Gỡ khó cho cơ chế tự chủ bệnh viện công lập

NDO -

NDĐT - Sáng 18-1, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước tổ chức hội thảo “Cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập: Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán nhà nước”.

Ảnh: MINH THÚY
Ảnh: MINH THÚY

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Đoàn Xuân Tiên nêu vấn đề: Cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập qua một thời gian thực hiện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhờ đó, chất lượng, hiệu quả công tác khám chữa bệnh đã được nâng lên, từng bước đáp ứng mong muốn và sự kỳ vọng của người bệnh và nhân dân. Áp lực chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho lĩnh vực y tế bớt căng thẳng. Hầu hết các bệnh viện đã chủ động huy động nguồn lực ngoài NSNN để đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế, gia tăng được nguồn thu sự nghiệp và có chênh lệch, thu-chi để tăng thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít tồn tại, vướng mắc. Đó là: Việc quản lý tài chính chưa thật hiệu quả, vẫn còn tình trạng trông chờ ỷ lại vào NSNN; chưa khuyến khích tăng mức độ tự bảo đảm nguồn kinh phí; hệ thống các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở để bệnh viện công lập thực hiện chưa đồng bộ, chậm sửa đổi; hiệu quả sử dụng tài sản công chưa cao; nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chưa được chú trọng...

Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên nhận định, những tồn tại, hạn chế nói trên xuất phát từ việc thiếu một cơ chế tự chủ rõ ràng, tường minh đối với các bệnh viện công lập. Hiện nay, công tác kiểm toán trong lĩnh vực y tế hiện mới chú trọng kiểm tra đánh giá việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ với NSNN mà chưa đánh giá toàn diện, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả đối với cơ chế tự chủ trong các bệnh viện công lập. Để từ đó có đánh giá, kiến nghị sâu về thay đổi cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Chuyên gia Phạm Đình Cường, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho rằng, hiện có khoảng 150 văn bản pháp luật liên quan đến cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập nhưng lại chưa quy định rõ ràng cái gì được làm, cái gì không được làm. Do đó, các quy định này giống như hệ thống hàng rào dựng lên khiến các bệnh viện công lập muốn thực sự tự chủ rất khó lọt qua. “Nếu hoạt động bình thường thì không có vấn đề gì nhưng khi xảy ra sự cố thì trách nhiệm của giám đốc bệnh viện và nhân viên y tế rất lớn”, chuyên gia này phân tích.

Từ những hạn chế đang đặt ra, hội thảo tập trung thảo luận để tìm ra các giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng kinh tế, hiệu quả, hiệu lực, chống thất thoát lãng phí trong lĩnh vực y tế. Trên cơ sở đó giúp Chính phủ, chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả thực hiện; Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp giám sát tốt việc quản lý lĩnh vực y tế.