Ý kiến nhà nông

Gắn kết hộ chăn nuôi và doanh nghiệp

Tại Nam Ðịnh, thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi gia cầm, nhất là các hộ chăn nuôi theo hình thức tự phát, nhỏ lẻ. Cụ thể là chi phí đầu tư tăng cao, đầu ra thiếu ổn định, trong khi giá bán gia cầm có thời điểm xuống thấp kỷ lục.

Theo các hộ dân, gà nuôi theo phương pháp thả vườn chi phí khoảng 50 nghìn đồng/kg. Ðể có lãi thì phải bán gà với giá từ 55 nghìn đồng/kg trở lên, nhưng, thời điểm vừa qua, mức giá chỉ dưới 50 nghìn đồng/kg khiến nhiều hộ thua lỗ. Trước thực tế đó, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, người dân đang nghiên cứu, tổ chức lại ngành chăn nuôi theo hướng liên kết theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Tuy nhiên, với người dân, việc áp dụng hình thức chăn nuôi mới này cũng còn nhiều lúng túng. Bởi lẽ từ trước tới nay, người chăn nuôi chưa chủ động, tự giác vệ sinh tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi, mua vắc-xin tiêm phòng cho nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất, chăn nuôi. Trong khi đó, muốn làm tốt các khâu của quy trình chăn nuôi an toàn sinh học thì không chỉ cần có vốn đầu tư mà còn cần am hiểu các kiến thức về khoa học - công nghệ, vệ sinh an toàn chuồng trại, chất lượng
con giống…

Chính vì thế, các hộ dân không thể tự mình thay đổi phương thức chăn nuôi mà rất cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng trên cơ sở từng bước cấu trúc lại ngành chăn nuôi theo hướng chuyển đổi chăn nuôi nhỏ lẻ, kém hiệu quả sang chăn nuôi quy mô trang trại công nghiệp, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và đưa giống mới, chất lượng cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Ðặc biệt, chính quyền cần tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi, hình thành các chuỗi liên kết khép kín trong sản xuất và tiêu thụ. Qua đó, giảm chi phí khâu trung gian, tạo ra sản phẩm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc. Ðồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối với hệ thống các cửa hàng thực phẩm, nông sản sạch trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm.