Khu đô thị mới phía tây thị trấn Vôi

Góp phần thực hiện hiệu quả chương trình phát triển đô thị, dịch vụ của huyện Lạng Giang

Là một trong những huyện đang có sự bứt phá ngoạn mục về tốc độ tăng trưởng cũng như đời sống của nhân dân, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đang nỗ lực thực hiện chương trình phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị, trong đó, mục tiêu quyết tâm trở thành huyện nông thôn mới của tỉnh vào đầu năm 2020.

Phối cảnh một phần Khu đô thị mới phía tây thị trấn Vôi.
Phối cảnh một phần Khu đô thị mới phía tây thị trấn Vôi.

Với tầm nhìn chiến lược về quy hoạch đô thị cũng như cân đối các tiềm năng phát triển của huyện Lạng Giang tập trung quy hoạch hạ tầng giao thông, phát triển các khu đô thị, nhiều cụm công nghiệp trên địa bàn với tổng diện tích hàng trăm héc-ta.

Sau khi các dự án nêu trên đi vào triển khai, đã tạo được sự đồng thuận cao trong chính quyền và nhân dân địa phương, tạo hiệu quả rõ rệt trong việc kiến tạo những giá trị mới cho kiến trúc đô thị vùng ven, cụm công nghiệp trọng điểm của tỉnh Bắc Giang. Một trong những dự án được đánh giá cao về quy mô đầu tư cũng như sự tác động tích cực đến môi trường sống chung quanh vùng dự án là Khu đô thị mới phía tây thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, hứa hẹn là điểm nhấn đô thị mới hiện đại, văn minh và thân thiện với môi trường, tạo cảnh quan nổi bật cho khu vực trung tâm của huyện.

Dự án Khu đô thị mới phía tây thị trấn Vôi được UBND tỉnh Bắc Giang chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 756/QÐ-UBND ngày 16-12-2015 với quy mô gần 80 ha. Các hạng mục thực hiện gồm xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật như san nền, đường giao thông, cấp, thoát nước, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc… Ngoài ra, dự án còn hoàn thiện hạ tầng xã hội như trường mầm non, tiểu học, nhà văn hóa, sân vận động, nhà thi đấu, chợ dân sinh… giúp hình thành khu đô thị hiện đại, văn minh. Từ tháng 4-2016, UBND huyện đã hoàn thiện thủ tục thu hồi hơn 12 ha đất nông nghiệp ở các thôn: Toàn Mỹ, Chu Nguyên, Non Cải và phố Vôi (thị trấn Vôi) thực hiện thành công giai đoạn 1 của dự án, thu về cho ngân sách của huyện 92 tỷ đồng, tạo ra nguồn lực to lớn giúp UBND huyện tái đầu tư nhiều công trình hạ tầng quan trọng tạo bàn đạp phát triển kinh tế trên địa bàn.

Hiện nay, thực hiện giai đoạn 2 với diện tích khoảng 30 ha, dự án đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Hơn 130 hộ dân có đất canh tác trong dự án đã nhanh chóng nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai dự án. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân băn khoăn về giá đền bù về đất. Một số ý kiến cho rằng đây là dự án của doanh nghiệp, cho nên người dân có quyền được thỏa thuận giá đền bù với chủ đầu tư; Nhà nước cần tăng mức tiền hỗ trợ về chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân bị mất đất… do đó, hiện vẫn còn nhiều hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù theo quy định của Nhà nước.

Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Lạng Giang Nguyễn Văn Nam khẳng định: Căn cứ quy định tại khoản 3, Ðiều 62, Luật Ðất đai năm 2013, Dự án Khu đô thị mới phía tây thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc người dân có yêu cầu được đứng ra tự thỏa thuận giá đền bù với chủ đầu tư là không có cơ sở pháp lý. Giá đất để tính bồi thường hỗ trợ dựa trên điều tra thu nhập thực tế của từng thửa đất. Việc xác định giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ dân có đất là hoàn toàn khách quan, có cơ sở khoa học, bảo đảm quyền lợi của các hộ dân. Như vậy, tổng mức bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đối với 1 m2 đất nông nghiệp trồng cây hằng năm theo chính sách hiện hành là: 227.300 đồng/1m2, tương đương 81.828.000 đồng/sào Bắc Bộ. Hiện nay giai đoạn 2 dự án áp dụng thêm các mức hỗ trợ khác cho người dân như hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ ổn định sản xuất, hỗ trợ các hộ bàn giao sớm mặt bằng thì tổng số tiền đền bù, hỗ trợ là 99.728.000 đồng/sào Bắc Bộ. Ngoài các khoản bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp căn cứ các quyết định như nêu trên thì không có khoản bồi thường, hỗ trợ nào khác. Tuy nhiên, còn một số hộ vẫn hiểu chưa đúng về những chính sách cụ thể được áp dụng đối với việc giải phóng mặt bằng đã viện dẫn những chính sách đền bù tại một số tỉnh lân cận (có điều kiện đất đai, quy hoạch và mục đích canh tác khác nhau…) để kiến nghị yêu cầu thêm nhiều nội dung ngoài chính sách quy định của Nhà nước.

Sau khi Dự án hoàn thành, các ngành chức năng của tỉnh Bắc Giang sẽ thẩm định giá từng lô đất, UBND tỉnh sau đó ra quyết định định giá cho từng lô đất tại dự án và sẽ khấu trừ trả lại phần kinh phí cho nhà đầu tư đã chi trả cho giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị. Số còn lại được nộp về ngân sách nhà nước… “Những ý kiến cho rằng chủ đầu tư bỏ ra vài trăm nghìn đồng để thu hồi 1 m2 đất rồi bán lại để thu lời hàng chục triệu đồng là không có cơ sở” - ông Nguyễn Văn Nam khẳng định.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Văn phòng Luật Ðại Nam, Ðoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Theo quy định của Luật Ðất đai năm 2013, trách nhiệm của người có đất bị thu hồi là phải phối hợp với cơ quan chức năng trong việc tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, đo đạc diện tích đất. Trường hợp không phối hợp với cơ quan chức năng, dù đã được vận động thuyết phục thì sau 10 ngày kể từ khi được vận động, thuyết phục thì Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Người có đất thu hồi có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc. Trường hợp người có đất thu hồi không chấp hành thì Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế.

Hiện nay, để công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được bảo đảm đúng tiến độ, huyện Lạng Giang đang tích cực chỉ đạo các ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền vận động đối với các hộ dân chưa đồng thuận nhận tiền giải phóng mặt bằng. UBND huyện Lạng Giang tổ chức nhiều buổi đối thoại, giải thích rõ quy định hiện hành khi áp dụng giá đền bù và định mức hỗ trợ với người dân. Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện, UBND thị trấn Vôi thường xuyên phối hợp tổ chức các tổ công tác đến từng hộ tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, vì lợi ích chung là phát triển đô thị trên địa bàn. Nhờ cách làm này, nhiều hộ dân hiểu rõ chính sách, vai trò, ý nghĩa dự án mang lại đã bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi triển khai dự án. Tuy vậy, khi thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, giải thích trong nhân dân, có lúc, có nơi các cán bộ tổ công tác của huyện chưa thật sự linh hoạt, khả năng phân tích, thuyết phục còn hạn chế đã gây tâm lý nghi ngờ, chưa đồng thuận trong người dân. Chính quyền địa phương đề cao giải pháp tuyên truyền vận động, thuyết phục để các hộ dân tự nguyện bàn giao mặt bằng.

Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang Ðặng Ðình Hoan khẳng định, dự án Khu đô thị mới phía tây thị trấn Vôi được thực hiện theo chủ trương nâng tỷ lệ dân số sống tại đô thị trên địa bàn từ 5% lên 10% vào năm 2020 như Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ 21 đề ra. UBND huyện xác định đây là dự án trọng điểm, cần triển khai đồng bộ, hiệu quả. Các phòng, ban chuyên môn của huyện, UBND thị trấn Vôi sẽ đổi mới cách tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu rõ, chấp hành chủ trương, chính sách và đồng thuận thực hiện dự án vì lợi ích chung góp phần xây dựng huyện Lạng Giang ngày càng giàu mạnh.