mạnh khai thác đường bay “ngách” thay vì tập trung vào trục chính hoặc ít nhất bay từ các điểm trên trục chính này đến các sân bay khác.

Thí dụ, để dễ hình dung, từ Thanh Hóa, hành khách muốn đi Buôn Ma Thuột sẽ phải di chuyển về Hub Hà Nội để đón chuyến bay đi Buôn Ma Thuột. Hoặc từ Đà Nẵng, Huế có thể đi Paris (Pháp) cũng phải qua Hub Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện đang có xu thế điểm đến điểm (Point to Point). Đây là mô hình phục vụ thị trường trực tiếp, giữa điểm và điểm, chọn những thị trường dung lượng lớn/hoặc thị trường ngách, thị trường hiệu quả để phục vụ.

“Xu thế này xuất hiện do việc phát triển du lịch mạnh mẽ và khách hàng muốn bay trực tiếp đến điểm du lịch, vừa thuận tiện, vừa giúp giảm chi phí. Sau dịch Covid-19, các hãng hàng không nội địa đang mở một loạt đường bay theo mô hình này”, ông Long nói và cho rằng, nếu kết quả khai thác thị trường ngách tốt, tỷ lệ sử dụng ghế cao. Về lâu dài, các hãng sẽ phải tính đến việc nghiên cứu lại chiến lược phát triển mạng cảng hàng không sân bay, chú trọng hơn nữa đến các sân bay địa phương.

Mũi tên trúng nhiều đích

Tính từ tháng 5 vừa qua, khi dịch Covid-19 được kiểm soát tại Việt Nam, đến nay, Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) đã mở tổng cộng 22 đường bay, tập trung kết nối các địa phương với những điểm du lịch nổi tiếng, nâng mạng bay nội địa của hãng lên 61 đường, với tần suất khai thác vào những ngày cao điểm lên tới gần 500 chuyến/ngày.

Trong số này, có nhiều đường bay của hãng nối các sân bay địa phương như Đà Lạt - Thanh Hóa, Cần Thơ - Đà Lạt, Hải Phòng - Cần Thơ, Vinh - Cần Thơ, Hải Phòng - Buôn Ma Thuột, Cần Thơ - Buôn Ma Thuột… Từ ngày mai 22-7, VNA tiếp tục mở thêm hai đường bay mới kết nối TP Hải Phòng - Điện Biên, Đà Lạt - Phú Quốc và mở lại hai đường bay Cần Thơ - Phú Quốc, Đà Nẵng - Vân Đồn.

Theo chuyên gia Trịnh Như Long, cả VNA, Bamboo Airways, Vietjet Air… đều tập trung mở những đường bay này. Điển hình như VNA, từ sân bay Cần Thơ, hãng mở mới tới năm đường bay đi Nha Trang, Hải Phòng, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột… Vietjet cũng mở rộng khai thác thị trường ngách, có những đường bay trước đây tưởng như không bao giờ các hãng “ngó ngàng” tới thì nay đã có, đường bay Buôn Ma Thuột - Cần Thơ là một điển hình.

Chị Nguyễn Hoàng Hoa (trú tại đường Hàng Kênh, TP Hải Phòng) cho hay, khi biết VASCO (đơn vị thuộc VNA) mở đường bay kết nối Hải Phòng - Điện Biên, chị rất thích. Gia đình có người nhà ở Điện Biên, bình thường chị phải đi ô-tô từ Hải Phòng lên sân bay rồi bay lên Điện Biên, hoặc phải đi ô-tô khách khá vất vả, bây giờ có chuyến bay thẳng nên giảm được một chặng ô-tô, đỡ mệt hẳn.

Tương tự, anh Nguyễn Trung Phong (TP Vinh) cho biết, giữa tháng 8 tới, nhà anh có kế hoạch đi du lịch miền Tây. Tuy nhiên, thay vì phải đặt vé đi TP Hồ Chí Minh rồi di chuyển bằng ô-tô xuống Cần Thơ, giờ đây anh có thể mua vé bay thẳng Vinh - Cần Thơ. “Gia đình tôi có con nhỏ nên bay thẳng rất tiện, đỡ tốn chi phí”, anh Phong nói.

Theo ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc VNA, các đường bay này trước mắt giúp giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó có việc tận dụng được đội bay dư thừa trong khi chưa mở trở lại đường bay quốc tế (khoảng 40% tàu bay VNA vẫn đang nằm sân).

