Ðể thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn chủ lực

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang có những phiên giao dịch bùng nổ vượt mọi dự báo. Giá trị giao dịch trong các phiên gần đây liên tục lập kỷ lục mới và đạt mức 18.580 nghìn tỷ đồng trong phiên giao dịch “mở hàng” của năm 2021.

Thanh khoản thị trường cổ phiếu tăng hơn hai lần so mức bình quân năm trước, trong khi quy mô vốn hóa của TTCK hiện đạt 84,3% GDP. Tâm lý hứng khởi đang kéo TTCK “thăng hoa”, sắc xanh lan tỏa ở hầu hết các nhóm ngành cổ phiếu khiến nhà đầu tư càng mạnh tay giải ngân, kỳ vọng cứ mua là thắng.

Diễn biến trên cho thấy TTCK là kênh đầu tư hiệu quả đối với cả nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN) niêm yết. Năm 2020, TTCK Việt Nam không thể tránh khỏi một vài thời điểm lao dốc do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, khối ngoại chuyển sang bán ròng. Nhưng sau đó, thị trường đã phục hồi. Những tháng cuối năm 2020, nhà đầu tư nội ồ ạt mở tài khoản mới để tìm kiếm lợi nhuận, dòng tiền sung mãn đẩy chỉ số VN-Index tăng gần 15% so với đầu năm và tăng 67% so với đáy thiết lập cuối tháng 3. Nguyên nhân khiến TTCK trở nên hấp dẫn là do lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại giảm sâu; kênh trái phiếu DN bị siết lại theo quy định. Nhưng yếu tố quan trọng nhất giúp TTCK lập đỉnh mới là Việt Nam đạt được “mục tiêu kép” vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao, trở thành điểm sáng trong khu vực và thế giới. Với những kinh nghiệm và thành công bước đầu trong phòng, chống đại dịch và tiềm năng vị thế sẵn có, kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng đang đứng trước những vận hội mới. Nhiều phân tích, nhận định đều cho rằng, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục có một năm phát triển cả về quy mô và chất lượng. Tuy nhiên  cũng cảnh báo xu thế tăng nóng hiện nay có thể không bền vững và thị trường có thể điều chỉnh, thậm chí đảo chiều vào bất cứ thời điểm nào, nhà đầu tư cần chủ động tránh rủi ro.

Ðể TTCK trở thành kênh huy động vốn chủ lực cho nền kinh tế, cần tiếp tục thực hiện những giải pháp đồng bộ, khắc phục những hạn chế, tồn tại của thị trường, tiến tới nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. Theo đó, cần tập trung thực hiện sáu mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Ðó là, tập trung nỗ lực đưa quy định chính sách mới vào cuộc sống để hỗ trợ DN phát hành, huy động vốn và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh. Ðẩy nhanh cơ cấu TTCK theo đề án đã phê duyệt. Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết, đẩy mạnh tăng quy mô và chất lượng hàng hóa trên TTCK. Tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý nghiêm các vi phạm, bảo đảm kỷ cương kỷ luật của thị trường. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021-2030 để định hình mục tiêu, giải pháp phát triển thị trường dài hạn. Cùng với đó, cần bảo đảm an toàn, ổn định hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động đồng bộ, tiếp tục đưa các sản phẩm mới vào thị trường. Ðây là vấn đề rất đáng lưu tâm trước tình trạng hệ thống giao dịch trên HOSE đã gặp trục trặc trong những phiên giao dịch khối lượng đột biến như gần đây.