Đổi thay từ phong trào xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng được triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc từ năm 2010 thông qua bộ tiêu chí quốc gia (gồm 19 tiêu chí). Sau gần 10 năm thực hiện, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của người dân, phong trào xây dựng NTM đã đạt được nhiều kết quả hết sức to lớn, tạo sự thay đổi quan trọng bộ mặt nông thôn, đồng thời cũng cho thấy đây là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân.

Nhờ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, các trường học tại nhiều địa bàn miền núi của tỉnh Nghệ An được xây dựng khang trang. Trong ảnh: Trường mầm non xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn. Ảnh: QUANG DŨNG
Nhờ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, các trường học tại nhiều địa bàn miền núi của tỉnh Nghệ An được xây dựng khang trang. Trong ảnh: Trường mầm non xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn. Ảnh: QUANG DŨNG

Những đổi thay ở nông thôn

Xã Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc vốn là một trong những xã thuộc diện khó khăn của tỉnh Thanh Hóa. Xã có 5.775 nhân khẩu với 80% là người dân tộc Mường, còn lại 20% là người Kinh sinh sống tại tám thôn. Do địa hình đồi núi cho nên sản xuất nông nghiệp khó khăn, cuộc sống của phần lớn người dân còn nghèo. Trước khi xây dựng NTM, xã Ngọc Sơn chỉ đạt một trên tổng số 19 tiêu chí. Nhờ những bước đi cụ thể, Ngọc Sơn đã có được những chuyển biến tích cực. Người dân đã tự nguyện hiến đất làm đường, phá dỡ công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông, tích cực đóng góp ngày công lao động để cùng chính quyền xây dựng nhà văn hóa, trường học… Trong những năm qua, nguồn vốn huy động xây dựng NTM của Ngọc Sơn đã đạt 136 tỷ đồng, trong đó đóng góp từ nhân dân lên đến 25 tỷ đồng. Tất cả được đầu tư vào kết cấu hạ tầng, xây dựng các thiết chế văn hóa. Hiện tại, 100% đường giao thông ở xã Ngọc Sơn được cứng hóa và nhựa hóa, phong quang, sạch đẹp, các thôn đều có nhà văn hóa…

Xã Ngọc Sơn đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận xã đạt chuẩn NTM vào tháng 9-2019 và đang phấn đấu xây dựng NTM nâng cao trong giai đoạn tiếp theo. Nhớ lại những ngày đầu xây dựng NTM, Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Đồng cho biết, để người dân hiểu và đồng thuận, xã đã tập trung tuyên truyền về 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia, tập trung đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt khuyến khích người dân chủ động, phát huy nội lực. Với Ngọc Sơn để có được thành công như hôm nay ngoài sự chủ động phát huy nguồn nội lực trong dân, thì vai trò của cán bộ, nhất là người đứng đầu rất quan trọng. Đó là sự tâm huyết với công việc, với nhân dân, nghiên cứu vận dụng linh hoạt chính sách của Đảng, Nhà nước để áp dụng đúng thực tiễn địa bàn, từ đó tập trung tuyên truyền chỉ đạo những vấn đề cần triển khai trong xây dựng NTM, hình thành những mô hình điểm, từ đó nhân rộng ra toàn xã.

Ngọc Sơn chỉ là một trong 4.665 xã được công nhận đạt chuẩn NTM trong cả nước. Trên thực tế, xây dựng NTM là thách thức đối với nhiều địa phương nếu không biết vượt lên khó khăn nội tại và vẫn trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước.

Theo Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến, thay đổi lớn nhất và có thể thấy rõ nhất là hạ tầng giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi trong giai đoạn 2010 - 2019, tăng rất nhanh cả về số lượng, chất lượng cũng như diện bao phủ. Cả nước đã xây dựng mới và nâng cấp được hơn 206.743 km đường giao thông (trong đó: xây dựng mới 76.414 km; cải tạo nâng cấp 130.329 km) và bảo trì, khôi phục 139.155 km; trong đó, khoảng 68,7% được cứng hóa. Hơn 97% số xã có đường giao thông từ trụ sở xã đến UBND huyện được nhựa hóa, bê-tông hóa; gần 80% số xã đã trải nhựa, bê-tông đường ngõ xóm; hơn 64% số đường trục chính nội đồng được cứng hóa bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm;… Nhiều tuyến đường nông thôn ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Bắc Trung Bộ đã có đầy đủ vỉa hè, rãnh thoát nước, đèn chiếu sáng, biển tên đường, biển báo giao thông...

Qua xây dựng NTM cũng góp phần đưa kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị. Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn đã có những thay đổi tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn tăng trưởng khá. Dịch vụ ở nông thôn phát triển đa dạng với sự tham gia của các thành phần kinh tế. Việc cơ cấu lại nông nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng, quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao; chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, cả nước gắn với thị trường trong nước và quốc tế.

Đến nay, các địa phương đã tập trung đầu tư và đã phát triển được hơn 27.000 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn, trong đó, phát triển được 1.478 chuỗi nông sản an toàn và 3.267 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi. Cùng với quá trình quy hoạch lại đồng ruộng, các địa phương cũng đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng theo tiêu chuẩn NTM. Nhiều địa phương ở vùng đồng bằng sông Hồng trước khi dồn điền trung bình có từ 10 đến 15 thửa/hộ thì đến nay chỉ còn 1 đến 2 thửa/hộ.

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được nhiều doanh nghiệp, trang trại và hộ nông dân áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình nuôi cá bằng phương pháp sông trong ao tại Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên; mô hình trồng rau theo công nghệ tưới tiết kiệm của I-xra-en… Nhiều địa phương như: Sơn La, Bắc Giang, Hà Nội, Ninh Bình... đã tạo cơ chế, huy động doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản ở nông thôn, tạo điều kiện hỗ trợ tốt cho người dân trong sản xuất nông nghiệp.

Không có điểm kết thúc

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã làm thay đổi toàn diện khu vực nông thôn, đồng thời tạo nên những vùng quê đáng sống. Đặc biệt, qua xây dựng NTM, vai trò chủ thể của người dân ngày càng được khẳng định, hệ thống hạ tầng ngày càng được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả tích cực, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, phục vụ dân sinh. Cũng từ NTM, những mô hình hay, cách sản xuất mới, sáng tạo gắn liền với nông nghiệp công nghệ cao đã ra đời và phát triển thành công trên khắp mọi miền của cả nước, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn lên 2,78 lần (từ mức 12,8 triệu đồng/người năm 2010 lên mức 35,88 triệu đồng/người năm 2018).

Đẩy mạnh phát triển kinh tế là một trong những giải pháp quan trọng góp phần xây dựng thành công NTM. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ, Nghệ An xác định phát triển kinh tế là động lực để xây dựng NTM. Qua đó, địa phương đã cơ cấu lại nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chính quyền các cấp phải nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của người dân. Phong trào xây dựng NTM là phong trào rộng khắp mọi nơi, mọi chỗ và cho mọi người. Nghệ An ban hành những tiêu chí NTM cho các khu dân cư, thôn, xóm, bản và được người dân hết sức ủng hộ. Đến nay đã có 97 bản, thôn, xóm ở những xã chưa đạt chuẩn NTM nhưng đã đạt chuẩn NTM cấp thôn bản. Như vậy, phong trào xây dựng NTM đã thấm đến từng xã, từng địa bàn và không bỏ ai lại phía sau...

Xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Theo Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến, xây dựng NTM cần bảo đảm “Hiệu quả, toàn diện và bền vững”, cụ thể là, hiệu quả về sử dụng các nguồn lực; toàn diện ở mọi lĩnh vực, các cấp, các vùng miền; bền vững về môi trường, biến động thị trường và biến đổi khí hậu. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn sau năm 2020 trở thành một chương trình phát triển nông thôn toàn diện, đáp ứng các mục tiêu của phát triển bền vững ở tất cả các cấp (tỉnh, huyện, xã và thôn, bản). Những kết quả tích cực của giai đoạn 2010 - 2020 cần tiếp tục được phát huy và nhân rộng trên toàn quốc, khắc phục triệt để những yếu kém, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, giữa nông thôn và đô thị, kết nối đồng bộ nông thôn - đô thị và kết nối liên vùng, phát triển hài hòa kinh tế, xã hội và môi trường nông thôn.

Trong giai đoạn tiếp theo, xây dựng NTM nhằm nâng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn lên mức giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững.

Giai đoạn 2016 - 2019: Tính đến tháng 9-2019, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình khoảng 1.567.091 tỷ đồng, bao gồm:

- Vốn ngân sách Trung ương: 37.900 tỷ đồng (2,4%), trong đó: vốn đầu tư phát triển là 27.960 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 9.940 tỷ đồng;

- Vốn ngân sách đối ứng trực tiếp của địa phương: 182.724 tỷ đồng (11,7%);

- Vốn lồng ghép từ Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn nông thôn: 182.709 tỷ đồng (11,7%);

- Vốn tín dụng: 958.859 tỷ đồng (61,2%);

- Vốn doanh nghiệp: 76.411 tỷ đồng (4,9%);

- Vốn huy động người dân và cộng đồng đóng góp: 128.488 tỷ đồng (6,2%).

Tính chung trong cả 9 năm qua, cả nước đã huy động được 2.418.471 tỷ đồng (tương đương khoảng 110 tỷ USD) cho xây dựng NTM.