Đề xuất lập giàn đỗ xe thông minh ở Hà Nội

Mới đây, ông Mai Trọng Tuấn, nguyên phi công, sĩ quan quân đội đã đề xuất quy hoạch thiết lập những giàn đỗ xe thông minh (nổi) liên hoàn, đủ chỗ đỗ cho 20 đến 30 nghìn xe ô-tô cá nhân khu vực trung tâm TP Hà Nội. Trong điều kiện điểm đỗ xe cá nhân ở Thủ đô rất bức bách, các cơ quan quản lý ngành giao thông vận tải (GTVT) và Hà Nội rất nên nghiên cứu phương án này, nếu khả thi có thể triển khai sớm, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Giàn đỗ xe thông minh lắp đặt trên phố Nguyễn Công Trứ.
Giàn đỗ xe thông minh lắp đặt trên phố Nguyễn Công Trứ.

Bức xúc điểm đỗ

Nhu cầu giải quyết điểm đỗ xe ô-tô cá nhân tại các thành phố lớn là vấn đề cần thiết, đối với Thủ đô Hà Nội lại càng cấp thiết hơn. Trong vài năm gần đây, khi kinh tế phát triển, số lượng người dân có nhu cầu mua xe ô-tô tăng nhanh, tạo sự bùng nổ về phương tiện. Tuy nhiên, dù Nhà nước và ngành giao thông rất cố gắng, nhưng cũng không theo kịp sự phát triển nhu cầu của xã hội. Một số hầm để xe ở trung tâm thương mại, chung cư đầu tư rất tốn kém, thi công kéo dài, ảnh hưởng giao thông khu vực, gây ùn tắc cục bộ trong giờ cao điểm. Để giải quyết áp lực chỗ đỗ xe, nhiều nơi phải sử dụng mặt đường, vỉa hè, phát sinh “dịch vụ trông xe đường phố” phức tạp và tiềm ẩn nhiều tiêu cực, lợi ích nhóm,...

Thời gian qua, TP Hà Nội đã đầu tư giàn đỗ xe thông minh ở một vài điểm, nhưng hiệu quả và công năng thấp. Ở một số nước phát triển, đã làm giàn đỗ xe từ lâu, với công nghệ hiện đại, an toàn và có tính mỹ thuật cao, xe ra vào tiện lợi, nhanh chóng. Những giàn đỗ xe thông minh có chi phí đầu tư thấp, thi công nhanh, có thể dễ dàng di chuyển giàn lắp ghép khi cần. Nếu quy hoạch đồng bộ, điểm đỗ xe được đầu tư cùng các chung cư thì không có vấn đề gì, nhưng điều kiện thực tiễn ở Hà Nội hiện nay, khu vực trung tâm và phụ cận đều là “đất vàng” và đã được quy hoạch cho các mục đích khác, việc giải quyết nhu cầu đỗ xe gặp khó khăn đầu tiên và lớn nhất là không thể tìm ra địa điểm nào.

Đó còn chưa kể, giải pháp làm giàn đỗ xe nổi khu vực trung tâm phải đạt được các tiêu chí là hệ thống liên hoàn, gồm nhiều giàn, để dung chứa một lượng lớn xe (lên tới hàng nghìn chiếc), kết nối được với hệ thống giao thông bên ngoài; không thể làm đồ sộ, ảnh hưởng cảnh quan và gây nguy cơ ùn tắc cục bộ,...

Theo tính toán của ông Tuấn, ở khu vực trung tâm Hà Nội, vẫn đủ khả năng thiết lập hai khu vực để lắp đặt những giàn đỗ xe thông minh, liên hoàn, có chỗ đỗ đủ sức chứa 20 đến 30 nghìn xe ô-tô cá nhân. Đó là tận dụng không gian phía trên các con sông, kênh thoát nước trong nội đô và khu vực bãi giữa sông Hồng để triển khai xây dựng các giàn đỗ xe.

Triển khai như thế nào?

Hiện nay, các sông trong nội đô như sông Lũ, sông Sét, Kim Ngưu, Tô Lịch,… chỉ còn chức năng tiêu thoát nước, không đảm trách giao thông thủy như trước đây. Các con sông này có tổng chiều dài khoảng 60 km, có thể tận dụng làm giàn đỗ xe thông minh bắc ngang qua, lắp các giàn đỗ xe ở hai bên, nối vào tuyến đường hai bên, làm ngang mặt đường hoặc có thể thấp hơn vẫn không bị ảnh hưởng dòng chảy, mỗi giàn có từ sáu đến chín tầng, chiều rộng khoảng 18 đến 20 m, đủ cho hai giàn đỗ hai bên, xe ra vào, quay đầu ở giữa. Như vậy, mỗi vị trí giàn chiếm diện tích mặt kênh khoảng 400 m² và có thể chứa ít nhất 120 xe.

