Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình lưới điện trọng điểm

NDO -

Trong năm 2020, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia  (EVNNPT) đã vận hành hệ thống điện truyền tải an toàn, liên tục, ổn định góp phần cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân, với sản lượng điện truyền tải đạt 203,85 tỷ kWh, đạt 100% kế hoạch EVN giao, tăng 2% so năm 2019.

Ảnh: TRẦN HẢI
Ảnh: TRẦN HẢI

Năm 2020, tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải đạt 2,23%, tăng 0,08% so với kết quả thực hiện năm 2019 và kế hoạch Tập đoàn giao (2,15%).

Kết quả này còn cao hơn chỉ tiêu kế hoạch Tập đoàn, tuy nhiên xuất phát từ nguyên nhân khách quan do phương thức vận hành truyền tải cao trên lưới điện 500kV Bắc - Nam do các nguồn thủy điện khu vực Tây Bắc và miền trung phát cao do lũ về nhiều trong các tháng cuối năm 2020.

Năm qua, tổng khối lượng đầu tư của EVNNPT đạt 19.579 tỷ đồng, đạt 105,6% kế hoạch; giải ngân khối lượng đầu tư cả năm đạt 18.528 tỷ đồng, đạt 99,9% kế hoạch. Trong đó thực hiện khối lượng đầu tư thuần 14.388 tỷ đồng, bằng 105% kế hoạch. Giá trị giải ngân khối lượng đầu tư thuần năm 2020 đạt 13.337 tỷ đồng, đạt 97,3% kế hoạch.

Đối với việc đầu tư các dự án lưới điện, năm qua, EVNNPT khởi công 39 trên tổng số 32 dự án (gồm bảy dự án 500kV, 32 dự án 220kV). Trong đó có 30 dự án theo kế hoạch Tập đoàn giao và chín dự án khởi công ngoài kế hoạch để bảo đảm cung cấp điện theo yêu cầu của Tập đoàn và các Tổng Công ty Điện lực. Theo kế hoạch đề ra, có bảy dự án không thể khởi công được trong năm 2020 do các vướng mắc kéo dài trong công tác chuẩn bị đầu tư, thỏa thuận vị trí trạm, tuyến đường dây và thủ tục chuyển đổi đất rừng.

EVNNPT cũng đóng điện được 38 trên tổng số kế hoạch 48 dự án (12 dự án 500kV, 26 dự án 220kV). Trong đó có 32 dự án theo kế hoạch Tập đoàn giao và sáu dự án đóng điện ngoài kế hoạch để bảo đảm cung cấp điện theo yêu cầu của Tập đoàn và các Tổng Công ty Điện lực.

Có thể nói, mặc dù chưa hoàn thành đóng điện các dự án đúng theo kế hoạch đề ra, tuy nhiên trong bối cảnh thế giới và đất nước bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như các khó khăn vướng mắc kéo dài trong công tác chuẩn bị đầu tư và bồi thường, giải phóng mặt bằng, với khối lượng đầu tư xây dựng thực hiện và các dự án trọng điểm đã được hoàn thành và đưa vào vận hành trong năm 2020 đã thể hiện sự cố gắng nỗ lực rất lớn của Tổng công ty và các đơn vị trong năm qua để góp phần cùng EVN bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt đối với nhiệm vụ bảo đảm giải tỏa công suất các nguồn điện BOT, các nguồn điện năng lượng tái tạo cũng như để bảo đảm cung ứng điện cho các vùng kinh tế trọng điểm, các trung tâm chính trị, kinh tế xã hội của đất nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các phụ tải quan trọng đúng theo chỉ đạo của Tập đoàn.

Năm 2021, ngoài một số thuận lợi như đại dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế tại Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi và khởi sắc trở lại với mục tiêu GDP năm 2021 khoảng 6-6,5%, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2021 của Tổng công ty sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, EVNNPT phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch chính: Sản lượng điện truyền tải khoảng 213,4 tỷ kW giờ, tăng 4,7% so thực hiện năm 2020. Tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải 2,23%. Không để xảy ra sự cố do nguyên nhân chủ quan, tất cả các chỉ tiêu suất sự cố thực hiện thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch Tập đoàn giao. Đầu tư xây dựng: tổng giá trị 17.550 tỷ đồng, trong đó 12.812 tỷ đồng đầu tư thuần. Khởi công 44 dự án (bảy dự án 500kV, 37 dự án 220kV). Hoàn thành và đưa vào vận hành 63 dự án (19 dự án 500kV, 44 dự án 220kV). Bảo toàn và phát triển vốn; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh phấn đấu kinh doanh có lợi nhuận theo chỉ tiêu  kế hoạch Tập đoàn giao. Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động năm 2021 theo kế hoạch EVN giao.

Về thực hiện khối lượng đầu tư xây dựng và giải ngân: Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án đầu tư xây dựng ngay từ đầu năm để bảo đảm kế hoạch về khối lượng đầu tư xây dựng và giải ngân theo kế hoạch được giao. Về công tác khởi công: Tập trung đẩy nhanh tiến độ đấu thầu lựa chọn nhà thầu để khởi công được 43 dự án theo kế hoạch đề ra. Trong đó đặc biệt lưu ý các dự án trọng điểm, cấp bách như: các dự án giải tỏa công suất các nguồn điện BOT (TBA 500kV Vân Phong, ĐZ 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân), các dự án phục vụ giải tỏa các nguồn NLTT (ĐZ 220kV Ninh Phước - Thuận Nam, NCS các TBA 500kV Pleiku 2, Đắk Nông), các dự án giải tỏa công suất các NMTĐ và mua điện Lào (TBA 220kV Nghĩa Lộ và ĐZ 220kV Nghĩa Lộ - Việt Trì, ĐZ 220kV Huội Quảng - Nghĩa Lộ, TBA 220kV Phong Thổ, ĐZ 220kV Phong Thổ - Than Uyên, TBA 220kV Bát Xát, ĐZ 220kV Bát Xát - Bảo Thắng/TBA 500kV Lào Cai, NCS TBA 220kV Sơn Hà, ĐZ 220kV Nậm Sum - Nông Cống, TBA 220kV Tương Dương), các dự án bảo đảm cấp điện cho phụ tải (TBA 500kV Củ Chi, TBA 500kV Thốt Nốt, ĐZ 500kV Ô môn - Thốt Nốt, TBA 220kV Nối cấp trong TBA 500kV Phố Nối, Lắp M3 TBA 220kV Long Biên, Lắp M3 TBA 220 kV Nhà Bè)...

Về công tác đóng điện, tập trung hoàn thành đóng điện 60 dự án. Trong đó, tập trung trong tháng 1 hoàn thành đóng điện các dự án dự kiến đóng điện trong tháng 12-2020 đã bị chậm tiến độ chuyển sang 2021 như các dự án: ĐZ 500kV Tây Hà Nội - Thường Tín, nâng công suất TBA 500kV Quảng Ninh, Nâng công suất TBA 500kV Nho Quan, TBA 220kV Thủy Nguyên, TBA 220kV Mường La, ĐZ 220kV Quảng Ngãi - Quy Nhơn.

Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như: Các ĐZ 500kV mạch 3 Vũng Áng - Pleiku 2;  Các dự án phục vụ ĐZ đấu nối các Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương, Nghi Sơn, Sông Hậu; Các dự án giải tỏa  công suất các nguồn NLTT: NCS các TBA 500kV Pleiku 2, Đắk Nông; ĐZ 220kV Nha Trang - Tháp Chàm, TBA 220kV Cam Ranh, TBA 220kV Lao Bảo và ĐZ 220kV Đông Hà - Lao Bảo; Các dự án giải tỏa công suất các nguồn thủy điện Tây Bắc, các dự án phục vụ mua điện Lào; Các dự án bảo đảm cung cấp điện cho Hà Nội, miền Nam và các khu vực kinh tế trọng điểm: ĐZ 500kV/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín, Lắp M2 TBA 500kV Việt Trì, TBA 500kV Đức Hòa, ĐZ 500kV Mỹ Tho - Đức Hòa, Nâng công suất các TBA 500kV Nhà Bè, Ô Môn; các TBA 220kV: nối cấp trong TBA 500kV Phố Nối, Bến Lức, Krông Ana; Nâng công suất các TBA 220kV Phủ Lý, Xuân Mai, Vinh...