“Việc mở các đường bay trên giúp VNA chi trả chi phí biến đổi (nhiên liệu bay, lương phi hành đoàn...) và giảm 500-600 tỷ đồng trong con số 2.100 tỷ đồng chi phí cố định mỗi tháng. Quan trọng hơn là mang lại dòng tiền cho doanh nghiệp. Với chức năng hãng hàng không quốc gia, những chặng bay này cũng thực hiện chủ trương kích cầu du lịch của Chính phủ”, ông Thành cho hay.

Trước đó, Hãng hàng không Vietjet Air cũng công bố cùng lúc mở tám đường bay mới nối Hà Nội với Đồng Hới (Quảng Bình), Hải Phòng với Quy Nhơn (Bình Định), Vinh - Phú Quốc và Đà Nẵng - Phú Quốc, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Vinh, Thanh Hóa,… nâng tổng số đường bay do Vietjet Air khai thác tại Việt Nam lên 53 đường bay, phủ khắp đất nước.

Nhiều hành khách cho rằng, việc các hãng hàng không mở các đường bay mới giữa các địa phương đã tạo cơ hội đi lại thuận tiện hơn, đỡ tốn chi phí so với trước kia phải đi về các sân bay lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mới có thể bay tới các tỉnh, thành khác.

Song song với việc tái khởi động mạng đường bay nội địa, Hãng hàng không Bamboo Airways cũng đang tích cực mở mới nhiều đường bay liên vùng phủ kín các thành phố, địa phương trong cả nước. Một số đường bay mới vừa được Bamboo Airways đưa vào khai thác như như Thanh Hóa - Phú Quốc giá từ 399 nghìn đồng, Thanh Hóa - Quy Nhơn giá từ 199 nghìn đồng; Đà Nẵng - Đà Lạt giá từ 99 nghìn đồng, Đà Nẵng - Cần Thơ, Đà Nẵng - Vinh giá từ 49 nghìn đồng; Hải Phòng - Đà Nẵng; Hải Phòng - Đà Lạt...

Trong tháng 8, Bamboo Airways thiết lập đường bay từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ tới Côn Đảo bằng dòng máy bay phản lực hiện đại hơn 100 chỗ ngồi, kỳ vọng sẽ mang lại thêm nhiều lựa chọn di chuyển cho hành khách đến Côn Đảo - địa phương đang ghi nhận nhu cầu du lịch ngày càng cao.

Ông Đặng Tất Thắng, Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho rằng, doanh thu đến từ thị trường nội địa hiện là nguồn thu chính của các hãng hàng không, đáp ứng yêu cầu về chi phí nhân công, chi phí hoạt động, thuê mua máy bay, các chi phí cố định khác… của hãng.

“Nhưng quan trọng hơn, với vai trò là lĩnh vực khơi thông, mở đường cho các lĩnh vực thương mại khác của nền kinh tế phục hồi, nguồn thu quý báu của hàng không là đòn bẩy cho đà phát triển trong thời gian tới của ngành, từ đó đóng góp vào nhiệm vụ phục hồi kinh tế nói chung của Chính phủ”, ông Thắng khẳng định.

Theo ông Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các đường bay nội địa được khai thác trở lại, thậm chí còn mở thêm rất nhiều đường bay mới. Điều này rất tốt cho Việt Nam, thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ là chống dịch thật nhanh để phục hồi kinh tế sớm.

“Việc được bay nội địa trở lại, hết giãn cách xã hội cũng đã giúp hàng không có thể duy trì được “mạch sống” của mình. Tuy nhiên, để có thể đạt đến điểm hòa vốn cũng còn rất nhiều vấn đề khó khăn”, ông Thiên phân tích.

Nhìn nhận bản thân các hãng hàng không đã có bài học cho riêng mình, trong đó quan trọng nhất là chi phí phòng ngừa rủi ro, ông Thiên quả quyết đây là thời điểm tái cơ cấu lại ngành hàng không, nhằm lựa chọn được thị trường trọng điểm, điểm đến trọng điểm, tìm ra phân khúc phù hợp…

Bên cạnh sự nỗ lực của các hãng hàng không, ông Thiên gợi ý, Nhà nước cần đưa ra những chính sách hợp lý để bảo đảm cung không vượt quá cầu, sự phát triển tổng thể của ngành hàng không phải phù hợp sự phát triển của cơ sở hạ tầng. Đồng thời, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng hàng không, không triệt tiêu nhau bằng việc đua nhau giảm giá dưới giá thành dẫn đến suy yếu doanh nghiệp.