Diện mạo nông thôn mới vùng miền núi phía bắc (Kỳ 1)

Khu vực miền núi phía bắc (MNPB) gồm 14 tỉnh với hơn 30 dân tộc cùng sinh sống. Sau gần 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), khu vực này đã có nhiều khởi sắc, dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có 28% số xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu, để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM ở đây không hề đơn giản.

Mô hình trồng cây chanh leo đem lại thu nhập cao cho các hộ dân xã Lưu Ngọc, huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Mô hình trồng cây chanh leo đem lại thu nhập cao cho các hộ dân xã Lưu Ngọc, huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Bài 1: Cuộc “cách mạng” ở nông thôn

Tính đến hết tháng 6-2019, khu vực MNPB có hơn 600 xã trong tổng số 2.280 xã đạt chuẩn NTM. Kết quả này được đánh giá là khá khiêm tốn so với nhiều khu vực khác trong cả nước. Nguyên nhân được cho là do địa hình phức tạp, trình độ dân trí hạn chế... Vượt lên khó khăn, nhiều địa phương với những mô hình phù hợp đã thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần xây dựng NTM mạnh mẽ.

Những điểm sáng

Xây dựng NTM ở các tỉnh đồng bằng vốn đã khó, thực hiện ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người, các xã biên giới, thuộc Chương trình 30a của Chính phủ lại càng khó hơn. Do kết cấu hạ tầng toàn vùng chưa được đầu tư đồng bộ, đời sống của người dân còn khó khăn… cho nên nhiều địa phương khó cán đích NTM. Thế nhưng, thực tế cũng cho thấy nếu cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc thì NTM không còn là câu chuyện quá khó.

Quang Kim là xã biên giới của huyện Bát Xát (Lào Cai) có 1.610 hộ dân với 6.310 nhân khẩu, trong đó 70% là người dân tộc thiểu số sinh sống ở 14 thôn bản. Trước năm 2010, Quang Kim không chỉ là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Lào Cai mà còn là địa phương gắn liền với những cái “không”. Điển hình là thôn Làng Pẳn, với 85 hộ nghèo/thôn, thu nhập 8,5 triệu đồng/người/năm. Người dân thôn Làng Pẳn không có đường giao thông được bê-tông hóa, chỉ là những lối mòn đi mãi thành đường. Không có nước sạch cho sinh hoạt, hệ thống cống, nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn cũng không. Nước thải sinh hoạt và rác thải đều xả thẳng ra môi trường.

Sau năm 2010, UBND huyện Bát Xát, quyết định tạo đột phá trong xây dựng NTM tại thôn Làng Pẳn. Chính quyền, người dân Làng Pẳn đã tập trung vào tái cơ cấu cây trồng theo hướng an toàn. Phát triển thủy sản và cây lúa theo kỹ thuật cải tiến SRI nhằm cung cấp sản phẩm sạch cho doanh nghiệp thông qua mô hình HTX, từng bước chủ động nguồn cung phục vụ nhu cầu người dân trong tỉnh và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Do đó, kinh tế các hộ dân trong thôn đã khá dần lên. Sau gần 10 năm nỗ lực, thu nhập bình quân của thôn đã đạt hơn 34 triệu đồng/người/năm. Trong thôn không còn hộ đói, hộ nghèo, số hộ khá và giàu chiếm hơn 80%. Tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 95% và các tuyến đường liên thôn, nội thôn, đã được bê-tông hóa toàn bộ.

Với quan điểm thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ sở, trong đó có sự chủ động phát huy nguồn nội lực trong dân, thôn Làng Pẳn, xã Quang Kim từng bước tạo nên những đổi thay trong cuộc sống hằng ngày mà ở đó người dân chính là những người được hưởng lợi. Đó không chỉ là cuộc cách mạng trong thay đổi nếp sống, nếp nghĩ chuyển từ thụ động, trông chờ vào ngân sách Trung ương sang chủ động, đẩy mạnh các phong trào thi đua trong sản xuất, mà còn phát huy nguồn nội lực trong dân thông qua các mô hình “nhà sạch, vườn đẹp”; “thôn tự chủ, tự quản”.

