Đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí không dừng

Dự án thu phí tự động không dừng (ETC) là bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ của ngành giao thông nhằm giảm đến mức thấp nhất tình trạng ùn tắc tại các trạm thu phí, thúc đẩy tính minh bạch của việc thu phí. Tuy nhiên, ở hầu hết các trạm thu phí hiện nay vẫn xảy ra tình trạng xe không dán thẻ E-tag (thẻ thu phí tự động) đi vào làn thu phí tự động.

Ùn tắc tại làn ETC, Trạm BOT Hà Nội - Bắc Giang.
Ùn tắc tại làn ETC, Trạm BOT Hà Nội - Bắc Giang.

Không dừng vẫn… phải dừng

Vì đã dán thẻ E-tag cho nên khi đến Trạm thu phí BOT Hà Nội - Bắc Giang, anh Hoàng thoải mái đánh lái chiếc bán tải BKS 29C-721.48 vào làn ETC (làn thu phí tự động) và đinh ninh sẽ nhanh chóng đi qua trạm thu phí không cần phải dừng lại lấy vé. Nhưng thực tế, anh vẫn phải chờ đợi, xếp hàng giống các làn thu phí bình thường bên cạnh vì phía trước anh, hàng loạt phương tiện đang đỗ để chờ đợi trả tiền. Anh Hoàng bức xúc chia sẻ: Nhiều xe không có thẻ E-tag vẫn cố tình “chen” vào làn ETC rồi gây ùn tắc khiến xe có thẻ “không dừng” vẫn phải dừng chờ đợi. Như vậy đâu có sự thuận tiện của việc dán thẻ. Trước mặt anh, lái xe ô-tô BKS 30F-751.50 nhàn nhã kéo kính, chờ đợi nhân viên trạm thu phí trả lại tiền thừa. Khi được hỏi vì sao không có thẻ E-tag vẫn đi vào làn ETC, lái xe này thật thà cho biết: Vì làn ETC “vắng” hơn các làn khác cho nên dù biết không được đi nhưng vẫn quyết định đi vào để khỏi phải xếp hàng lâu. Mặt khác, vào làn này vẫn trả được tiền, không bị phạt hay nhắc nhở, tội gì không “chen vào” cho nhanh. Hơn nữa, hiện các trạm thu phí BOT, có trạm có ETC, trạm lại không, cánh lái xe vẫn chưa thật sự cảm nhận được sự tiện lợi dẫn đến thiếu “mặn mà” trong việc dán thẻ.

Thực tế này không chỉ diễn ra tại Trạm thu phí BOT Hà Nội - Bắc Giang mà còn ở hầu hết các tuyến đường trên cả nước. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (DRVN) Nguyễn Mạnh Thắng thừa nhận: Thời gian vừa qua, DRVN và các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ triển khai dự án ETC, bước đầu đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông cũng như minh bạch cho quá trình thu phí. Tuy nhiên, do đây là dự án đặc thù, có độ phức tạp về công nghệ cũng như tính pháp lý, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam trên diện rộng cho nên vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, số lượng phương tiện sử dụng thẻ E-tag còn ít, như thống kê tại Trạm thu phí Hà Nội - Bắc Giang chỉ được khoảng 10%; nhiều xe dù đã có thẻ nhưng lại chưa nạp tiền vào tài khoản. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng “xe một dừng” đi vào làn ưu tiên và gây ùn tắc.

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) Hồ Trọng Vinh cho biết: Giai đoạn 1 của dự án đã qua 5 năm triển khai (từ tháng 11-2014), nhưng đến nay trên cả nước mới có khoảng 812 nghìn xe được dán thẻ E-tag. Trong đó, tỷ lệ chủ xe nạp tiền vào tài khoản để sử dụng cũng chỉ đạt khoảng 30%, một con số quá thấp so với kỳ vọng.

Theo hợp đồng ký với Bộ Giao thông vận tải, VETC đã cung cấp dịch vụ thu phí không dừng cho các nhà đầu tư BOT. Tuy nhiên, đến nay phương án tài chính chỉ đạt 10% so với phương án tài chính giá trị hợp đồng. Do VETC không thu được phí để vận hành cho nên đến nay lỗ lũy kế của dự án đã lên tới 300 tỷ đồng. Do đó, đơn vị đề xuất Bộ Giao thông vận tải tìm hướng giải quyết, thí dụ triển khai quyết liệt việc phân làn ETC để lái xe thấy rõ sự thuận lợi, ưu tiên từ đó lượng xe dán thẻ sẽ tăng lên và thấy rõ hiệu quả của dự án.

Sẽ xử phạt xe vi phạm?

Vừa qua, DRVN đã phối hợp các lực lượng Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và các nhà đầu tư triển khai ra quân thí điểm việc phân làn ETC tại Trạm thu phí BOT Hà Nội - Bắc Giang, tuyến huyết mạch nằm ở cửa ngõ phía bắc của Hà Nội; đồng thời, tiến hành tuyên truyền, nhắc nhở các phương tiện đi đúng làn đường theo quy định. Ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết: Lực lượng chức năng sẽ vừa tuyên truyền, vừa gửi văn bản cho các đơn vị liên quan, nếu có vướng mắc sẽ tiếp tục tháo gỡ. Sau đó, trường hợp xe nào không dán thẻ E-tag vẫn cố tình đi vào làn không dừng, gây ùn tắc và khó khăn cho phương tiện dán thẻ, có thể sẽ xử phạt ngay. Về chế tài, tại các trạm có triển khai ETC hiện nay đều đã cắm biển, kẻ sơn vạch phân làn và có thông báo hướng dẫn trên giá long môn để các phương tiện đi đúng làn đường khi qua trạm. Vì thế, xe vi phạm có thể bị xử phạt theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Cụ thể, Điều 5 của Nghị định này quy định ba mức phạt, bao gồm: phạt không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo, vạch kẻ đường từ 100 đến 200 nghìn đồng; phạt đi không đúng phần đường hoặc làn quy định từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng; phạt từ 1,2 đến 2 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn cửa người điều khiển giao thông. Tuy nhiên, chủ trương của Bộ Giao thông vận tải vẫn chủ yếu tập trung vào việc tuyên truyền, hướng dẫn với mong muốn người dân tự chủ động chấp hành. Việc xử phạt chỉ là bất đắc dĩ đối với các trường hợp cố tình vi phạm.

Cũng theo ông Thắng, việc tổ chức phân làn quyết liệt thực tế đã mang lại những kết quả nhất định. Như tại Trạm thu phí BOT Đồng Nai, việc tổ chức hai làn thu phí dành riêng cho xe không dừng rất hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ xe dán thẻ E-tag lưu thông qua trạm này từ 10%, nay đã tăng lên 25 đến 30%. Hy vọng, sau đợt ra quân lần này, tỷ lệ xe dán thẻ qua Trạm BOT Hà Nội - Bắc Giang sẽ được cải thiện, từ đó lan tỏa ra cả nước.

Trước nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí không dừng chưa đồng bộ, trạm làm, trạm không hoặc phải dùng nhiều loại thẻ cho nhiều tuyến đường, DRVN khẳng định, các xe sẽ chỉ phải dán một loại thẻ E-tag duy nhất để lưu thông qua tất cả các trạm thu phí trên cả nước theo đúng quy định của Bộ Giao thông vận tải. Cũng để tạo thuận lợi cho người dân khi dán thẻ, DRVN đã yêu cầu VETC tăng cường lực lượng, phối hợp trong việc tuyên truyền; bố trí thêm các vị trí dán thẻ, nộp tài khoản. Về lâu dài, sẽ phối hợp một số đơn vị triển khai hình thức ví điện tử, kết nối thẳng với tài khoản cá nhân của người dân nên sẽ không mất phí và thuận lợi hơn.