Doanh nghiệp dệt may "ngấm đòn" Covid-19

Mặc dù các doanh nghiệp (DN) dệt may đã triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì lực lượng lao động, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn cầu khiến tổng cầu giảm mạnh, đầu ra của sản phẩm gần như bị "đóng băng", nên hầu hết các DN dệt may trong nước hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát và các giải pháp hỗ trợ không được đẩy nhanh, nhiều DN sẽ rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ, thậm chí không ít đơn vị sẽ phá sản.

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty cổ phần Ðồng Tiến, tỉnh Ðồng Nai.
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty cổ phần Ðồng Tiến, tỉnh Ðồng Nai.

Khó khăn dồn vào những tháng cuối năm

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Bạch Thăng Long cho biết, trong sáu tháng qua, doanh thu của đơn vị đạt gần 1.800 tỷ đồng, tăng 16% so cùng kỳ nhưng thực tế DN còn rất nhiều khó khăn, nhất là khi các sản phẩm truyền thống giảm khoảng 30%. Mức tăng trưởng thời gian qua là nhờ doanh thu từ sản phẩm khẩu trang, nhưng nay đã bão hòa do nhu cầu sử dụng không còn cao như trước. Hiện tại, lượng đơn hàng của đơn vị chỉ đủ đến tháng 9, trong khi những năm trước, đơn hàng đã ký xong cho những tháng đầu năm sau. Nguyên nhân lượng đơn hàng sụt giảm là do tác động của dịch Covid-19 khiến các nền kinh tế không tăng trưởng, các khách hàng đang nghe ngóng tín hiệu thị trường, xem xét lượng hàng tồn kho, rồi mới tính tiếp cho các đơn hàng mới. "Nếu tình hình dịch bệnh không sớm được khống chế, những tháng cuối năm chắc chắn rất khó khăn, các khoản tiền tích cóp từ đầu năm sẽ "bốc hơi" hết, trong khi DN vẫn phải cầm cự, duy trì lực lượng lao động, chờ đợi thị trường khôi phục sản xuất", ông Long nhấn mạnh.

Chung quan điểm, Chủ tịch HÐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương khẳng định, những tháng đầu năm, DN chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi các đơn hàng được ký từ cuối năm 2019. Một số đơn hàng sản xuất xong, bị "treo", chưa xuất được khiến lượng hàng giảm nhưng may mắn có mặt hàng khẩu trang và một số sản phẩm y tế bù vào, cho nên nhìn chung lượng giảm của các đơn vị không nhiều, chiếm khoảng 5 đến 10%. Ðiều đó đã giúp doanh thu của tổng công ty trong sáu tháng qua đạt 130 triệu USD, bằng 45% kế hoạch năm. Thế nhưng, bốn tháng cuối năm mới thật sự "ngấm đòn", bởi hiện tại mới có đơn hàng đến hết tháng 8, DN đang phải gồng mình lo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động.

Giám đốc chi nhánh Hải Phòng (Công ty cổ phần Vinatex quốc tế) Vũ Quyết Chiến cho biết thêm, các DN dệt may hiện đang phải đối diện với rất nhiều trở ngại do dịch Covid-19 khi lượng hàng sản xuất không thể xuất đi Mỹ và các nước Liên hiệp châu Âu (EU). Trong khi đơn hàng sụt giảm, muốn duy trì hoạt động, bắt buộc DN phải cho người lao động nghỉ luân phiên và sản xuất "cầm chừng", vì nếu cố sản xuất thì lượng hàng hóa tồn kho ngày càng lớn và gánh nặng tiếp tục đè vai DN. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, chưa thấy dấu hiệu khởi sắc và có thể kéo dài đến năm 2021, do đó, đơn vị chỉ có thể duy trì sản xuất cầm chừng và đợi chờ tín hiệu thị trường. Nếu tình trạng này không sớm được cải thiện, việc mất lao động là điều hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí, sẽ có khoảng 60 đến 70% DN vừa và siêu nhỏ đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản. Nhiều DN may chỉ phấn đấu đạt mục tiêu đủ việc làm trong năm nay là đã thành công, chưa dám đặt vấn đề về lợi nhuận, trong đó, giữ chân người lao động luôn được ưu tiên hàng đầu.

