Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ động, nỗ lực vượt qua đại dịch Covid-19

NDO -

NDĐT - Dịch Covid-19 khởi nguồn từ Trung Quốc đã, đang bùng phát tại hơn 123 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm hơn 144 nghìn người nhiễm bệnh và cướp đi tính mạng của hơn 5.400 người. Dịch bệnh sẽ còn để lại tác động đa diện về kinh tế - xã hội không chỉ cho Trung Quốc mà còn cả thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo, dịch Covid-19 sẽ khiến Trung Quốc giảm 0,3-1% GDP. Nền kinh tế Trung Quốc có thể bước vào trạng thái “ngủ đông”… với nhiều áp lực gia tăng về an sinh xã hội và ổn định vĩ mô. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 có thể giảm 0,1-0,5%, tức còn khoảng 2,4%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Các thị trường chứng khoán toàn cầu bốc hơi hàng nghìn tỷ USD.

OECD khuyến nghị chính phủ các nước "hành động nhanh chóng và quyết liệt" để vượt qua dịch bệnh và có biện pháp bảo vệ thu nhập của các nhóm và doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng. Các chính phủ có thể cấp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động hay chi trả các chi phí y tế liên quan đến dịch Covid-19; đồng thời, xem xét các biện pháp giảm hay hoãn thuế, nợ; giảm chi phí năng lượng cho các doanh nghiệp ở những vùng và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, cũng như giảm tạm thời tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng.

Dịch Covid-19 đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tiêu cực đến hoạt động kinh doanh du lịch, việc thông thương, đi lại tại các cửa khẩu; vận tải, bán lẻ, ngoại thương, đầu tư và cả tài chính - ngân hàng. Thu ngân sách nhà nước cũng giảm sút, trong khi nhiệm vụ chi đột xuất cho công tác chống dịch bệnh này có thể tăng lên. Theo ước tính của các cơ quan chức năng, dịch bệnh có thể làm giảm số thu ngân sách nhà nước năm 2020 từ 18 nghìn đến 42 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương giảm thu khoảng 9.000 đến 23 nghìn tỷ đồng; làm giảm tăng trưởng 0,55-0,84% GDP năm 2020.

Nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh và bị đứt gãy một số chuỗi cung ứng về cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp, nhất là trong các ngành dệt may và da giày, ngành nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ… phụ thuộc nguyên liệu từ thị trường nước ngoài; dịch bệnh còn có thể làm gia tăng yêu cầu biện pháp bảo hộ thị trường phi thuế quan do lo ngại bùng nổ và tái phát dịch bệnh gắn với chất lượng hàng hóa, dịch vụ và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm; khả năng tăng tranh chấp các hoạt động thực hiện hợp đồng kinh doanh trong nước và quốc tế gắn với nguyên nhân gián đoạn do dịch bệnh; một số hệ lụy khác sẽ đậm nét hơn nếu dịch bệnh kéo dài…

Trong bối cảnh đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, trước mắt Việt Nam cần tập trung nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm… Đồng thời, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 11-CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực tìm giải pháp chủ động tự tháo gỡ khó khăn; tăng tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu thị trường, mở rộng thị trường quốc tế, coi trọng thị trường nội địa; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao hàm lượng chế biến và giá trị gia tăng sản phẩm; đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản Việt vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản; điều chỉnh cơ cấu một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương…

Đồng hành cùng cả nước trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, Ban Thường vụ, Thường trực Trung ương Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã họp, quán triệt, xây dựng kế hoạch hành động, thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và yêu cầu Ban Thường vụ Hiệp hội/Hội Doanh nghiệp các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

Thứ nhất, các doanh nhân, doanh nghiệp, các tổ chức thành viên của Hiệp hội để cao trách nhiệm tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt việc kiểm soát nguồn lây từ ổ dịch trong nước và đặc biệt là từ nước ngoài, không để dịch bệnh lây lan, thiếu kiểm soát, có biện pháp phù hợp tự bảo vệ đối với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội; không quá hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh, nhưng cũng không được chủ quan, lơ là, nghiêm túc thực hiện khai báo y tế và tham gia tích cực khám, sàng lọc, theo dõi và thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thứ hai, các doanh nghiệp cần theo dõi thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng để chủ động và nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi của người lao động; tích cực tái cơ cấu bộ máy, tìm kiếm thị trường và nguồn cung ứng nguyên vật liệu mới, hạn chế thấp nhất việc lệ thuộc vào một thị trường…

Thứ ba, Ban Thường vụ Trung ương Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị Ban Thường vụ Hiệp hội/Hội Doanh nghiệp các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các ban, đơn vị trực thuộc bám sát nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, triển khai thật tốt các nội dung trên. Tăng cường công tác nắm tình hình, lắng nghe, tiếp thu và có trách nhiệm phản ánh đầy đủ những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp, người dân báo cáo về Trung uơng Hội để tập hợp báo cáo Đảng, Nhà nước xem xét, giải quyết.

Ban Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, Cổng thông tin điện tử của Trung ương Hội thường xuyên thông tin, tuyên truyền, xây dựng chuyên trang, chuyên mục phản ánh kịp thời về tình hình dịch Covid-19; vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tích cực ủng hộ về vật chất và tinh thần, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người lao động; thông tin, biểu dương kịp thời những gương tập thể, cá nhân điển hình, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.

Thứ tư, Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ sớm có chính sách bổ sung đặc biệt giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; chỉ đạo ngành ngân hàng xem xét cơ cấu lại các khoản vay, giãn thời gian trả nợ vay, tăng cường các gói hỗ trợ tín dụng, hoạt động tư vấn, thông tin đến khách hàng về điều kiện tiếp cận vốn vay và trả nợ tín dụng ngân hàng…; ngành tài chính xem xét miễn, giãn, giảm thuế và hoàn thuế VAT... cho các doanh nghiệp gặp khó khăn duy trì kinh doanh do dịch Covid-19.

Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự vào cuộc trách nhiệm từ các bộ, ngành, địa phương, cùng với ý chí vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước, dịch Covid-19 sẽ sớm bị đẩy lùi, hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng được hồi phục…