Cơ hội phát triển bền vững ngành chăn nuôi

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, dịch, bệnh trên đàn vật nuôi, biến đổi cực đoan của thời tiết, khí hậu gây ra, song sản xuất chăn nuôi trong nước năm 2020 vẫn đạt kết quả đáng ghi nhận. Nhiều cách làm hay đã mở ra cơ hội phát triển bền vững trong thời gian tới.

Sơ chế sản phẩm thịt lợn sạch tại Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long.
Sơ chế sản phẩm thịt lợn sạch tại Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2020, giá trị sản xuất chăn nuôi ước tăng khoảng 5%, hầu hết các đối tượng vật nuôi đều phát triển tốt. Tổng đàn lợn đạt 26,17 triệu con; tổng đàn bò 5,87 triệu con (tăng 4,2%); tổng đàn gia cầm khoảng 496 triệu con (tăng 6,2%); sản lượng thịt lợn hơi đạt khoảng 3,46 triệu tấn (tăng 3,9%); sản lượng thịt gia cầm hơi các loại đạt hơn 1,42 triệu tấn (tăng khoảng 9,2%); sản lượng trứng đạt 14,5 tỷ quả (tăng khoảng 9,5%); sản lượng thịt bò hơi đạt khoảng 372,5 nghìn tấn (tăng khoảng 4,8%) so với năm 2019. Riêng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi (gồm: thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, mật ong, sữa) ước đạt khoảng 300 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản khá ổn định. Tháng 12-2020, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam xuất khẩu lô sản phẩm thịt gà chế biến đầu tiên sang thị trường Hồng Công (Trung Quốc). Cùng với đó, một số doanh nghiệp Việt Nam đã đưa trứng gà thương phẩm và sản phẩm trứng muối đến các nước: Hàn Quốc, Xin-ga-po, Ô-xtrây-li-a, Cam-pu-chia, Lào; trứng gà giống sang Mi-an-ma; lợn sữa và lợn choai đông lạnh sang Hồng Công (Trung Quốc), Ma-lai-xi-a; mật ong đến Mỹ và EU.

Theo Quyền Cục trưởng Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, năm 2020, sản xuất chăn nuôi cơ bản đạt các mục tiêu đề ra, duy trì mức tăng trưởng cao, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và duy trì xuất khẩu, đã có bước phát triển cả về lượng và chất, trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, tạo sinh kế và nâng cao đời sống cho hàng triệu hộ nông dân. Có được thành quả này là do sự chung tay của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn xây dựng được các chuỗi liên kết khép kín, sản xuất có hiệu quả với chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH), giết mổ an toàn thực phẩm (ATTP). Thêm vào nữa là các mô hình chăn nuôi hiệu quả với những cách làm hay. Ðơn cử như chuỗi thực phẩm A-Z của hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội), với tổng đàn 500 lợn nái và 5.000 lợn thương phẩm. Từ năm 2016, HTX đầu tư mô hình chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm với công suất 150 con/ngày, cung cấp 13 sản phẩm chế biến mang nhãn hiệu A-Z như: Giò chả, xúc xích, thịt hun khói, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ thực tế nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua ngành chăn nuôi đã đóng góp lớn cho an sinh xã hội và góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ðồng thời đã tái cơ cấu sản xuất ngành khá hiệu quả, theo chuỗi giá trị liên kết, ngành hàng, bao gồm các chuỗi: Doanh nghiệp - trại chăn nuôi gia công, doanh nghiệp - HTX - nông hộ, trong đó ưu tiên phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng hữu cơ, ATSH, chú trọng khâu giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh những việc làm được, ngành chăn nuôi còn một số bất cập như: Tăng trưởng chưa bền vững, nhất là vấn đề kiểm soát dịch bệnh, ATTP, môi trường và thị trường sản phẩm. Trừ chăn nuôi bò sữa, còn lại hầu hết các lĩnh vực, việc tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết còn chiếm tỷ lệ thấp cả về quy mô và mức độ liên kết, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, phải đối mặt với nhiều thách thức khi hội nhập sâu rộng với quốc tế, nhất là khi nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, sản phẩm chăn nuôi trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với sản phẩm cùng loại của các nước có trình độ, kinh nghiệm tốt hơn Việt Nam. Mặt khác, chúng ta chưa đánh giá hết vai trò quan trọng của yếu tố thị trường đối với sự phát triển của ngành hàng thịt lợn và yếu tố đất đai dành cho không gian chăn thả đối với chăn nuôi trâu, bò thịt. Người chăn nuôi vẫn thiếu vốn, thiếu quỹ đất để đầu tư, phát triển trang trại…

GÀY 6-10-2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo Quyết định số 1520/QÐ-TTg). Nội dung, mục tiêu của chiến lược phù hợp quy định của Luật Chăn nuôi và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đáp ứng yêu cầu định hướng phát triển bền vững ngành chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại. Theo đó, tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi; thực hiện các giải pháp thúc đẩy tái đàn lợn; chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm (tăng gà lông mầu, vịt đẻ trứng) và gia súc lớn. Phát triển các mô hình chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết phù hợp thực tiễn sản xuất của từng vùng, từng phân khúc thị trường. Nâng cao năng lực giết mổ tập trung và chế biến công nghiệp các sản phẩm từ thịt lợn; sử dụng hiệu quả nguồn chất thải chăn nuôi lợn bảo đảm an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Mở rộng mô hình chăn nuôi, vỗ béo trâu, bò bằng giải pháp thâm canh trồng cỏ, ngô sinh khối kết hợp ủ ướp với các loại phụ phẩm nông, công nghiệp. Phát triển rộng mô hình các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia cầm trong nước, xuất khẩu. Tổ chức lại thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong nước, giảm bớt các khâu trung gian trong quá trình lưu thông. Củng cố và mở rộng các sàn giao dịch sản phẩm chăn nuôi, tăng cường chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm. Ðồng thời, chú trọng phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức hữu cơ truyền thống; tiếp tục mở rộng chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAP; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.

Tiếp tục phát triển giống vật nuôi chất lượng cao phục vụ sản xuất; ưu tiên nhập khẩu giống tốt, chọn tạo đàn giống thích hợp cho mỗi vùng sinh thái. Sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu; tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi (trọng tâm là quản lý các chất chính và chất cấm sử dụng), giảm chi phí sản xuất, ATTP và bảo vệ môi trường. Ðối với chăn nuôi nông hộ, cần phổ biến cách thức sử dụng thức ăn chăn nuôi hiệu quả an toàn, khuyến khích người dân tận dụng lao động tự phối trộn thức ăn. Cần ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực giống vật nuôi, ưu tiên giống bản địa; thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, trang thiết bị chuồng trại, công tác vệ sinh thú y… Nếu thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp này, sẽ đưa ngành chăn nuôi thành ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện, bảo đảm ATSH, ATTP, bảo vệ môi trường và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Anh Quang

Năm 2021 ngành chăn nuôi phấn đấu giá trị sản xuất bình quân đạt khoảng 5,5 đến 6%. Sản lượng thịt các loại đạt hơn 5,7 triệu tấn, trong đó: thịt lợn đạt khoảng 3,67 triệu tấn (tăng 6,1%), thịt gia cầm đạt khoảng 1,5 triệu tấn (tăng 5,8%), thịt gia súc ăn cỏ đạt khoảng 547,3 nghìn tấn (tăng 7,9%). Sản lượng trứng đạt khoảng 15,6 tỷ quả (tăng 7,5%) và sản lượng sữa đạt khoảng 1,21 triệu tấn (tăng 11,5%).