Diện mạo nông thôn mới vùng miền núi phía bắc (Tiếp theo và hết)(★)

Bài 2: Tạo đà cho xây dựng nông thôn mới

Tại hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) khu vực miền núi phía bắc (MNPB), lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ then chốt trong xây dựng NTM nhưng không dễ thực hiện. Sản xuất nông nghiệp đã phát triển theo hướng hàng hóa nhưng còn chậm, sản phẩm chưa đa dạng. Ðể đẩy nhanh tiến độ, cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, từng bước hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, tăng sức mạnh cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn…

Nhãn là loại quả đặc trưng của Sơn La, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhãn là loại quả đặc trưng của Sơn La, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Khơi dậy tiềm năng

Theo nguyên Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng, trong những năm gần đây, chúng ta mới chỉ quan tâm nhiều đến phương thức sản xuất mà chưa quan tâm đúng mức phương thức tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, có vai trò của các Hợp tác xã (HTX) cầu nối giữa người nông dân với các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ nông sản. Do đó, để nông nghiệp phát triển bền vững cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của các HTX. Số liệu từ Liên minh HTX Việt Nam đã cho thấy, khu vực MNPB hiện có 6.170 HTX, với 66,5% số HTX hoạt động hiệu quả.

Trong đó, chỉ riêng vùng Tây Bắc đã có 94 mô hình HTX kiểu mới, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, không chỉ tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu. Một số HTX đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành những đơn vị kinh tế tập thể có quy mô ngang với những tập đoàn kinh tế.

Nằm trong tốp những HTX ăn nên làm ra khu vực MNPB phải kể đến HTX Phương Nhung, tỉnh Lai Châu. Ðược thành lập năm 2003 và tổ chức lại năm 2015 theo Luật HTX với chức năng kinh doanh đa ngành trong lĩnh vực nông nghiệp. Ban đầu, HTX có 28 thành viên và 100 lao động thường xuyên với số vốn kinh doanh 74 tỷ đồng, riêng vốn góp thành viên là 17,995 tỷ đồng. Ðến nay, HTX đã tăng trưởng về quy mô, nguồn vốn và doanh thu. Chỉ tính riêng năm 2018, doanh thu đã đạt hơn 60 tỷ đồng, thu nhập bình quân của thành viên, người lao động đạt bảy triệu đồng/ người/tháng.

Bên cạnh việc phát huy tiềm năng kinh tế tập thể, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng được các tỉnh MNPB đặc biệt chú trọng. Ghi nhận tại huyện Mai Sơn (Sơn La), một trong những địa phương đã chuyển đổi thành công gần 6.400 ha diện tích chuyên trồng ngô, sắn cho giá trị kinh tế thấp, sang trồng các loại cây ăn quả như: xoài, nhãn, thanh long ruột đỏ, na hoàng hậu, cho doanh thu đạt hơn 300 triệu đồng/ha/năm. Ðáng chú ý, năm 2018, nhiều mặt hàng cây ăn quả của huyện Mai Sơn đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Hàn Quốc... với sản lượng 877 tấn, tổng giá trị ước đạt 12,6 tỷ đồng. Nhờ chuyển hướng cơ cấu cây trồng thành công, huyện Mai Sơn đã hình thành chuỗi cung ứng nông sản khép kín với hai doanh nghiệp đầu mối, 22 HTX và 132 hộ gia đình liên kết sản xuất, đã và đang cho thấy hướng đi đúng đắn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của một huyện miền núi nằm trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh. Chia sẻ với chúng tôi về kế hoạch phát triển cây ăn quả trong tương lai, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn Hà Văn Bình cho biết, huyện sẽ tập trung nâng cao chất lượng, sản lượng theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước và nước ngoài.

Sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, từ làm ăn nhỏ lẻ đến tổ hợp tác, HTX, thông qua chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đã tạo nên nguồn nội lực mới cho khu vực MNPB. Nhưng để duy trì nguồn nội lực và vượt qua khó khăn hiện nay như: địa hình đồi núi phức tạp, hằng năm thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở không chỉ thiệt hại về người, tài sản và hoa màu của người dân, các chuyên gia kinh tế cho rằng, khu vực MNPB rất cần những đột phá về chính sách. Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, do đặc thù khu vực MNPB có nhiều dân tộc sinh sống cho nên việc triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sẽ đem lại hiệu quả tích cực. Ðặc biệt, cần xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm, bảo đảm chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc, xây dựng các sản phẩm có tính xã hội. Ðồng thời, tiếp tục hỗ trợ về đầu ra cho sản phẩm, áp dụng khoa học - công nghệ, giúp các HTX chủ động tiếp cận thông tin thị trường để bảo đảm sản xuất và đầu ra cho sản phẩm trên địa bàn.

Theo ông Ðoàn Thanh Thuận, Giám đốc HTX bưởi, nhãn an toàn Hà Bích (Sơn La), để có được thương hiệu bưởi, nhãn an toàn Hà Bích, ông cũng như các thành viên HTX đã được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng các loại cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ. Do đó, 30 ha cây ăn quả của HTX đều được chăm sóc kỹ lưỡng, đúng quy trình, đầu ra luôn ổn định, đem lại giá trị kinh tế cao…

HTX Nhung Lũy, xã Yến Dương, huyện Ba Bể (Bắc Cạn), là một trong những đơn vị không chỉ làm kinh tế 4.0 mà xã viên cũng đã và đang tiệm cận 4.0. Ðây chính là nội lực để tỉnh Bắc Cạn vươn lên trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước thành lập được hiệp hội OCOP với 93 hội viên tham gia. Chia sẻ với chúng tôi về những thành công của HTX Nhung Lũy, Giám đốc HTX Ðinh Tuyết Nhung cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm thịt treo gác bếp, lạp xường, quả mắc mật sấy khô, bí xanh thơm của HTX đều được sản xuất theo hướng an toàn. 100% sản phẩm của HTX được truy xuất nguồn gốc, dán tem thông minh trước khi đưa ra thị trường. Nhờ ứng dụng công nghệ cao thu nhập của xã viên đã đạt gần năm triệu đồng/ người/ tháng.

Không chỉ có HTX Nhung Lũy và tỉnh Bắc Cạn thành công với OCOP mà tính đến hết tháng 6-2019, sau hơn một năm triển khai OCOP đã có 10 trong số 14 tỉnh phê duyệt đề án triển khai OCOP với tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa đến năm 2020 là 577 sản phẩm. Song song với phát triển kinh tế HTX, mạnh dạn đầu tư cho sản phẩm chủ lực, trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, được Chính phủ phê duyệt cũng nhấn mạnh, phát triển du lịch nông nghiệp, nông dân, nông thôn chính là một giải pháp căn cơ để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người nông dân, bên cạnh phát triển kinh tế tập thể.

Nắm bắt xu hướng phát triển kinh tế từ ngành "công nghiệp không khói" tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh phát triển du lịch với hàng chục điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trên hồ Thủy điện Hòa Bình. Bên cạnh đó là những lễ hội tâm linh như: Lễ hội chùa Tiên, Bà chúa Thác Bờ… Ngoài những điểm du lịch cộng đồng, tỉnh còn có hơn 120 cơ sở lưu trú homestay, góp phần tăng thu nhập cho người dân nói riêng và ngân sách địa phương nói chung. Các tỉnh còn lại đều đã tự xây dựng cho mình chiến lược phát triển du lịch dựa trên những tài nguyên thiên nhiên như: Cao nguyên đá Ðồng Văn, ruộng bậc thang...Tất cả đang biến du lịch trở thành cánh tay nối dài để người dân và chính quyền phát triển kinh tế.

Cần giải pháp đồng bộ

10 năm xây dựng NTM là một chặng đường không dài, nhưng đã tạo nên những chuyển biến tích cực tại khu vực MNPB. Thu nhập của người dân đã tăng lên rõ rệt, tình trạng du canh du cư cũng được giải quyết triệt để. Có của ăn của để, đời sống văn hóa tinh thần của người dân cũng được nâng lên. Tuy nhiên, để MNPB có thể bằng miền xuôi, vẫn cần những giải pháp đồng bộ, trong đó có những đột phá về chính sách theo hướng đặc thù.

Từ thực tế sản xuất, kinh doanh của HTX tinh dầu dược liệu Mường La, tỉnh Sơn La, bà Lò Thị Kim Thương, Giám đốc HTX đề nghị, ngoài đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các HTX vay vốn ưu đãi để đầu tư, Nhà nước nên thay mức hỗ trợ từ 50% (hỗ trợ tham gia hội chợ vùng, khu vực…) lên 80%. Ðồng thời đẩy mạnh chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao cho các HTX…

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần ưu tiên bố trí nguồn kinh phí cho từng lĩnh vực trọng yếu và đây được xem là mấu chốt để HTX khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế địa phương. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng: "Ðã đến lúc, thay vì vận hành nông nghiệp theo "tư duy sản xuất" lâu nay, thì giờ đây phát triển nông nghiệp phải theo "tư duy kinh tế", với mục tiêu giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến…". Thời gian tới Bộ sẽ tham mưu Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tăng nguồn vốn đầu tư cho vùng MNPB. Việc tăng vốn đầu tư nhằm khơi dậy tiềm năng của từng địa phương, giúp địa phương tập trung hoàn thiện mẫu mã cũng như chất lượng những sản phẩm sẵn có, theo hướng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, từng bước hướng đến xuất khẩu. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ có những đề xuất về giải pháp hỗ trợ, linh hoạt một số nội dung của Chương trình còn đạt tỷ lệ thấp tại các thôn/bản ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới trong xây dựng NTM như: tiêu chí thu nhập, môi trường, giao thông nông thôn, chợ nông thôn. Bên cạnh đó là đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với chương trình, đề án cụ thể trên từng địa bàn, từng tỉnh.

Một trong những khó khăn của sản xuất nông nghiệp các tỉnh MNPB chính là đầu ra cho nông sản. Chính vì vậy, Nhà nước, các địa phương cần có các giải pháp tháo gỡ, như mở các chợ đầu mối để người dân bán trực tiếp hoặc thông qua HTX của họ để tiêu thụ nông sản; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông... Cần thiết duy trì định hướng, phát triển nông, lâm, ngư nghiệp nói chung gắn với giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, tăng cường triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM. Ðồng thời, quan tâm phát triển kinh tế biên mậu nhằm khai thác hết tiềm năng, vị trí liền kề thị trường Trung Quốc, trong đó hình thành hệ thống các trung tâm cung ứng nông sản xuất khẩu hiện đại tại các cửa khẩu lớn ở Lạng Sơn, Lào Cai. Ðồng thời, tăng cường liên kết bốn nhà để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn MNPB.

Chuyên gia kinh tế, PGS,TS Trần Ðình Thiên cho rằng: "Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng NTM, các địa phương cần linh hoạt, thậm chí mềm dẻo hơn trong xây dựng chính sách, tạo điều kiện tối đa để 14 tỉnh trong khu vực MNPB có thể cán đích NTM, từng bước tạo đà cho NTM sớm đi đến thành công".

Những kết quả bước đầu trong xây dựng NTM ở các tỉnh MNPB rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM ở khu vực này còn rất khó khăn, cần sự vào cuộc quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương và các bộ, ngành, địa phương khác.

* Bài 1: Cuộc “cách mạng” ở nông thôn

-------------------------------------------------

(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 15-10-2019.