Cơ hội đột phá số hóa ngân hàng

Đánh giá từ Chính phủ và các bộ, ngành cho thấy, những năm gần đây ngân hàng là một trong những ngành chủ động đi đầu ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong quản lý, kinh doanh với bước tiến đột phá trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến. Đây cũng được xem là nền tảng quan trọng cho lợi thế cạnh tranh mới khi nền kinh tế số phát triển và xu hướng thanh toán điện tử tăng nhanh.

Các loại hình dịch vụ thẻ thông minh được giới thiệu trong khuôn khổ triển lãm kỷ niệm 60 năm Bộ Khoa học và Công nghệ.
Các loại hình dịch vụ thẻ thông minh được giới thiệu trong khuôn khổ triển lãm kỷ niệm 60 năm Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bài 1: Thúc đẩy chuyển đổi số

Xu hướng ngân hàng số

Tại Việt Nam hiện nay, theo đánh giá từ các chuyên gia kinh tế, quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số vàng và tỷ lệ người dân sở hữu điện thoại thông minh ở mức cao,… sẽ giúp các ngân hàng trong nước có thể khai thác thuận lợi và hiệu quả hoạt động của ngân hàng số, khi dịch vụ bán lẻ còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, so sánh với thị trường những nước tiên tiến, số lượng ngân hàng số ở Việt Nam còn ít. Các ngân hàng chỉ mới ở giai đoạn đầu của quá trình số hóa, song điều đáng ghi nhận là các ngân hàng đều quan tâm phát triển mảng dịch vụ này.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) được đánh giá là ngân hàng tiên phong đi theo con đường số hóa với sản phẩm LiveBank. Trước đây, với quy trình truyền thống, để mở thẻ thanh toán và đề nghị cấp thẻ ATM, khách hàng phải đến ngân hàng. Để mở tài khoản thanh toán như vậy mất từ một đến hai giờ, trong khi việc cấp thẻ ATM mất từ bốn đến năm ngày, thậm chí cả tuần. Nhưng với LiveBank, khách hàng có thể mở thẻ online và được phát hành thẻ trong vòng 8 phút. Ngoài ra, việc phát triển mạng lưới bằng máy sẽ nhanh hơn từ 50 đến 100 lần so với tốc độ phát triển mạng lưới phòng giao dịch truyền thống. Chính công nghệ và tự động hóa đã giúp ngân hàng rút ngắn thời gian, giảm chi phí giao dịch, chi phí đầu tư ban đầu, chi phí vận hành sau này.

“Lợi nhuận là câu chuyện ngắn hạn của năm nay, năm sau. Nhưng chuyển đổi số là lợi nhuận tích lũy cho tương lai”, Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng chia sẻ.

Sau TPBank, hiệu ứng phát triển ngân hàng số bắt đầu lan rộng sang VPBank, HDBank, VIB, OCB,…

Và mới đây, trong tháng 4-2019, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã “bắt tay” với nhà tư vấn nước ngoài triển khai dự án chuyển đổi số; dự kiến cuối năm nay, Trung tâm Ngân hàng số Vietcombank đi vào hoạt động. Theo ông Phạm Anh Tuấn, Ủy viên Hội đồng quản trị, Trưởng ban Hiện đại hóa công nghệ ngân hàng của Vietcombank, có rất nhiều thách thức khi tiến hành chuyển đổi số, nhưng Vietcombank đã đặt ra các nguyên tắc để triển khai. Vietcombank không coi chuyển đổi số là một dự án, mà là chiến lược để hoạt động và bắt tay hành động ngay. Đồng thời, Vietcombank đã truyền một thông điệp nội bộ: “Chuyển đổi số hay là chết?” để nhấn mạnh quyết tâm của mình.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Phùng Duy Khương cho biết: “Khi xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm, ban lãnh đạo của nhiều ngân hàng luôn đặt vấn đề nâng cao năng suất lao động thêm 30% đến 40%, cắt giảm nhiều bước trong quy trình hoạt động. Với yêu cầu đó, nếu chỉ theo cách truyền thống thì không thể làm được. Và chúng tôi gọi số hóa là yếu tố thay đổi luật chơi. Số hóa giúp tăng doanh thu, giảm chi phí và kiểm soát rủi ro tốt hơn”.

Đẩy nhanh thanh toán điện tử

Cùng với chuyển đổi ngân hàng số, thời gian qua, các ngân hàng cũng tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua áp dụng những tiến bộ công nghệ tài chính (fintech) vào các ứng dụng như thanh toán qua di động, mã QR chuẩn hóa, ví điện tử, số hóa thông tin thẻ, thanh toán thẻ chíp đối với thẻ nội địa,…

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết, nhiều ngân hàng đã nghiên cứu và triển khai chiến lược chuyển đổi số bước đầu với ứng dụng in-tơ-nét vạn vật (IoT) cho phép khách hàng truy cập sử dụng dịch vụ ngân hàng, kết nối với các hệ sinh thái số khác trên nền tảng in-tơ-nét hoặc cung ứng các dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng được cài đặt trên điện thoại di động.

Các ngân hàng cũng đang nỗ lực triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt một cách đồng bộ và tổng thể, nhằm tạo ra hệ sinh thái đầy đủ, tiện ích và trải nghiệm cho khách hàng. Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán bằng điện thoại di động ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng tại Việt Nam vì tính đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng. Khảo sát của PwC (PricewaterhouseCoopers - một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới) đối với 27 nước, đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động tăng từ 37% lên 61%.

Nhằm góp phần đẩy mạnh dịch vụ thanh toán điện tử, theo số liệu từ Vụ Thanh toán (NHNN), hiện nay đã có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua in-tơ-nét và 44 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán điện thoại di động; trong đó 24 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán QR Code. Đáng chú ý, hình thức thanh toán di động qua việc quét mã vạch QR, số hóa thông tin thẻ, xác thực sinh trắc học,… đang dần trở thành xu hướng mới của ngân hàng và người tiêu dùng. Với dịch vụ mobile banking, ngân hàng đã đưa nhiều dịch vụ tới khách hàng hơn như thanh toán tiền điện online, mua vé máy bay...

Cùng với đó, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng cũng được chú trọng. Khoảng 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với ngành thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước. 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử.

Dù các dịch vụ thanh toán điện tử đã được đẩy mạnh trong nền kinh tế, nhưng số liệu từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cũng chỉ ra rằng, trong 5 năm gần đây, thương mại điện tử tăng trưởng với tốc độ 25 đến 30% mỗi năm với tổng giá trị giao dịch năm 2018 đạt 8 tỷ USD, nhưng chủ yếu phương thức thanh toán vẫn là tiền mặt. Chỉ 3% đến 5% lượng giao dịch sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, với tỷ lệ thanh toán trực tuyến rất thấp. Điều này cho thấy, việc làm thế nào để người dân thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt, tiếp cận mạnh mẽ hơn các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại vẫn là một câu chuyện dài. Trong đó, một trong những nguyên nhân chính khiến người dân chưa “mặn mà” với hình thức thanh toán này là lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn về tính an toàn trong thanh toán, bảo mật thông tin.

“Càng bước sâu vào thời đại số, nhiều điểm yếu trong hệ thống thông tin doanh nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ bị tấn công. Kết quả một nghiên cứu gần đây cho thấy, cứ 100 công ty fintech, có tới 98 công ty để xảy ra lỗ hổng về bảo mật thông tin. Nếu chúng ta áp dụng những công nghệ số này vào ngân hàng, cũng đồng nghĩa với việc tạo lỗ hổng trong hệ thống thông tin” - một chuyên gia hoạt động dịch vụ tư vấn an ninh mạng của Công ty Tư vấn EY Việt Nam nhận định.

Như vậy, thuộc nhóm tiên phong ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong quản lý kinh doanh, vì thế ngân hàng cũng là ngành chịu tác động nhiều nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong nền kinh tế số. Bên cạnh những cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại, các ngân hàng cũng phải đối mặt nhiều thách thức trong thay đổi mô hình quản trị, kinh doanh, cấu trúc sản phẩm, dịch vụ thích ứng với xu hướng khách hàng thế hệ số, nền kinh tế số cũng như thách thức trong phòng ngừa rủi ro an ninh mạng và bảo vệ bí mật thông tin khách hàng...

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã cho ra đời nhiều ứng dụng công nghệ có thể thay đổi toàn diện hoạt động của các ngân hàng, nhưng câu chuyện làm sao để cân bằng giữa đẩy mạnh sáng tạo, tăng tiện ích cho người dùng với quản trị rủi ro đang là bài toán khó.

(Còn nữa)

Chỉ riêng việc số hóa bằng cách bỏ hóa đơn giấy của nhiều giao dịch, theo tính toán, ngân hàng đã có thể tiết kiệm đến 10 tỷ đồng trong một năm. Đó chính là hiệu quả tức thời về mặt con số và lợi ích về môi trường.

NGUYỄN MINH TÂM Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank