Đầu tư chiều sâu, phát triển ổn định thị trường xi-măng

Năm 2019, tiêu thụ xi-măng đạt gần 100 triệu tấn, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ tư trên thế giới về sản lượng. Đây là một nỗ lực rất lớn khi nguồn cung trong nước vẫn vượt xa cầu. Trong tương lai, việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu, cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh đang là đòi hỏi, thách thức lớn đối với các doanh nghiệp (DN) xi-măng.

Nhà máy xi-măng Vicem Hoàng Thạch.
Nhà máy xi-măng Vicem Hoàng Thạch.

Tiếp tục vượt khó

Bên cạnh những thuận lợi như kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; quyết tâm của Chính phủ đạt mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng khoảng 6,8%,... môi trường kinh doanh xi-măng năm 2020 cũng được dự báo sẽ gặp một số khó khăn. Nguồn cung xi-măng năm 2020 dự kiến khoảng 110 triệu tấn, trong khi nhu cầu trong nước khoảng 71 triệu tấn, tăng 6,3 triệu tấn so với năm 2019. Xuất khẩu xi-măng đang có xu hướng chững lại do thế giới còn nhiều bất ổn về chính trị, kinh tế, nhất là thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 40% lượng xuất khẩu xi-măng) đang “gồng mình” chống chọi với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (Covid-19), khiến những tháng đầu năm, công tác xuất khẩu sang thị trường này “giậm chân tại chỗ”. Tình hình thời tiết bất thường, nước ngọt khan hiếm do xâm nhập mặn; giá điện, giá than, giá dầu dự báo sẽ tiếp tục tăng cũng là những mối lo thường trực của các DN ngành xi-măng.

Hiện nay, cả nước có 82 dây chuyền sản xuất xi-măng và clanh-ke với tổng công suất khoảng 98 triệu tấn/năm. Hầu hết các dây chuyền đều là công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất theo phương pháp khô, lò quay, chỉ còn số ít dây chuyền đã đầu tư từ lâu, chủ yếu cải tạo từ lò đứng, công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc. Năm 2019, tiêu thụ trong nước đạt khoảng 66 triệu tấn, xuất khẩu 32 triệu tấn, tăng khoảng 3% so năm 2018, cho nên nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh xi-măng vẫn đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ trong năm 2020 khá cao. Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem) Bùi Hồng Minh cho biết, trong năm 2020, Vicem phấn đấu đạt mục tiêu tiêu thụ hơn 31 triệu tấn, tăng gần 6%; tổng doanh thu hơn 40 nghìn tỷ đồng, tăng 10%; lợi nhuận trước thuế phấn đấu đạt hơn 3.700 tỷ đồng, tăng 15,5% so năm 2019. Đây là những thách thức không nhỏ trong bối cảnh ngành xi-măng còn đương đầu nhiều khó khăn để bảo đảm phát huy cao nhất công suất thiết bị và thời gian vận hành, cũng như thị trường cung vượt cầu và vấn đề môi trường,...

Những tháng cuối năm 2019, một số DN xi-măng đã phải điều chỉnh tăng giá bán. Đơn cử như xi-măng Công Thanh điều chỉnh tăng 30 nghìn đồng/tấn (đối với loại bao 50 kg); xi-măng Long Sơn tăng 50 nghìn đồng/tấn (xi-măng bao PCB 30, PCB 40); xi-măng Hoàng Long tăng 20 nghìn đồng/tấn; The Vissai tăng 50 nghìn đồng/tấn (đóng bao) và 20 nghìn đồng/tấn (xi-măng rời). Theo Chủ tịch Hiệp hội Xi-măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung, trong bối cảnh nguồn cung vượt cầu, việc tăng giá sản phẩm cần thận trọng và luôn là bài toán khó đối với các DN xi-măng, đòi hỏi phải tính toán kỹ nếu không muốn mất thị phần vào tay các đơn vị khác, nhất là các thương hiệu nước ngoài đang có nhu cầu kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ

Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc nhận định, với mức tiêu thụ trong nước và xuất khẩu như năm qua, thị trường xi-măng đã dần đi vào ổn định, lượng tồn kho tại các đơn vị đều giảm xuống và ở mức hợp lý. Một số thị trường xuất khẩu phát sinh những yếu tố mới, gây khó khăn trong tiêu thụ, nhưng xét cho cùng đây cũng lại là một cơ hội để các đơn vị có thời gian điều chỉnh lại công tác sản xuất, bán hàng, tìm kiếm bạn hàng mới, tăng cường các giải pháp công nghệ, kỹ thuật nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Theo Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Vicem Bùi Hồng Minh, đơn vị đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung tối ưu hóa năng lực sản xuất, hoàn thành xử lý dứt điểm các “nút thắt” công nghệ trong các dây chuyền, nâng cao năng lực sản xuất, áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để tăng chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, giảm định mức tiêu hao, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, giảm tác động đến môi trường, đồng thời tiếp tục triển khai chương trình kinh tế tuần hoàn. Theo đó, dự kiến trong năm 2020, Vicem sẽ triển khai đốt rác thải tại các nhà máy còn lại với mục tiêu phấn đấu thay thế 25% nhiệt năng cho nung luyện clanh-ke, sử dụng bùn thải sông hồ và các trạm xử lý nước thải của các đô thị, phấn đấu thay thế từ 40 đến 50% sét tự nhiên. Vừa qua, Vicem đã phối hợp hãng FLSmidth (Đan Mạch) nghiên cứu, phát minh công nghệ sản xuất xi-măng không phát thải, tuần hoàn tự nhiên. Đây là công nghệ mới giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm đến mức thấp nhất phát thải ra môi trường và là hướng đi được Vicem tập trung chú trọng trong tương lai. Mặt khác, Tổng công ty cũng đang tiếp tục thực hiện chiến lược cơ cấu lại thị trường tiêu thụ xi-măng trên cả nước, hợp nhất các thương hiệu yếu vào thương hiệu mạnh. Việc Vicem Sông Thao sáp nhập vào Vicem Hải Phòng, Vicem Hải Vân sáp nhập vào Vicem Hoàng Thạch, Vicem Tam Điệp sáp nhập vào Vicem Bỉm Sơn theo Đề án tái cơ cấu Vicem giai đoạn 2019 - 2025, những sản phẩm bước đầu đã được thị trường chấp nhận. Vicem cũng đang nghiên cứu, thiết lập chỉ tiêu xanh và lộ trình thực hiện các chương trình đầu tư chiều sâu nhằm cải thiện môi trường và phát triển bền vững, phấn đấu các chỉ số môi trường làm việc đạt mức quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, từng bước mở rộng sản xuất các dòng sản phẩm mới và các sản phẩm đặc thù, giúp giảm tác động biến đổi khí hậu, phục vụ biển đảo; sản xuất và sử dụng thạch cao nhân tạo, sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu thay thế,...

Dự kiến, năm nay, sẽ có thêm hai dây chuyền sản xuất xi-măng đi vào hoạt động. Do đó, sức cạnh tranh ngành xi-măng trên thị trường sẽ tiếp tục tăng, đòi hỏi các DN xây dựng những chiến lược phát triển phù hợp, đầu tư chiều sâu để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.