Tìm hướng sản xuất các sản phẩm thay thế

Với thế mạnh làm hàng xuất khẩu cho nên dịch Covid-19 xảy ra đã tác động rất lớn đến ngành dệt may Việt Nam. Không chỉ nguồn cung nguyên phụ liệu bị gián đoạn mà thị trường đầu ra cũng bị "đóng băng" do các quốc gia áp dụng lệnh giãn cách, dừng hoạt động của các cửa hàng, hệ thống phân phối sản phẩm toàn cầu. Ðề cập tới vấn đề nêu trên, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Ðức Giang khẳng định, dịch Covid-19 đã khiến văn hóa tiêu dùng của người dân thay đổi, chuyển sang chi tiêu cho những sản phẩm thiết yếu chứ không đặt nặng vấn đề mua sắm như trước đây. Chính điều này đã dẫn đến sức mua toàn cầu giảm 30 đến 40%. Ðã qua thời xuất khẩu sản phẩm khẩu trang, trong khi các đơn hàng mới chưa được ký, các DN dệt may cũng chỉ hoạt động cầm chừng từ những đơn hàng cũ, đơn hàng "treo" từ thời gian trước. Ðiều này phản ánh những khó khăn trong thời gian tới sẽ còn lớn hơn đối với ngành dệt may Việt Nam.

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường, kim ngạch xuất khẩu của ngành trong sáu tháng qua giảm khoảng 20% so cùng kỳ do dịch Covid-19. Ðiều này là tất nhiên bởi vì không có quan hệ mua bán, hàng đã sản xuất không xuất được, người lao động thiếu việc làm,... Muốn duy trì hoạt động và lực lượng lao động, DN phải bố trí lại sản xuất, thậm chí phải cắn răng tổ chức sản xuất cho đủ, nếu không, người lao động bỏ đi làm việc khác, đến khi thị trường khôi phục muốn mời họ quay về không phải đơn giản. Ðể vượt khó, DN vừa phải chủ động điều tiết sản xuất, đồng thời phải linh hoạt điều chỉnh các đơn hàng sản xuất nhằm đáp ứng tình hình trong bối cảnh mới. Trong đó, tận dụng hiệu quả các nguồn lực, đi vào phát triển thị trường ngách, nhận những đơn hàng tương đối đặc biệt là đơn hàng nhỏ, khó, đòi hỏi kỹ thuật cao,... Ðồng quan điểm, Chủ tịch HÐQT Hugaco Nguyễn Xuân Dương cho rằng, trong khó khăn, các DN phải liên kết nhau lại; nhận đơn hàng giá rẻ, tranh thủ về giá để tăng lượng mua hàng; tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tạo, nâng cao tay nghề người lao động. Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có kiến nghị tăng tiền đào tạo cho người lao động từ một triệu lên ba triệu đồng/người/tháng. Ðây là điều cần thiết và mong Chính phủ sớm đồng ý triển khai, góp phần hỗ trợ các DN chủ động khâu đào tạo. Bởi vì, khâu gia công phụ thuộc rất lớn vào tay nghề người lao động, nếu được đào tạo tốt, năng suất sẽ được cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ðồng thời, miễn tiền nộp bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn trong năm nay và trong giai đoạn sắp tới. Về phần mình, DN cần nhanh chóng tìm kiếm đơn hàng, giảm bớt cầu trung gian nhằm gia tăng giá trị sản phẩm,...

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong sáu tháng qua giảm khoảng 20% so cùng kỳ nhưng theo các chuyên gia, quý I và quý II ngành dệt may Việt Nam chưa phải chịu tác động nhiều do các đơn hàng được ký từ những tháng cuối năm 2019. Với sức mua toàn cầu giảm, văn hóa tiêu dùng thay đổi, những tháng cuối năm mới là thời điểm cam go nhất, đòi hỏi các DN dệt may phải năng động hơn nữa, nhất là tận dụng những cơ hội của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tuy nhiên, hạ tầng của ngành dệt may Việt Nam còn nhỏ bé, nguồn cung nguyên phụ liệu thiếu hụt rất lớn, do đó, nếu không giải quyết được những điều này sẽ không thể tạo sự bứt phá trong xuất khẩu. Chính vì vậy, cần quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp tập trung, có quy mô lớn tại ba miền: bắc, trung, nam nhằm kêu gọi đầu tư vào khâu dệt, nhuộm hoàn tất, nhanh chóng bù đắp nguồn cung thiếu hụt. Ngoài ra, Chính phủ cần sớm ban hành chiến lược phát triển ngành dệt may giai đoạn 2020 - 2040 để tạo đà, thúc đẩy DN phát triển. Trong bối cảnh khó khăn trước mắt, các DN cần chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh như: các mặt hàng bảo hộ lao động, sản phẩm phục vụ ngành y tế,... Xây dựng chuỗi kết nối nguyên phụ liệu; khuyến khích đầu tư, xây dựng các nhà máy sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.