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, xã Lương Can, huyện Thông Nông (Cao Bằng), cũng có cách làm tương tự. Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Tâm chia sẻ: Để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM, xã đẩy mạnh vận động người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao với mức thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/người/năm, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 37 triệu đồng/ha. Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện tại, xã Lương Can sẽ cán đích NTM vào năm 2020.

Anh Nông Văn Đức, xóm Nà Sai, cho chúng tôi biết: Nhờ chính quyền xã tạo điều kiện cho đi tập huấn, làm quen với khoa học kỹ thuật, gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng cây thuốc lá trên diện tích 5.000 m2, cho thu nhập ổn định hơn 30 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình trồng hơn 1.000 bịch nấm rơm, duy trì thường xuyên nuôi 10 con lợn thịt, cho thu nhập hơn 40 triệu đồng/năm, cho nên cuộc sống được cải thiện rất nhiều.

Nhờ NTM, tại xã Lương Can, anh Đức cũng như nhiều nông dân khác đã trở thành triệu phú trên chính mảnh đất quê hương mình. Có thể thấy NTM là một phong trào có ý nghĩa nhân văn và ngày càng có sức lan tỏa rộng rãi.

Theo số liệu điều tra của MTTQ Việt Nam, sau 10 năm triển khai chương trình xây dựng NTM khu vực MNPB đã có 56% số người dân hài lòng với những thành quả của chương trình. Song, vẫn còn 14% số người dân chưa hài lòng. Bởi với những người dân vùng đất khó, để có thể hưởng lợi từ NTM cần có đột phá dựa trên những đặc thù của địa phương.

Tháo gỡ những khó khăn

NTM đã và đang làm thay đổi bộ mặt nhiều làng quê khu vực MNPB, góp phần hạn chế nạn di dân, di cư tự do kéo dài hàng chục năm tại hầu hết các tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong xây dựng NTM thời gian qua, vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập. Đó là việc nhiều địa phương đã chủ trương thực hiện chương trình xây dựng NTM theo phương châm “so bó đũa chọn cột cờ”, dồn toàn bộ nguồn lực cho xã điểm, nhằm tạo đột phá, lan tỏa phong trào xây dựng NTM trong toàn dân. Song, không phải tất cả đều “thuận buồm xuôi gió”. Theo nguyên Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng: Nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở các xã miền núi rất lớn, nhưng kể cả khi đã được đầu tư thì xây dựng NTM vẫn là bài toán khó. Khó trong nếp nghĩ, tìm phương thức sản xuất để phát triển kinh tế cho bà con…

Chúng tôi có mặt tại xã Tam Kim, một trong những xã điểm thực hiện chương trình xây dựng NTM của huyện Nguyên Bình (Cao Bằng). Theo kế hoạch, xã sẽ cán đích NTM năm 2020. Thế nhưng, dù đã được bố trí, ưu tiên mọi nguồn lực, đến nay xã Tam Kim mới chỉ đạt 12 trong tổng số 19 tiêu chí. Chủ tịch UBND xã Nông Trung Kiên cho biết: Xây dựng NTM vẫn gặp khó. Khó ở đây là tiêu chí thu nhập (bình quân đạt 14,5 triệu đồng/người/năm), vệ sinh môi trường. Dự kiến Tam Kim cần 160 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư hạ tầng. Ông Nông Hải Hồng, xóm Bản Um, xã Tam Kim chia sẻ: Để thoát nghèo, người dân trong xóm rất tích cực lao động sản xuất, chuyển từ trồng rau màu, sang trồng cam, quýt, chanh… nhưng do ở xa các thị trường lớn, chưa có đơn vị thu mua, cho nên sản phẩm bán giá rẻ cũng không có người mua. Kinh tế hộ gia đình vì thế hầu như không có nhiều thay đổi.

Giống như Tam Kim, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) cũng được chọn là xã điểm, dự kiến cán đích NTM năm 2020, với nguồn vốn được đầu tư lên đến chín tỷ đồng (giai đoạn 2016 - 2020). Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, Tân Lập mới có 13 trong tổng số 19 tiêu chí đạt chuẩn.

Chủ tịch UBND xã Tân Lập Bùi Văn Tuyến chia sẻ: Trong số những tiêu chí chưa đạt có tiêu chí giảm hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân được cho là khó khăn nhất đối với Tân Lập. Hiện xã có đến hơn 20% số hộ là hộ nghèo theo chuẩn mới. Vì vậy, nếu như không tiếp tục được đầu tư mà chỉ dựa vào nguồn lực nội tại, thì NTM đối với Tân Lập quả là rất khó.

Cái khó của Tân Lập là cái khó nội tại và cũng là cái khó chung của các xã vùng đặc biệt khó khăn của các tỉnh MNPB khi thực hiện chương trình xây dựng NTM. Kinh nghiệm xây dựng NTM tại tỉnh Hà Giang cho thấy, để gỡ khó cho các xã diện 30a nói riêng, các xã thuộc diện khó khăn nói chung, tỉnh chủ trương khai mở, đánh thức tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Trong đó, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực kết hợp với du lịch để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước tiệm cận các tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng NTM.

Theo Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hà Giang Nguyễn Đức Vinh: Sự linh hoạt trong xây dựng NTM đã giúp Hà Giang từ một tỉnh có xuất phát điểm bình quân 3,5 tiêu chí/xã, đến nay đã có 23 xã đạt chuẩn NTM, toàn bộ các xã đạt hơn bảy tiêu chí trở lên. Cũng nhờ chủ trương khai phá, đánh thức tiềm năng của từng địa phương, mà trong 10 năm qua, tỉnh đã huy động nguồn lực phục vụ cho xây dựng NTM đạt 590 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa lên đến 65 tỷ đồng.

Trong khi Hà Giang chọn khai mở, đánh thức tiềm năng của địa phương, thì Điện Biên lại có những sáng tạo mang tính đột phá trong xây dựng NTM. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh tổ chức thực hiện xây dựng thôn, bản NTM tại các thôn, bản ở các xã biên giới thuộc “Đề án xây dựng NTM 29 xã biên giới tỉnh Điện Biên” gọi tắt là đề án 29, từng bước hướng tới xây dựng NTM hài hòa, bền vững. Nhờ xác định mục tiêu phù hợp cho từng xã, lấy nội lực trong dân làm nền tảng, sau ba năm thực hiện đề án 29, tỉnh Điện Biên đã có năm xã đạt chuẩn NTM (đạt 71% so với mục tiêu đề án đến năm 2020 là 7 xã đạt); có hai xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, ba xã đạt 10 đến 14 tiêu chí, 19 xã đạt từ năm đến chín tiêu chí, không còn xã dưới năm tiêu chí. Đây được xem là tiền đề để Điện Biên nhân rộng phong trào NTM ra toàn tỉnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ghi nhận: Thành quả xây dựng NTM của khu vực MNPB là rất đáng khích lệ và cần được nhân rộng trên nhiều vùng trong cả nước, bởi khó khăn nhất cả nước mà các tỉnh khu vực MNPB còn làm được thì các vùng khác không thể không làm được… Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Dựa vào những kết quả đã đạt được, các tỉnh MNPB cần sớm đưa ra những mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo. Trong đó cần có giải pháp nhân rộng các mô hình kinh tế, tuyên truyền để người dân xóa bỏ tư duy sản xuất manh mún, từng bước làm chủ khoa học - công nghệ...

(Còn nữa)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM khu vực MNPB giai đoạn 2016 - 2019 được khoảng 179.031 tỷ đồng, chiếm 14,11% tổng vốn huy động của cả nước. Trong đó, ngân sách Trung ương 12.497 tỷ đồng; đối ứng từ ngân sách địa phương 12.233 tỷ đồng; lồng ghép từ các chương trình, dự án khác 36.970 tỷ đồng; tín dụng 104.338 tỷ đồng; doanh nghiệp 4.829 tỷ đồng; cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp 8.164 tỷ đồng...