Đồng hành cùng nông dân trong đại dịch do virus corona

NDO -

NDĐT - Ngày 11-2, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo, doanh nghiệp tỉnh Long An về tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona.

Đại diện các đơn vị ký kết đồng hành cùng nông dân tiêu thụ nông sản tại tỉnh Long An.
Đại diện các đơn vị ký kết đồng hành cùng nông dân tiêu thụ nông sản tại tỉnh Long An.

Tại đây, Đoàn đã đến thăm nhà máy và dây chuyền chế biến rau củ quả của Công ty Lavifood – một trong những doanh nghiệp có nhiều chương trình hoạt động tích cực, thiết thực nhằm hỗ trợ bà con nông dân trong việc ổn định sản xuất, nâng tầm giá trị nông sản và phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam; thăm một số hộ nông dân, cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh Long An, toàn tỉnh hiện có 11.825,7 ha trồng thanh long, trong đó diện tích cho trái khoảng 9.586,2 ha, năng suất 321,5 tạ/ha, sản lượng 317.932 tấn, tập trung chủ yếu tại huyện Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, thành phố Tân An... Hiện tại thanh long đang vào vụ thu hái nhưng tình hình tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn. Sản lượng thanh long tồn chưa tiêu thụ được từ cuối tháng 1-2020 đến nay khoảng 30.000 tấn; chưa kể đến 59.580 tấn được thu hoạch trong tháng 2 và 31.750 tấn được thu hoạch trong tháng 3. Trước những diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra, hàng loạt chợ và cửa khẩu thông thương sang Trung Quốc đang thông báo dời thời gian mở cửa, các đối tác Trung Quốc thu mua thanh long không nhận hàng, đã làm tồn đọng thanh long trong kho….. Phần lớn các cơ sở thu gom, kho thanh long trên địa bàn tỉnh không thu mua thanh long hoặc thu mua với giá thấp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con nông dân.

Phát biểu trước đại diện lãnh đạo tỉnh Long An, doanh nghiệp và nông dân tỉnh Long An, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những hành động thiết thực, kịp thời, nhanh chóng của công ty trong việc tháo gỡ những khó khăn của người nông dân do ảnh hưởng của dịch virus corona của các đơn vị chính quyền, doanh nghiệp. Bộ trưởng cũng kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội đồng hành cùng người nông dân; các kênh phân phối lớn như các hệ thống siêu thị, các thương mại điện tử… mở cửa bán hàng cho nông dân; các cơ quan, xí nghiệp, mỗi gia đình, cá nhân là một đơn vị tiêu dùng tích cực ủng hộ nông sản Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các doanh nghiệp đầu ngành như Lavifood phát triển nhà máy, kho bãi, hệ thống logistics nhằm phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững, thoát cảnh “được mùa mất giá”, thích ứng tốt hơn với biến động của thị trường và tình hình kinh tế xã hội là những yếu tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác đã chứng kiến sự cam kết đồng hành cùng người nông dân và nông nghiệp Việt Nam của nhiều doanh nghiệp, tổ chức như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Chuỗi siêu thị Coop Mart, Quỹ Khởi nghiệp xanh, Công ty Cổ phần đầu tư Lavifood…

Trước những khó khăn chung của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản trong bối cảnh hiện nay, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN- PTNT) đề nghị xây dựng chính sách tài chính “khuyến khích đặc biệt” giúp doanh nghiệp đầu tư hệ thống kho lạnh bảo quản nông lâm thủy sản trong sản xuất, dự trữ, lưu thông vận chuyển, xuất nhập khẩu… (đưa vào nội dung khi sửa đổi Quyết định 68/2013/QĐ-TTg năm 2013 về Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp). Đặc biệt đẩy mạnh thực hiện nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để doanh nghiệp tập trung đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông sản có giá trị gia tăng cao.

Kiến nghị với Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Long An nêu: Chính phủ có chính sách hỗ trợ tiền điện chạy kho lạnh (hỗ trợ giá điện sản xuất tính bằng giá điện sinh hoạt từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 3), hỗ trợ lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp thu mua, bảo quản và xuất khẩu nông sản với lãi suất ưu đãi trong thời gian 6 tháng. Đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét, đề xuất thành lập Trung tâm phân phối sản phẩm nông sản tại thị trường Trung Quốc làm đầu mối giao dịch với doanh nghiệp trong nước nhằm hạn chế rủi ro. Do lợi nhuận thu được từ sản xuất thanh long, hiện nay diện tích trồng thanh long ngày càng tăng, để tránh sản lượng ồ ạt làm giá giảm,... Kiến nghị Bộ NN-PTNT chủ trì có phương án liên kết các tỉnh, trước mắt là ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Bình Thuận về rải vụ trái thanh long.