Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam nửa đầu năm 2020 và triển vọng

NDO -

Sáng 2-7, tại Hà Nội, Viện kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam sáu tháng đầu năm và dự báo cả năm 2020”.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Hơn 50 tham luận và phát biểu trực tiếp tại Hội thảo của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học và doanh nghiệp tại hội thảo đã tập trung phân tích tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam sáu tháng đầu năm, dự báo triển vọng và đề xuất các giải pháp thích ứng cho cả năm 2020.

Trong sáu tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới. Mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 vừa được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo là sẽ âm 4,9%, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo là âm 5,2%, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo là từ âm 7,6% đến âm 6,0%; thị trường tài chính - tiền tệ toàn cầu có nhiều bất ổn do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, căng thẳng chính trị gia tăng giữa Mỹ - Iran, Trung Quốc - Ấn Độ, bất đồng nội bộ trong tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và trên bán đảo Triều Tiên... làm cho các nhà đầu tư không an tâm; giá của nhiều nguyên, nhiên, vật liệu cơ bản và tiền USD biến động mạnh…

Trong bối cảnh đó, kinh tế, xã hội trong nước cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: Suy giảm động lực tăng trưởng ở phần lớn các ngành, lĩnh vực; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao; hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra sớm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng, dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn...

Đảng và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện  một cách quyết liệt như: Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…

Những giải pháp kịp thời này đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến tích cực trong ổn định kinh tế đất nước: GDP sáu tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 1,81% so cùng kỳ năm 2019 (tuy là mức tăng thấp nhất của sáu tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020, nhưng là điểm sáng trong tình trạng tăng trưởng âm của rất nhiều quốc gia trên thế giới); CPI bình quân sáu tháng đầu năm 2020 tăng 4,19% so bình quân cùng kỳ năm 2019, đây là mức tăng bình quân sáu tháng cao nhất trong sáu năm 2015 - 2020; Lạm phát cơ bản bình quân sáu tháng đầu năm 2020 tăng 2,81% so bình quân cùng kỳ năm 2018 (chỉ tiêu này của năm 2017 - 2019 lần lượt là tăng 1,52%, 1,35% và 1,87%)...

Nhiều dự báo và giải pháp cho thời gian tới được các đại biểu nhấn mạnh, chỉ rõ những cơ hội và thách thức đặt ra cho thị trường, giá cả thời gian tới; thu - chi ngân sách Nhà nước; lãi suất ngân hàng; tỷ giá ngoại hối; nợ công…

Đặc biệt, các đại biểu thống nhất nhận định Chỉ số giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (CPI bình quân) sáu tháng đầu năm 2020 tăng do một số nguyên nhân chủ yếu: Giá các mặt hàng lương thực tăng 3,38% so cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,15%); giá các mặt hàng thực phẩm tăng 14,28% so cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 3,23%), trong đó riêng giá thịt lợn tăng 68,2% (làm CPI chung tăng 2,86%); giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá và các loại quần áo may sẵn tăng cao, lần lượt tăng 1,7% và 0,93% so cùng kỳ năm 2019...

Các nguyên nhân góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI sáu tháng đầu năm 2020 là: Giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu giảm 19,49% (tác động làm CPI chung giảm 0,81%); giá gas trong nước giảm 3,63%; ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhu cầu đi lại, du lịch của người dân sau Tết giảm làm giá của nhóm du lịch trọn gói giảm 1,49% so cùng kỳ năm trước; giá cước vận tải của các loại phương tiện như tàu hỏa, máy bay giảm; Chính phủ triển khai hàng loạt các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19 như gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng nên giá điện tháng 5 và 6-2020 giảm lần lượt là 0,28% và 2,72% so tháng trước; các cấp, ngành tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, khắc phục hậu quả của dịch tả lợn châu Phi và ổn định thị trường…

Dự báo trong sáu tháng cuối năm 2020, thị trường, giá cả ở Việt Nam có những nhân tố làm tăng CPI như: Giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại khi dịch Covid-19 trên thế giới dần dần được khống chế và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục. Tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam vẫn còn diễn biến rất phức tạp (đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng và bão lũ cực đoan...) sẽ ảnh hưởng rất lớn các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung-cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân...

Tuy nhiên, trong sáu tháng cuối năm 2020, thị trường, giá cả ở Việt Nam có những nhân tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI như: Tình hình dịch bệnh Covid-19, chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục được ngay và làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó tăng như kỳ vọng.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam đang được khống chế và đàn lợn nuôi được khôi phục với nhiều tín hiệu khả quan cho thấy cung - cầu thịt lợn ở Việt Nam những tháng cuối năm 2020 sẽ bớt căng thẳng, giá thịt lợn sẽ dần hạ nhiệt, không cao như cuối năm 2019. Cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra…