Cơ hội đột phá số hóa ngân hàng

(Tiếp theo và hết) (*)

Người dân giao dịch qua hệ thống ATM tại một ngân hàng ở Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN MINH
Người dân giao dịch qua hệ thống ATM tại một ngân hàng ở Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN MINH

BÀI 2: Xây dựng hệ sinh thái số đồng bộ

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã cho ra đời nhiều ứng dụng công nghệ có thể thay đổi toàn diện hoạt động của các ngân hàng. Nhưng chuyển đổi số ngân hàng không chỉ dừng lại ở vấn đề công nghệ đơn thuần. Ðể quá trình chuyển đổi thành công và phát huy hiệu quả, cần có sự thay đổi mạnh mẽ và đột phá trong tư duy, suy nghĩ của lãnh đạo ngân hàng; cũng như xây dựng được một hệ sinh thái số đồng bộ.

Thay đổi nhận thức, thói quen

Nhằm bắt kịp sự vận động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thời gian qua, hầu hết các ngân hàng Việt Nam đều đã quan tâm đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ. Tuy nhiên có một thực tế, bất chấp những nỗ lực của ngân hàng, phần lớn người tiêu dùng lại chưa thể hiện sự quan tâm nhiều tới những cải tiến số hóa này.

Theo một thống kê, hiện mới chỉ có 20% số khách hàng thường xuyên giao dịch trên các kênh ngân hàng điện tử. Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia có tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản ngân hàng thấp nhất khu vực Ðông - Nam Á, chỉ 30,9% dân số trưởng thành có tài khoản tại tổ chức tài chính. Các dịch vụ tài chính trên di động tại Việt Nam vẫn đang chập chững những bước đầu với số lượng người có tài khoản ngân hàng trên di động rất thấp. Tỷ lệ sử dụng thẻ nội địa để thanh toán ở Việt Nam nhỏ, một phần do thói quen sử dụng tiền mặt đã ăn sâu vào tâm lý, một phần do đặc điểm buôn bán nhỏ lẻ của người Việt Nam nên cả khách hàng và các chủ hộ kinh doanh đều chưa quen sử dụng máy POS. Mặt khác, hệ thống máy POS cũng chưa được phân bố rộng rãi tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, chưa kể, sự hiểu biết về công nghệ, kiến thức tài chính của phần lớn người dân vùng nông thôn còn hạn chế. Bởi vậy, dịch vụ ngân hàng số hầu hết mới chỉ tập trung ở thành phố lớn.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, những thành tựu mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cũng được kỳ vọng có thể giúp lĩnh vực tài chính ngân hàng giải quyết tốt hơn vấn đề thay đổi thói quen của người tiêu dùng, khi các dịch vụ đang dần trở nên đơn giản, tiện ích hơn. Nhưng không dừng lại ở đấy, bởi theo nhiều ý kiến, chuyển đổi số ngân hàng không chỉ là vấn đề công nghệ. Chuyển đổi số giúp thay đổi hành vi khách hàng; và ngược lại, hành vi của khách hàng cũng đang giúp thay đổi số hóa trong hoạt động ngân hàng. "Vậy công nghệ có đủ để giúp các ngân hàng chuyển đổi số? Theo tôi, công nghệ không phải là tất cả. Ðể chuyển đổi số thành công cần có sự thay đổi trong tư duy và suy nghĩ của lãnh đạo ngân hàng" - Giám đốc Ngân hàng số TPBank Trần Hoài Nam chia sẻ.

Còn Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Nguyễn Minh Tâm nhận định: "Tuổi" của một công nghệ số rất ngắn, nếu không đồng lòng thực hiện, đôi khi triển khai xong, công nghệ đó đã trở nên lạc hậu. Chuyển đổi số phải là suy nghĩ, tư duy, sự đồng lòng của cả một tập thể từ trên xuống dưới, kết nối chặt chẽ giữa các bên với nhau.

Vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) Phạm Tiến Dũng cũng nhấn mạnh: Ứng dụng công nghệ số để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, đồng thời tự động hóa các quy trình để có dữ liệu trong xử lý giao dịch nội bộ. Nhưng, sẽ không có ngân hàng số, chuyển đổi số nếu vẫn trên nền tảng nhận thức cũ như chứng từ phải có chữ ký "tươi" xác thực. Rõ ràng, cần sự thay đổi về nhận thức, xây dựng thể chế và hạ tầng quốc gia. Ðến nay, NHNN Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo Fintech. Bản thân các ngân hàng không coi chuyển đổi số chỉ là dự án công nghệ thông tin, mà là chiến lược kinh doanh của mình. Ðiều này cho thấy, nhận thức trong hệ thống ngân hàng đã thay đổi đáng kể.

Hoàn thiện thể chế

Hiện nay, hệ sinh thái của ngân hàng đã được kết nối với hầu hết các ngành quan trọng. Theo Vụ trưởng Phạm Tiến Dũng, đây là điểm khác biệt nhất của năm 2018-2019 so với các năm trước. Cụ thể, lĩnh vực thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công, tiện ích được chú trọng, tăng cường. Dịch vụ nộp thuế điện tử đã được triển khai một cách an toàn, nhanh chóng, thuận tiện. Ngành y tế và giáo dục cũng đã vào cuộc. Bộ Y tế đã ban hành chuẩn QR code cho lĩnh vực y tế và chuẩn kết nối thanh toán… Tuy nhiên, để đẩy mạnh các hình thức thanh toán kỹ thuật số, bảo đảm sự gia tăng không chỉ về số lượng mà cả chất lượng, vẫn cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý. Trong thời gian tới, NHNN Việt Nam sẽ ban hành đầy đủ các quy định pháp lý, các tiêu chuẩn kỹ thuật tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo. Triển khai hạ tầng công nghệ tập trung để tích hợp với các ngành, lĩnh vực, xây dựng hệ sinh thái phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Ðồng thời, đẩy mạnh thanh tra, giám sát, bảo đảm an ninh an toàn hoạt động thanh toán. Ngoài ra, cũng theo đại diện lãnh đạo NHNN Việt Nam, muốn áp dụng thanh toán điện tử rộng rãi cho các dịch vụ như điện, y tế, giao thông,… cơ quan quản lý cần cơ chế chia sẻ dữ liệu, xây dựng hệ thống Open API liên thông với các bộ, ngành liên quan để chia sẻ thông tin khách hàng nhằm tạo ra cơ chế thanh toán thông suốt. Ðiều này chỉ có thể làm được nếu có sự vào cuộc một cách quyết liệt và đồng bộ của tất cả thành phần liên quan.

Xác định việc chuyển đổi số là bắt buộc đối với ngân hàng, song Chủ tịch HÐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Nguyễn Ðình Thắng lại nhìn nhận, đây là một quá trình dài, có thể trong 5 đến 10 năm chưa chắc đã chuyển đổi xong. Vì muốn chuyển đổi số, cần phải chuyển đổi ở tất cả các lĩnh vực của ngân hàng, từ hoạch định chiến lược, vận hành, quản trị rủi ro… thay vì chỉ đưa các dịch vụ online đến cho khách hàng như hiện nay. Khó khăn lớn nhất trong xây dựng ngân hàng số là chưa có thể chế rõ ràng và vướng mắc trong chia sẻ dữ liệu. Hiện chưa có định nghĩa cụ thể thế nào là ngân hàng số, ví điện tử, thẻ phi vật lý,... Ðiều các ngân hàng lo ngại nhất là vướng phải rủi ro về pháp lý, do vậy NHNN Việt Nam cần quy định rõ ràng để các ngân hàng có "hành lang" rộng rãi khi triển khai ngân hàng số. Ngoài ra, các ngân hàng hay doanh nghiệp Fintech phải có sự chia sẻ, kết nối với nhau. Việt Nam hiện có hàng chục ví điện tử nhưng chưa ví nào nhìn thấy nhau, các ví chưa thể chuyển tiền sang nhau. Do vậy, Nhà nước cần có cơ chế cho phép chia sẻ giữa các ví điện tử trong nước và quốc tế.

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo Vụ trưởng Phạm Tiến Dũng, nghị quyết này có nhiều điểm mới, như: không tiếp cận theo hướng công nghệ, mà nhấn mạnh vào thay đổi nhận thức và xây dựng thể chế. Ðây cũng là hai giải pháp mà NHNN đang tiến hành lâu nay. Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh cho biết thêm, thời gian qua, NHNN Việt Nam đã hỗ trợ các ngân hàng trong việc chuyển đổi số như: hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho các ngân hàng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhưng vẫn chú trọng bảo đảm an ninh mạng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong thời gian tới, NHNN Việt Nam sẽ dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NÐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt để tạo điều kiện cho hoạt động thanh toán điện tử phát triển. "NHNN Việt Nam sẽ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng công nghệ, trước hết là hạ tầng thanh toán điện tử, xây dựng các tiêu chuẩn về QR Code, thẻ chip…" - ông Nguyễn Kim Anh chia sẻ.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 3-12-2019.

Chuyển đổi số đang diễn ra rất mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng, không chỉ thay đổi quy trình, sản phẩm ngân hàng, mà còn tăng trải nghiệm của khách hàng. Các đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng đang phá vỡ các quy trình hiện hành, đặt ra áp lực lớn cho các nhà hoạch định chính sách về việc phải có khung pháp lý phù hợp. Nếu không có sự cởi mở, nền kinh tế sẽ nhanh chóng mất đi năng lực cạnh tranh. Song nếu không có khung pháp lý rõ ràng, hậu quả sẽ lớn hơn hiệu quả. Chúng ta phải có tinh thần tiên phong, đón nhận cái mới, nhưng để tận dụng được cơ hội, cần chuẩn bị chu đáo, tất nhiên không được quá chậm, nếu không, cơ hội sẽ trôi qua.

PGS, TS NGUYỄN HỒNG SƠN

Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư