Đưa ngành gỗ Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

NDO -

NDĐT- Việt Nam mong muốn đưa ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mặc dù vậy, Việt Nam kiên quyết không chấp nhận làm ăn phi pháp, gỗ làm trong ngành sản xuất chế biến gỗ phải là gỗ hợp pháp.

Phấn đấu đưa ngành gỗ Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phấn đấu đưa ngành gỗ Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hà Công Tuấn tại Hội nghị về xuất khẩu gỗ cứng vào Đông - Nam Á do Hội đồng Xuất khẩu gỗ cứng Hoa Kỳ tổ chức ngày 25-6, tại Hà Nội.

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam đã phát triển nhanh và ổn định, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm đồ gỗ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu bền vững. Sự tăng trưởng đó thể hiện rõ nét nhất trên quy mô các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ. Cụ thể, nếu như cách đây năm năm, cả nước chỉ có 3.200 doanh nghiệp, thì đến nay đã có khoảng 5.000 doanh nghiệp tham gia vào sản xuất, chế biến đồ gỗ (không tính hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ).

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam nhiều năm qua đều tăng trưởng đạt từ 12-17%. Năm 2018, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt khoảng 9,4 tỷ USD. Sản phẩm đồ gỗ Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia, vùng lãnh thổ. Riêng đối với Hoa Kỳ, đây là thị trường quan trọng bậc nhất của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản của Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu khoảng 42% tổng giá trị ngành gỗ và lâm sản sang Hoa Kỳ. Trong năm tháng đầu năm 2019, tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 45% giá trị.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, sự tăng trưởng xuất khẩu này do năng lực sản xuất của Việt Nam đã tăng lên. Nhiều nhà máy công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đã được xây dựng trong nhiều năm qua và đi vào hoạt động.

Quá trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp nhằm kéo dài chu kỳ kinh doanh và nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng, với quy mô khoảng 3,5 triệu ha đang cho sản lượng tăng nhanh. Năm 2018, nguồn nguyên liệu gỗ trong nước đã bảo đảm khoảng 36 triệu m3 cho ngành chế biến gỗ.

Không chỉ là thị trường xuất khẩu chủ lực, Hoa Kỳ còn là nhà cung cấp gỗ nguyên liệu số một cho Việt Nam. Nguồn cung gỗ nguyên liệu của Hoa Kỳ bảo đảm nguồn gốc gỗ hợp pháp và truy xuất được nguồn gốc. Trong năm tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ nguyên liệu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khoảng gần 25% so cùng kỳ năm trước.

Như vậy, Hoa Kỳ là thị trường xuất nhập khẩu quan trọng bậc nhất của ngành chế biến gỗ Việt Nam. Hai bên sẽ cùng hợp tác, bổ trợ cho nhau cùng phát triển, bảo đảm lợi ích đôi bên. Doanh nghiệp và Chính phủ cùng vào cuộc kiểm soát quy trình sản xuất để bảo đảm ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam minh bạch, an toàn về cả kinh tế, môi trường, xã hội.

Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường nhập khẩu nguyên liệu gỗ mà Việt Nam không có lợi thế, nhất là gỗ cứng như: sồi, thông, óc chó… làm ra sản phẩm phù hợp thị hiếu của các khu nhà nghỉ, khách sạn cao cấp.

Đưa ngành gỗ Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ảnh 1

Hội nghị về xuất khẩu gỗ cứng vào Đông - Nam Á.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa) đánh giá, ngành sản xuất gỗ tại Hoa Kỳ gần như không còn, nên nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của Hoa Kỳ từ các nước khác là bắt buộc. Hiện, Hoa Kỳ cũng chưa có chiến lược trong sản xuất mặt hàng này trong nước, trong tương lai, đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam và nhiều nước khác xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng là một trong những quốc gia xuất khẩu gỗ nguyên liệu nhiều nhất thế giới. Người tiêu dùng Hoa Kỳ hiểu và thường sử dụng gỗ của họ. Muốn đẩy mạnh xuất khẩu đồ gỗ vào Hoa Kỳ, doanh nghiệp phải sử dụng gỗ nguyên liệu của họ. Đây là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam đã hiểu.

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng gỗ Hoa Kỳ của Việt Nam cũng ngày càng tăng, điển hình như: sồi, óc chó... Trong khoảng 5 - 10 năm trước, nhu cầu gỗ Hoa Kỳ tại thị trường trong nước rất hiếm, nhưng nay đã trở nên phổ thông. Việc tăng nhập khẩu gỗ từ Hoa Kỳ cũng sẽ góp phần từng bước cân bằng cán cân thương mại trong ngành gỗ, tạo ra sự phát triển bền vững của ngành gỗ Việt tại thị trường này.

Ông Robert Hanson Tham tán nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, chiếm đến 77% tỷ trọng xuất khẩu tại khu vực Đông - Nam Á, Việt Nam là thị trường lớn nhất của ngành công nghiệp gỗ cứng của Hoa Kỳ trong khu vực.

Ghi nhận Luật Lâm nghiệp của Việt Nam và Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam với châu Âu đã có hiệu lực để bảo đảm tính hợp pháp và bền vững của các sản phẩm gỗ của Việt Nam, ông Robert Hanson nhận định, Việt Nam sẽ ưu tiên cho việc nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ các nguồn bền vững và hợp pháp.

Tại hội nghị, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng với Hội đồng xuất khẩu gỗ cứng Hoa Kỳ đã truyền tải đến các doanh nghiệp ứng dụng, cách phân hạng gỗ Hoa Kỳ nhằm giúp các nhà thiết kế, nhà chế biến, nhà nhập khẩu…. có hiểu biết toàn diện hơn. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp hai nước giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong tương lai.

Tại hội nghị, Thứ trưởng NN-PTNT Hà Công Tuấn bày tỏ mong muốn đưa chế biến gỗ và lâm sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, trong sự phát triển đó rất cần sự phối hợp của Hoa Kỳ, đặc biệt là các doanh nghiệp nước bạn trong cung ứng nguồn nguyên liệu. “Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam sẽ hướng tới minh bạch, thuỷ chung với bạn hàng và áp dụng quy trình sản xuất tốt để bảo đảm sự phát triển bền vững”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.