Doanh nghiệp tạm "ngủ đông"

Ngay trước mùa đại hội cổ đông năm nay, tin vui về chốt tỷ lệ chia cổ tức, cổ tức dự kiến hay kết quả sản xuất, kinh doanh… không được gửi đến nhà đầu tư và cán bộ nhân viên của nhiều doanh nghiệp (DN) như thông lệ.

Thay vào đó lại là những bức tâm thư của CEO cho biết DN đang ở trong thời điểm khó khăn chưa từng có trong lịch sử phát triển, nhất là đối với ngành vận tải và du lịch, dịch vụ. Hàng không lên kế hoạch đóng toàn bộ đường bay quốc tế đến hết tháng 4-2020; du lịch cũng tiến tới trạng thái "đóng băng"; nhiều ngành sản xuất khác chạy đôn chạy đáo lo cầm cự lâu nhất có thể.

Những người chèo lái DN đang rất trăn trở khi buộc phải ra những quyết định đầy khó khăn như giảm thu nhập của nhân viên, giảm việc làm, thậm chí phải ra quyết định đóng cửa. Chỉ trong hai tuần đầu tháng 3, hàng loạt DN lữ hành đều phải ra những quyết định khó khăn như vậy: Vietravel tạm thời cho gần 1.000 cán bộ nhân viên nghỉ việc có hưởng lương cơ bản, chỉ duy trì bộ máy lãnh đạo và những phòng nghiệp vụ cần thiết. TransViet thông báo chuyển sang chế độ "ngủ đông", nhân viên mảng du lịch tạm nghỉ việc về quê, một số được điều động sang mảng kinh doanh sản phẩm chăm sóc sức khỏe chưa bị "ngấm đòn" Covid-19 và chỉ giữ lại một số ít nhân viên thường trực tại các văn phòng để luân phiên giữ nhịp độ hoạt động của công ty…

Số liệu thống kê về tình hình đăng ký kinh doanh của DN trong tháng 3 ghi nhận lần đầu tiên có tình trạng sụt giảm ở tất cả các chỉ số DN đăng ký thành lập mới, DN quay trở lại hoạt động, DN tăng vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, trong khi các hình thức DN rời bỏ thị trường vẫn tiếp tục tăng lên, nhất là hình thức tạm ngừng hoạt động tăng mạnh do nhiều DN bước vào kỳ "ngủ đông" ngoài dự kiến. Theo các chuyên gia, khi chưa biết tình trạng khó khăn bao giờ kết thúc thì giải pháp ngủ đông là cần thiết và cấp bách, giúp DN cắt giảm nhiều chi phí đầu vào, duy trì được dòng tiền tối thiểu, giữ được bộ máy chủ chốt hoạt động để có thể phục hồi kinh doanh ngay khi tình hình chuyển biến tốt lên. Ðây chỉ là một khoảng lặng trong hoạt động đầu tư kinh doanh, không phải sự kết thúc. Bởi nhân viên tuyến đầu có thể được nghỉ ngơi, còn những người chèo lái DN vẫn không phút nào rời bỏ thương trường. Họ tranh thủ thời gian này để thực hiện những kế hoạch dài hơi đã ấp ủ từ lâu nhưng vì guồng quay công việc cuốn đi chưa có điều kiện triển khai, và tái cấu trúc lại toàn bộ hoạt động cho phù hợp tình hình mới.

Thấu hiểu khó khăn của DN, Chính phủ đang quyết liệt triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để DN có thể chống chịu tốt nhất trước tác động khó lường của dịch bệnh Covid-19. Những trợ lực về tín dụng, tài khóa từ Chính phủ sẽ giúp các DN còn nhiều sức khỏe giữ được thanh khoản để ưu tiên duy trì sản xuất, và cũng giúp cho những DN tạm ngủ đông bảo toàn được năng lượng để thức dậy mạnh mẽ nhất ngay khi thị trường hồi phục.