Để các start-up Việt thành công

Chỉ trong một ngày diễn ra Hội nghị Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Ventures Summit) 2019 ở Hà Nội, đã có 425 triệu USD (tương đương 10 nghìn tỷ đồng) của 18 quỹ đầu tư cam kết rót vào Việt Nam trong vòng ba năm. Bên cạnh đó, sự có mặt của hơn 100 quỹ ngoại trong sự kiện đã cho thấy sức thu hút của môi trường kinh doanh và hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Theo Báo cáo thường niên về tình hình đầu tư khởi nghiệp năm 2018 của Topica Founder Institute (TFI), trong năm 2018 các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up) Việt Nam đã nhận được 889 triệu USD đầu tư trong 92 thương vụ từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, tăng gấp ba lần so với năm 2017 và gấp sáu lần so với năm 2016. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những năm qua cũng có mức tăng trưởng ấn tượng về số lượng doanh nghiệp, khi tăng từ 400 start-up vào năm 2012 lên 3.000 start-up vào năm 2018, mức tăng trưởng được đánh giá là lớn thứ ba ở châu Á.

Nhiều start-up của Việt Nam có mức độ đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) cao, không lặp lại các mô hình và ý tưởng kinh doanh đã được triển khai ở những quốc gia khác. Đến nay, nhiều tập đoàn lớn như FPT, Viettel, Vingroup, CenGroup… đã chính thức tham gia vào đầu tư mạo hiểm. Trong cả nước đã có hơn 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 60 khu không gian làm việc chung.

Về thể chế, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã được quan tâm phát triển mạnh cả về chính sách, hạ tầng, thiết chế tài chính và dịch vụ hỗ trợ. Văn hóa khởi nghiệp sáng tạo ngày càng được khuyến khích mạnh mẽ trong giới trẻ và trở thành tinh thần khởi nghiệp quốc gia. Từ năm 2009, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bước đầu xây dựng nền tảng cho hệ sinh thái. Trước sự chuyển động này, đã có những nhận định lạc quan cho rằng nền kinh tế ĐMST của Việt Nam sẽ bùng nổ trong thời gian tới, hứa hẹn là một thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư mạo hiểm.

Xác định ĐMST là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi tối đa cho các start-up phát triển và cải cách thể chế về đầu tư mạo hiểm để các dòng vốn có thể tìm đến start-up một cách thuận lợi nhất. Với vai trò điều phối, tạo dựng hành lang pháp lý và các cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những cam kết quan trọng với cộng đồng các nhà đầu tư. Đó là: Đối thoại và thảo luận thường xuyên với các nhà đầu tư mạo hiểm; phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan để triển khai các biện pháp thích hợp và nhanh chóng giải quyết khó khăn, vướng mắc để khơi thông dòng vốn đầu tư; Thông qua Trung tâm ĐMST quốc gia và các sáng kiến phát triển nguồn lực để các start-up có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn tài trợ và cũng như cơ hội phát triển…

Theo các chuyên gia, bên cạnh những cam kết đó, muốn thu hút mạnh mẽ vốn ngoại vào ĐMST và hệ sinh thái khởi nghiệp, trước hết, chúng ta phải nuôi dưỡng được nguồn lực trong nước bằng cách không để các các start-up ở Việt Nam phải tìm cách ra nước ngoài để lập công ty.