Đồng loạt khởi công ba dự án cao tốc bắc - nam vào cuối tháng 9

NDO -

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, cho phép khởi công đồng loạt ba dự án đường cao tốc bắc - nam vào ngày 30-9 tới.

Quang cảnh buổi họp báo ngày 26-9.
Quang cảnh buổi họp báo ngày 26-9.

Theo đó, dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 khởi công tại huyện Hà Trung (Thanh Hóa); Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại huyện Tuy Phong (Bình Thuận); Phan Thiết - Dầu Giây tại TP Long Khánh (Đồng Nai).

Ngày 26-9, Bộ GTVT tổ chức họp báo thông tin về tình hình triển khai thực hiện dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hơn 90% mặt bằng của dự án cao tốc bắc-nam đã sẵn sàng bàn giao cho nhà thầu, đây là điều kiện để có thể triển khai ngay công tác thi công dự án. Việc tách giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án riêng là điểm mới của dự án cao tốc bắc - nam, thực hiện trước khi triển khai xây lắp. Đây cũng là điều kiện để phân định rõ ràng trách nhiệm của chủ đầu tư, địa phương, nhà thầu trong quá trình thực hiện dự án. Trong hợp đồng cũng có quy định thưởng phạt rõ ràng nếu ảnh hưởng tiến độ, chất lượng do lỗi của nhà thầu hay do địa phương không kịp thời giải phóng mặt bằng.

Theo đó, tháng 6-2020, Quốc hội có nghị quyết về việc chuyển đổi từ phương thức đầu tư hợp tác công - tư (PPP) sang đầu tư công của ba dự án thành phần trên của tuyến cao tốc bắc - nam. Bộ GTVT thực hiện thẩm quyền trách nhiệm của người quyết định đầu tư, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.

Ngay sau khi Quốc hội, Chính phủ có nghị quyết chuyển đổi hình thức đầu tư, Bộ GTVT đã kịp thời thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế kỹ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu các gói thầu thuộc dự án, bảo đảm tuân thủ trình tự và quy định pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng, quy định về đấu thầu.

Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long và Ban QLDA 7, cơ quan đại diện chủ đầu tư tại các dự án, tập trung đánh giá hồ sơ dự thầu để lựa chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu. Đến thời điểm này, cả ba dự án đã đủ điều kiện để khởi công xây dựng.

Việc phấn đấu triển khai khởi công xây dựng ba dự án này đã cụ thể hóa quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động trong bối cảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch Covid-19, thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

“Tuy nhiên, hai vướng mắc lớn nhất của công tác giải phóng mặt bằng hiện nay là di dời công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật như đường điện, đường nước và hoàn thành khu vực tái định cư. Những nút thắt này cần được giải quyết trong thời gian tới, nếu khu tái định cư chưa xong có thể cho người dân tạm cư để sớm bố trí mặt bằng thi công”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chia sẻ.

Liên quan đến đánh giá năng lực nhà thầu tham gia đấu thầu, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, nếu dự án nhà thầu từng tham gia hiện đang bị cơ quan chức năng khởi tố sẽ không được tính dự án đó vào hồ sơ để đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu. Bộ GTVT cũng phối hợp Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước trong việc giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu, chia sẻ, cung cấp thông tin giữa các cơ quan. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng có quy định về số lượng nhà thầu tham gia liên danh để đấu thầu, trách nhiệm của nhà thầu chính, nhà thầu phụ trong thực hiện các hạng mục công việc.

Về mức phí đối với tuyến cao tốc bắc - nam, theo ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT), mức phí với dự án PPP phải bảo đảm hoàn vốn, trong dự án đã có quy định mức phí ở từng thời điểm khác nhau.

Với dự án đầu tư công, Quốc hội, Chính phủ đang giao Bộ GTVT, Bộ Tài chính nghiên cứu đề án thu phí hoàn vốn lại cho Nhà nước, bổ sung vào thu phí sử dụng đường bộ trong danh mục phí và lệ phí, trước mắt áp dụng cho các dự án đường cao tốc vì tuyến đường này có sự lựa chọn cho người dân, có thể lưu thông trên cao tốc hoặc đi theo quốc lộ 1.

Dự án cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 dài 53,5 km, tổng mức đầu tư khoảng 12.343 tỷ đồng; Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km, tổng mức đầu tư khoảng 11.183 tỷ đồng; cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km, tổng mức đầu tư khoảng 13.656 tỷ đồng.

Năm dự án còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP gồm: Quốc lộ  45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.