Cứ cách khoảng 500 m làm một giàn đỗ, có thể làm được khoảng 120 giàn, tổng sức chứa khoảng 14.500 xe và có thể cao hơn. Theo đánh giá, ưu điểm dễ nhận thấy của giàn đỗ xe này là không chiếm diện tích đất các quận trung tâm, giải phóng đường lưu thông hai bên bờ kênh lâu nay bị chiếm dụng. Việc thi công các giàn đỗ này khá nhanh, không gây ảnh hưởng nhiều giao thông hiện tại, cần thiết có thể thi công móng trụ và lắp ghép ban đêm. Đồng thời, các giàn đỗ cũng không gây ảnh hưởng dòng chảy thoát nước và cũng giống như cầu bắc qua sông, các phương tiện có thể linh hoạt đi từ bên này sang bên kia, không phải đi vòng, tránh dồn ứ vào một điểm.

Ở khu vực phía bắc trung tâm Thủ đô không có sông như ở phía nam, nhưng lại có bãi giữa sông Hồng. Nhiều năm nay, do tác động từ việc xây dựng các nhà máy thủy điện, bãi giữa có xu hướng ngày càng mở rộng và dịch chuyển sát phía bờ nam, không bị ngập vào mùa lũ. Nhánh sông Hồng phía Hà Nội thu hẹp chỉ như con lạch nhỏ, mùa nước cạn có thể lội qua, không còn chức năng giao thông thủy. Theo ông Mai Trọng Tuấn, ở bãi giữa, phần lớn chưa cấp sổ đỏ, người dân sống chung quanh chiếm dụng xây nhà tạm, hoặc làm nơi canh tác rau màu.

“Chúng ta hoàn toàn có thể lấy bãi giữa sông Hồng để làm một hệ thống đỗ xe với nhiều loại, nhiều kiểu giàn đỗ thông minh, thiết kế nhiều tầng, như những công trình kiến trúc bảo đảm tính thẩm mỹ, đi kèm các dịch vụ sửa chữa xe, cửa hàng ăn uống, vui chơi giải trí và chỉ cần phục vụ cho nhu cầu ở các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ. Nếu có quy hoạch và thiết kế tổng thể, đây sẽ là điểm nhấn cho khách du lịch, chỉ cần làm các tuyến đường từ đê xuống và lắp cầu nhẹ qua nhánh sông bị thu hẹp là đến bãi đỗ xe”, ông Tuấn khẳng định.

Theo đánh giá của một chuyên gia, thời điểm hiện tại, quỹ đất dành cho giao thông của Hà Nội chỉ đạt khoảng 8%, nhưng 80% trong số này dành cho diện tích mặt đường phục vụ lưu thông, do đó việc cung ứng thêm các vị trí đỗ xe là cần thiết. Tuy nhiên, việc hình thành điểm đỗ cần thận trọng, tránh “hiệu ứng ngược”, bởi nhiều bãi đỗ không giải quyết được nhu cầu hiện tại và kích thích người dân mua xe nhiều hơn, tiếp tục dẫn tới ùn tắc. Tại một cuộc họp gần đây, Vụ trưởng An toàn giao thông (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thạch cũng đánh giá cao đề xuất này của ông Mai Trọng Tuấn và đề nghị Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu, nếu đề xuất nào phù hợp quy hoạch có thể triển khai áp dụng. Phương án này chỉ mới dừng lại ở mức định hướng và định tính, phần định lượng, quy hoạch và phân tích, cần các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn có kinh nghiệm tính toán cụ thể. Theo chúng tôi, trước mắt có thể nghiên cứu, thí điểm làm ở quy mô nhỏ 1 đến 2 giàn đỗ, nếu phù hợp và hiệu quả mới triển khai trên diện rộng.

Hai khu vực trên nếu được tận dụng triển khai làm giàn đỗ xe, sẽ rất hấp dẫn nhà đầu tư, kể cả hình thức xã hội hóa. Việc thi công có thể tiến hành đồng loạt, đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn, trả lại mặt đường để lưu thông đúng theo công năng. Hiện, đời sống và thu nhập của người dân ngày càng nâng cao, nhu cầu mua xe ô-tô cá nhân dự báo tiếp tục tăng, việc mở đường cũng như giải quyết điểm đỗ ngày càng cấp bách. Nguồn thu từ các điểm đỗ chắc chắn sẽ tạo được nguồn kinh phí không nhỏ cho Nhà nước đầu tư vào các dự án giao thông.