Đơn giản hóa thủ tục nộp thuế

Sau một năm triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử (NTĐT), đến nay đã có hơn 24 nghìn doanh nghiệp (DN) trên địa bàn 18 tỉnh, thành phố đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với tổng số tiền thu vào ngân sách qua cổng thông tin NTĐT hơn 14 nghìn tỷ đồng.Với việc mở rộng các ngân hàng hợp tác với ngành thuế tham gia cung cấp dịch vụ công trực tuyến này, chắc chắn số lượng DN NTĐT sẽ gia tăng trong thời gian tới, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian của cả DN và cơ quan quản lý thuế.

Cán bộ Chi cục Thuế huyện Buôn Đôn (Đác Lắc) tiếp nhận việc kê khai thuế của doanh nghiệp qua mạng in-tơ-nét. Ảnh: GIANG NAM
Cán bộ Chi cục Thuế huyện Buôn Đôn (Đác Lắc) tiếp nhận việc kê khai thuế của doanh nghiệp qua mạng in-tơ-nét. Ảnh: GIANG NAM

Lợi ích nhiều bên

Là DN sớm thực hiện NTĐT trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá Bình Dương Cao Văn Chóng nhìn nhận: Lợi ích của việc NTĐT rất rõ. Việc nộp thuế theo hình thức này được thực hiện dễ dàng mọi lúc, mọi nơi, không phụ thuộc vào giờ giao dịch. DN có thể nộp thuế bất cứ thời điểm nào trong ngày mà không phải đi lại, chờ đợi như trước đây.

Bằng hình thức này, DN sẽ giảm thời gian, chi phí thực hiện nghĩa vụ thuế. Hơn nữa, với NTĐT, DN có thể theo dõi và cập nhật tình hình nộp thuế của đơn vị mình cũng như được sử dụng các dịch vụ gia tăng của các ngân hàng một cách thuận lợi, tiện ích.

Cục Thuế tỉnh Bình Dương là một trong nhiều đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai hệ thống NTĐT. Thực hiện Quyết định số 2441/QĐ-BTC ngày 19-8-2010 của Bộ Tài chính về việc mở rộng hệ thống khai thuế điện tử cho 19 tỉnh, thành phố, Cục Thuế tỉnh Bình Dương triển khai nộp thí điểm thuế điện tử cho các DN trên địa bàn từ tháng 10-2010. Do tổ chức tốt công tác này, số lượng DN đã đăng ký chữ ký số, khai thuế điện tử tại Bình Dương đến ngày 31-12-2014 là 14.609 DN, đạt tỷ lệ 98% so với tổng số DN đang hoạt động phải nộp hồ sơ khai thuế. Tiếp đó, từ tháng 9-2014, đơn vị tiếp tục triển khai hệ thống NTĐT.

Trên cơ sở DN tại Bình Dương đã thực hiện khai thuế điện tử đạt tỷ lệ 98%, Cục Thuế Bình Dương cho rằng, đây là điều kiện hết sức thuận lợi để ngành thuế tiếp tục triển khai công tác NTĐT cho các DN. Chỉ ra lợi ích khi NTĐT đối với người nộp thuế (NNT), Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương Huỳnh Đình Trí cho biết, thủ tục nộp thuế theo phương thức này rất đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện, giao dịch 24 giờ trong ngày và bảy ngày trong tuần tại mọi địa điểm có kết nối in-tơ-nét. Đồng thời, NNT được ngân hàng xác nhận kết quả giao dịch ngay sau khi gửi giấy nộp tiền điện tử qua mạng. Với hình thức này, người nộp tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian giao dịch và đơn giản thủ tục giấy tờ khi thực hiện nghĩa vụ thuế. Ngoài ra, NNT có thể truy cập cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế để xem xét, in, tải về các thông báo, giấy nộp thuế điện tử đã nộp; giám sát và quản lý giao dịch nộp thuế, theo dõi tình hình thực hiện nộp ngân sách nhà nước qua tài khoản; được sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng khác của các ngân hàng thương mại...

Với những lợi ích nêu trên, cùng điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Bình Dương được bảo đảm, nhất là việc Tổng cục Thuế đã xây dựng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng đủ điều kiện cho các DN NTĐT thông qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế bắt đầu từ tháng 9-2014, số lượng DN NTĐT tăng lên. Bên cạnh đó, để triển khai thuận lợi và hỗ trợ tối đa cho DN, Cục Thuế tỉnh Bình Dương đã tổ chức các buổi hội nghị triển khai tập huấn, hướng dẫn thực hiện dịch vụ NTĐT cho tất cả các chi cục thuế, các DN trên địa bàn tỉnh.

Giống như Bình Dương, Hà Nội cũng là một trong những địa bàn đầu tiên triển khai hệ thống NTĐT đối với các tổ chức, DN trên địa bàn thay cho hình thức nộp thuế trực tiếp tại quầy giao dịch như hiện nay. Nếu như đến hết năm 2014, có hơn 7.000 DN đăng ký NTĐT, trong đó có 4.688 giao dịch NTĐT thực hiện thành công với tổng số tiền thuế đã nộp ngân sách là 2.090 tỷ đồng thì đến hết ngày 5-3 vừa qua, đã có hơn 15 nghìn DN thực hiện đăng ký NTĐT với cơ quan thuế Hà Nội, với tổng số tiền thuế đã nộp hơn 6.538 tỷ đồng.

Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế Hà Nội) Nguyễn Thị Hải Yến cho biết, khai thuế điện tử và NTĐT là hai hình thức hỗ trợ cộng đồng DN thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thuận lợi, đơn giản, bảo đảm tính an toàn, chính xác, bảo mật. Với yêu cầu quản lý thuế trong tình hình mới khi số lượng người nộp thuế phát triển nhanh, trong khi nguồn nhân lực ngành thuế phát triển không tương xứng, dễ dẫn đến tình trạng quá tải trong công tác quản lý thì việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế là giải pháp hiệu quả đối với cơ quan thuế.

Phó tổng Cục trưởng Thuế Nguyễn Đại Trí cho rằng, đối với cơ quan thuế, dịch vụ NTĐT giúp ngành thuế tăng cường hiệu quả quản lý thuế, xử lý thông tin thu nộp thuế nhanh chóng, chính xác, góp phần đa dạng hóa các kênh thu ngân sách nhà nước và góp phần quan trọng đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và chính phủ điện tử phục vụ người nộp thuế nói riêng và người dân nói chung.

Còn tâm lý e dè

Lợi ích của NTĐT đối với người nộp thuế là rõ ràng, nhưng nhìn chung, số DN NTĐT mới ở giai đoạn ban đầu, chiếm tỷ lệ không lớn so với số DN đã thực hiện khai thuế điện tử. Theo Trưởng phòng Nguyễn Thị Hải Yến, một trong những điều kiện để DN thực hiện NTĐT là phải mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng thương mại mà Tổng cục Thuế ký thỏa thuận hợp tác triển khai dịch vụ.

Trước đây chỉ giới hạn có năm ngân hàng tham gia cung cấp dịch vụ NTĐT (BIDV, Vietcombank, MBbank, Agribank, Vietinbank) nên số lượng DN có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến này còn hạn chế. Mới đây, Tổng cục Thuế đã ký thỏa thuận hợp tác với 15 ngân hàng thương mại triển khai cung cấp dịch vụ này nên trong thời gian tới, số lượng DN thực hiện NTĐT sẽ tăng lên mạnh mẽ. "Chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để DN nhận thức được lợi ích của dịch vụ này, từ đó chủ động đăng ký, tham gia. Phần lớn các DN mới thành lập đều đăng ký sử dụng dịch vụ NTĐT", Trưởng phòng Nguyễn Thị Hải Yến khẳng định.

Tuy nhiên, tại Bình Dương, mặc dù các phòng và chi cục thuế tại tỉnh đã triển khai hệ thống NTĐT theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng cục Thuế và Cục Thuế, tuyên truyền đôn đốc cho người nộp thuế thực hiện nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn. Tính đến nay, chỉ có 1.043 DN đăng ký dịch vụ NTĐT; trong đó có 568 DN đã NTĐT với số tiền 807 tỷ đồng. So với kế hoạch Tổng cục Thuế giao và với số lượng hàng chục nghìn DN hùng hậu tại Bình Dương, rõ ràng tỷ lệ DN NTĐT vẫn còn thấp.

Phó Trưởng phòng Kê khai và Kế toán thuế tỉnh Bình Dương Võ Đức Chín chia sẻ: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả thực hiện NTĐT tại tỉnh còn thấp, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do thời gian đầu thực hiện NTĐT hầu hết các DN có tâm lý e dè, chưa yên tâm với dịch vụ này, phổ biến nhất là ở các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Họ e dè vì thực hiện NTĐT có chữ ký số còn hiệu lực của người nộp thuế, mà khi giao chữ ký số cho các nhân viên hay người khác thực hiện thì chủ nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài chưa yên tâm.

Để thúc đẩy DN thực hiện NTĐT trong thời gian tới, Phó Trưởng phòng Võ Đức Chín cũng cho biết thêm, ngành thuế tỉnh đã công khai số điện thoại, hộp thư điện tử... để sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp thắc mắc và cung cấp các thông tin về dịch vụ, hướng dẫn sử dụng và vướng mắc trong quá trình đăng ký và thực hiện NTĐT. Tuy nhiên về lâu dài, cơ quan thuế cần tiếp tục hỗ trợ DN, tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, trang thông tin Cục Thuế tỉnh để DN thấy và hiểu rõ lợi ích của NTĐT, giúp họ yên tâm về NTĐT.

Mục tiêu ngành thuế đặt ra là cuối năm 2015 bảo đảm đạt 90% số DN sử dụng dịch vụ NTĐT, như vậy để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi nỗ lực không nhỏ của toàn ngành.

Theo lộ trình kế hoạch, ngành thuế sẽ thực hiện ký kết hợp tác cung cấp dịch vụ NTĐT với tất cả các ngân hàng và tiến tới mở rộng dịch vụ NTĐT cho cả người nộp thuế là cá nhân kinh doanh, cá nhân làm công ăn lương...

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hai năm 2015 - 2016. Theo đó, năm 2015, phấn đấu rút ngắn thời gian nộp thuế còn không quá 121,5 giờ/năm; tỷ lệ DN kê khai thuế điện tử đạt trên 95%; tỷ lệ DN nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 90%; xây dựng và công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm ít nhất 90% số DN được hoàn thuế theo đúng thời gian quy định...