Hải Dương khẩn trương khôi phục sản xuất

Ðợt dịch Covid-19 hồi tháng 3 đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương, nhất là việc tiêu thụ nông sản vụ đông. Tuy nhiên, do sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, đoàn thể cho nên thiệt hại đã giảm đáng kể. Hiện nay, Hải Dương đang tập trung các giải pháp nhằm vừa phòng dịch vừa bảo đảm tiến độ sản xuất.

Người dân TP Chí Linh làm đất gieo trồng vụ đông xuân.
Người dân TP Chí Linh làm đất gieo trồng vụ đông xuân.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Hải Dương Nguyễn Kim Hoàn cho biết, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 500 HTX, trong đó hơn 300 HTX là thành viên của Liên minh HTX tỉnh. Ðợt dịch Covid-19 vừa qua, một số HTX sản xuất rau, củ, quả và chăn nuôi bị ảnh hưởng do đúng thời điểm thu hoạch sản phẩm. Trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất là các HTX sản xuất rau, củ, quả ở các huyện Gia Lộc, Thanh Hà, Nam Sách, Cẩm Giàng. Ðể tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát động “giải cứu” nông sản cho nhân dân thông qua kết nối tiêu thụ vào những hệ thống siêu thị. Ðồng thời, tỉnh cũng phối hợp TP Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… mở nhiều điểm bán nông sản của tỉnh. Từ việc kích cầu đó đã giúp việc tiêu thụ nông sản cho nhân dân thuận lợi hơn. Hiện nay, UBND tỉnh Hải Dương đang chỉ đạo các địa phương vừa thực hiện các biện pháp phòng dịch vừa bảo đảm tiến độ sản xuất.

Dịch Covid-19 vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của TP Chí Linh, một lượng lớn rau, củ, quả, gia súc, gia cầm… của nông dân khó tiêu thụ. Theo dự kiến, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trên địa bàn có tổng đàn lợn xuất chuồng khoảng 2.000 con, gia cầm khoảng 350 nghìn con. Rất may trước Tết Nguyên đán, nhân dân đã tiêu thụ được khoảng 500 nghìn con gia cầm và 1.250 con lợn. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm nông nghiệp do ảnh hưởng của dịch không tiêu thụ được vẫn còn khá lớn. Các đơn vị trong và ngoài tỉnh đã tập trung thu mua và kết nối tiêu thụ được 3.200 tấn cà chua, 5.350 tấn cà-rốt, 1.440 tấn bắp cải, 2.377 tấn cá… Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh Nguyễn Văn Kiên cho biết, hiện nay, UBND thành phố đang chỉ đạo các địa phương vận động, hướng dẫn nhân dân bảo đảm tiến độ sản xuất sau dịch. Qua thống kê, đến nay người dân đã gieo trồng được 5.982 ha vụ đông xuân, trong đó diện tích lúa là 4.732 ha, rau màu 1.250 ha. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi cũng đang nỗ lực khôi phục sản xuất, tập trung tái đàn. Toàn thành phố có 900 hộ chăn nuôi lợn với hơn 14 nghìn con; số hộ chăn nuôi gia cầm là hơn 2.000 hộ với tổng đàn khoảng 2,9 triệu con; diện tích ao nuôi cá khoảng 900 ha với sản lượng khoảng 2.200 tấn.  Anh Hoàng Văn Ngọc, xã Hoàng Hoa Thám, TP Chí Linh cho biết, sau dịch Covid-19, gia đình anh đã tập trung tái đàn gia cầm. Từ đầu tháng 3, gia đình nuôi 2.000 con gà. Hiện nay, đàn gà đang phát triển tốt, mặc dù giá thức ăn đã tăng từ 40 đến 45 nghìn đồng/bao so với trước dịch nhưng giá bán gà thịt cũng tăng khoảng 10 nghìn đồng/kg cho nên người chăn nuôi vẫn có lãi.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân, vụ đông vừa qua, toàn tỉnh gieo trồng khoảng 30 nghìn ha (tính cả diện tích trồng gối vụ). Thời điểm cuối vụ thu hoạch, dịch bùng phát mạnh trên địa bàn đã gây khó khăn cho tiêu thụ sản phẩm. Có từ 5 đến 7% trong tổng số khoảng 200 ha cây vụ đông bị ảnh hưởng do tiêu thụ chậm, giá xuống thấp. Tuy nhiên, theo đánh giá, sản xuất cây vụ đông vừa qua vẫn thắng lợi do diện tích tăng, năng suất cao. Ðặc biệt, giá bán sản phẩm cây vụ đông thời điểm đầu vụ đạt cao như: su hào, bắp cải, cà-rốt từ bảy đến 10 nghìn đồng/kg, hành củ từ 15 đến 25 nghìn đồng/kg…, mức tăng trưởng vẫn đạt từ bảy đến 10% so với vụ đông trước.

Để khôi phục và bảo đảm tiến độ sản xuất sau dịch, hiện nay, tỉnh đã vận động, tuyên truyền nhân dân gieo trồng hết những diện tích đất trong khung thời vụ tốt nhất; tập trung sản xuất lúa, hoa màu vụ đông xuân; hướng dẫn và tạo điều kiện cho người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn, trong đó khuyến khích tái đàn ở những cơ sở chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với tình huống dịch xuất hiện phải cách ly nhằm bảo đảm sản xuất; chủ động đủ giống thủy sản nhằm cung cấp giống kịp thời cho vụ nuôi mới; thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa; thực hiện kịp thời, đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…